MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng tới khủng hoảng: Châu Á học được gì từ "cơn sóng thần" tài chính đúng 25 năm trước?

03-07-2022 - 11:15 AM | Tài chính quốc tế

Khủng hoảng tới khủng hoảng: Châu Á học được gì từ "cơn sóng thần" tài chính đúng 25 năm trước?

Kể từ khi Thái Lan phá giá đồng baht vào tháng 7/1997, gây ra cuộc Khủng hoảng Tài chính châu Á, thế giới đã phải chịu thêm 2 cú sốc với kinh tế lớn. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta đã sẵn sàng cho cuộc khủng hoảng tiếp theo?

Cách đây đúng ¼ thế kỷ, phần lớn châu Á bước vào hỗn loạn cả về kinh tế, chính trị và thị trường tài chính, sự kiện mà sau này người ta gọi là Khủng hoảng Tài chính châu Á. Cùng với đó là những cú sốc trên thị trường tiền tệ và chứng khoán. Có những chính phủ đã bị lật đổ. Tỷ lệ đói nghèo tăng vọt.

Cuộc khủng hoảng đó đã làm dấy lên những nghi ngờ về cái gọi là "Điều kỳ diệu của châu Á" – khu vực tăng trưởng nhanh chóng với nhiều nền kinh tế được mô tả là những "con hổ".

Sóng gió bắt đầu đúng ngày 2/7/1997 khi Thái Lan phá giá đồng baht, khiến làn sóng chấn động lan ra khắp các thị trường mới nổi trong khu vực và xa hơn nữa khi cuộc khủng hoảng kéo dài tới năm 1998.

Một phần tư thế kỷ sau, các nền kinh tế châu Á đã thay đổi. Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất khu vực, lớn thứ 2 thế giới và cũng là động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Bloomberg đã phỏng vấn những người giữ vai trò chủ chốt trong cuộc khủng hoảng 25 năm trước. Đó là câu chuyện về những gì đã xảy ra, cách mà châu Á vượt lên cũng như sự sẵn sàng của khu vực với một cuộc khủng hoảng kinh tế mới.

Khủng hoảng tới khủng hoảng: Châu Á học được gì từ cơn sóng thần tài chính đúng 25 năm trước? - Ảnh 1.

Câu chuyện bắt đầu vào ngày 4/1/1994, thời điểm đỉnh cao của sự bùng nổ ở Đông Nam Á. Ông Korn Chatikavanij, người sáng lập Jardine Fleming Thanakom Securities và sau này là Bộ trưởng Tài chính Thái Lan (tháng 12 năm 2008 - tháng 8 năm 2011), chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn trên truyền hình dịp đầu năm.

Korn Chatikavanij: Tôi biết mình sẽ được yêu cầu dự đoán về thị trường chứng khoán trong năm đó. Vì vậy, tôi đã nói chuyện với nhóm của mình và chúng tôi đồng thuận rằng đỉnh của năm chính là ngày hôm đó.

Đến năm 1997, SET Index (chỉ số chứng khoán chính của Thái Lan) chỉ còn một nửa so với đỉnh năm 1994.

Korn: Tôi bị dọa giết trong nhiều năm.

Khủng hoảng tới khủng hoảng: Châu Á học được gì từ cơn sóng thần tài chính đúng 25 năm trước? - Ảnh 2.

Piti Sithi-Amnuai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Bangkok, nhớ lại: Thái Lan có 100 công ty tài chính. Mọi người đều nghĩ việc kiếm tiền rất dễ. Họ nghĩ rằng họ có thể kiếm lời bằng cách huy động tiền, bao gồm vay từ nước ngoài, rồi cho vay lại tại các lĩnh vực mà bản thân họ còn chẳng biết nó làm ăn ra sao.

Korn: Mọi người tin rằng luôn có một bữa trưa miễn phí. Các công ty Thái Lan vay USD ở mức lãi 4% và gửi chúng tại các Ngân hàng Thái Lan với lãi suất 12% hoặc 10% và nghĩ rằng đó là tiền "miễn phí" vì niềm tin đồng baht sẽ không bao giờ bị mất giá. Thật khó tin khi cả nước đều nghĩ như vậy. Thậy buồn cười khi mọi người đều sẵn sàng đặt cược cho canh bạc phi lý ấy.

Mark Mobius, đồng sáng lập Mobius Capital Partners: Chúng tôi biết Thái Lan đang gặp khó khăn khi phụ thuộc quá nhiều vào đồng USD. Chúng tôi đồng thuận rằng các trader đang đặt cược vào đồng baht. Chúng tôi nghe nói rằng Ngân hàng Trung ương Thái Lan sắp hết ngoại hối khi họ phải gồng mình giữ vững tỷ giá hối đoái. Và chúng tôi bắt đầu nghi ngờ cơ quan này sắp hết "đạn".

Khủng hoảng tới khủng hoảng: Châu Á học được gì từ cơn sóng thần tài chính đúng 25 năm trước? - Ảnh 3.

Ngày 2/7/1997, Thái Lan bắt đầu phá giá đồng baht.

Joseph Yam, cựu Giám đốc Điều hành Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông, Trung Quốc: Các nền kinh tế có độ mở nhỏ với thị trường thanh khoản vừa phải nên cẩn thận. Toàn cầu hóa tài chính, trong khi tạo điều kiện cho đa dạng hóa đầu tư quốc tế, có những mặt tối của nó. Thị trường tự do không phải thị trường bị thao túng một cách vô tội vạ. Các cơ quan quản lý tài chính phải có sự chuẩn bị tốt để đối phó với các hành vi "săn mồi" mà không liên quan đến lợi ích quốc gia của nước sở tại.

Tarrin Nimmanahaeminda, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan (tháng 11 năm 1997-tháng 2 năm 2001): Hai thách thức lớn nhất mà tôi phải đối phó là bảng cân đối kế toán của các tổ chức tài chính bị tắc nghẽn bởi các khoản nợ xấu và gần như mất toàn bộ dự trữ ngoại hối. Và điều này đã được giữ bí mật.

Mobius: Khi khủng hoảng xảy ra, chúng tôi nghĩ nó sẽ được khoanh vùng và cô lập. Chúng tôi không nghĩ cuộc khủng hoảng có thể lan rộng nhưng sau đó, các trader bắt đầu đặt cược vào tiền tệ của các quốc gia khác. Các quốc gia này cũng có những khoản vay lớn vì tỷ giá đồng USD rất thấp vào lúc bấy giờ. Và chúng tôi nhận ra mình sai. Cuộc khủng hoảng lan rộng ra toàn khu vực.

Khủng hoảng tới khủng hoảng: Châu Á học được gì từ cơn sóng thần tài chính đúng 25 năm trước? - Ảnh 4.

Zeti Akhtar Aziz, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia: Thị trường về cơ bản đã trở nên rối loạn. Các quy định thông thường về việc tăng lãi suất sẽ không thể ổn định thị trường. Việc can thiệp để bảo vệ tiền tệ cũng vô ích không kém vì điều này sẽ chỉ làm cạn kiện dự trữ ngoại tệ.

Kinh nghiệm đáng chú ý nhất trong việc hoạch định chính sách thời kỳ khủng hoảng chính là thuyết phục giới lãnh đạo chính trị chấp nhận những chính sách khó khăn. Trong việc quản lý một cuộc khủng hoảng, thường sẽ có hàng loạt yêu cầu từ tất cả các lĩnh vực. Cũng không thiếu những giải pháp được đề xuất. Khi bắt đầu, cần phải chắc chắn gặt hái được thành quả.

Mobius: Chúng tôi thường thích những thị trường gấu và khủng hoảng mang đến cho chúng tôi cơ hội mua lại những công ty tốt với giá hời. Từ lịch sử, chúng ta biết rằng các thị trường gấu, thường xảy ra bất thường và gây sốc, nhưng không kéo dài, thưởng chỉ 1 đến 1,5 năm. Chúng tôi biết rằng đó là thời điểm tốt để đầu tư. Cuối cùng, nó cũng đã phát huy hiệu quả.

Ngày 1/9/1998, Malaysia áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn và cố định tỷ giá hối đoái với đồng USD.

Zeti: Một bài học quan trọng cho việc dựa vào quản lý dòng vốn là nó cần được nhắm những mục tiêu tạm thời. Ở Malaysia, nó được nhắm vào các nhà đầu cơ. Thách thức là làm thế nào để thoát khỏi các biện pháp khác thường như vậy. Malaysia thoát khỏi các biện pháp như vậy sau 12 tháng và quá trình chuyển đổi tỷ giá hối đoái linh hoạt diễn ra sau 7 năm.

Mobius: Cuối cùng, nhiều quốc gia châu Á học được bài học vào năm 1997 là không vay quá nhiều bằng ngoại tệ. Tất nhiên, vẫn có những bên không chú ý đến bài học đó. Sri Lanka là một ví dụ. Nói chung, tình hình hiện nay đã khá hơn nhiều.

Zeti: Có lẽ bài học quan trọng nhất là cần phải xây dựng khả năng phục hồi. Thế giới có khả năng tiếp tục phải đối mặt với khủng hoảng. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, cải cách sâu rộng trong lĩnh vực tài chính được thực hiện. Thành quả có thể được nhìn thấy trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Dù châu Á bị ảnh hưởng nhưng hệ thống tài chính và nền kinh tế không gặp khủng hoảng.

Shan Weijian, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành PAG có trụ sở tại Hồng Kông: Các ngân hàng phương Tây lao đao trong cái gọi là cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu nhưng theo hiểu biết của tôi, không có ngân hàng nào ở châu Á sụp đổ. Những cải cách mang tính hệ thống của các ngân hàng khắp châu Á khiến chúng trở nên kiên cường, lành mạnh và mạnh mẽ ngay cả khi đối mặt với một cơn sóng thần tài chính.

Khủng hoảng tới khủng hoảng: Châu Á học được gì từ cơn sóng thần tài chính đúng 25 năm trước? - Ảnh 5.

Korn Chatikavanij: Thật đáng kinh ngạc khi điều tương tự khủng hoảng tài chính châu Á lại xảy ra ở Iceland, New York và những nơi khác 10 năm sau. Điểm khác biệt chính là việc IMF nhận ra rằng việc đẩy lãi suất lên không phải ý tưởng hay. Việc thắt chặt chính sách như IMF yêu cầu để đổi lấy các gói viện trợ không phải lối thoát.

Shan Weijian: Những thay đổi trong 25 năm qua đối với các nền kinh tế châu Á và thị trường tài chính là rất lớn. Nó không còn là định lượng mà còn là định tính.

Piti: Thay đổi lớn nhất của ngành ngân hàng trong 25 năm qua là công nghệ. Nó đã thay đổi hầu hết mọi thứ. Một thay đổi khác là sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vai trò cường quốc kinh tế. Trung Quốc không thực sự quan trọng như vậy trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nhưng bây giờ, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có ảnh hưởng ở mọi nơi.

Mobius: Ngày càng có nhiều người sử dụng Internet hơn để tiếp cận với mọi người, đặc biệt là ở nhóm thu nhập thấp hơn. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên. Các quốc gia như Hàn Quốc có lẽ nên được coi là một quốc gia phát triển hơn là thị trường mới nổi. Năm 1997, Việt Nam cũng không có vai trò đáng kể nhưng bây giờ đã trở thành một trong những con hổ ở châu Á.

Khủng hoảng tới khủng hoảng: Châu Á học được gì từ cơn sóng thần tài chính đúng 25 năm trước? - Ảnh 6.

Carmen Reinhart, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới: Đây sẽ không phải một cuộc khủng hoảng tài chính kiểu châu Á. Khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra sau một cú bùng nổ tài sản với tăng trưởng nhanh, dòng vốn mạnh và thâm hụt tài khoản vãng lai lớn. Chúng ta đang không có các điều kiện đó.

Những vấn đề chúng ta phải đối mặt hiện nay là lạm phát đình trệ và thiếu khả năng phục hồi. Hậu Covid-19, sự phục hồi diễn ra không đồng đều, rất khác với sự phục hồi của Khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hiện tại, các thị trường mới nổi phục hồi nhanh hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn nhờ động cơ tăng trưởng tới từ Trung Quốc.

Khủng hoảng tới khủng hoảng: Châu Á học được gì từ cơn sóng thần tài chính đúng 25 năm trước? - Ảnh 7.

Mobius: Khó có cách nào để một loạt các quốc gia thoát khỏi tác động từ việc tăng lãi suất ở Mỹ. Một số quốc gia châu Á vẫn còn neo tỷ giá đồng tiền của họ với USD. Vì vậy, Mỹ điều chỉnh lãi suất rõ ràng là thách thức. Tuy nhiên, tôi không nghĩ chúng ta sẽ lặp lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện như năm 1997.

Tarrin: Cuộc khủng hoảng tiếp theo có thể liên quan tới địa chính trị, năng lượng hoặc an ninh lương thực. Sự nổi lên của Trung Quốc, căng thẳng giữa quốc gia này với Mỹ và Nhật Bản là những điều cần theo dõi. Chúng ta không biết kết cuộc của xung đột Nga – Ukraine sẽ ra sao và cũng không biết tình trạng gián đoạn nguồn cung, thiếu lương thực và năng lượng trong bối cảnh giá phi mã như hiện nay sẽ kéo dài tới bao giờ.

Joseph Yam: Chúng ta đã học được những bài học của riêng mình và nhìn chung đang duy trì kỷ luật tài chính và tiền tệ khá thận trọng trong 25 năm qua. Tôi hy vọng điều này sẽ giúp chúng ta đối phó với cơn sóng thần tài chính tiếp theo.

Tham khảo: Bloomberg

https://cafef.vn/khung-hoang-toi-khung-hoang-chau-a-hoc-duoc-gi-tu-con-song-than-tai-chinh-dung-25-nam-truoc-20220703103549379.chn

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên