MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng tuổi 25, loay hoay không biết mình là ai, thạc sĩ 8X tìm tới các khóa thiền và cuộc đời bất ngờ rẽ lối: "Thiền không hề cao siêu và khó thực hành"

31-08-2020 - 23:51 PM | Sống

Trong thế giới hiện đại này, có quá nhiều người trầm cảm, stress và mệt mỏi vì công việc và cuộc sống. Cũng từng trải qua những cảm giác như vậy và như tìm thấy lối thoát sau khi biết đến thiền, 8X Nguyễn Thu Hương quyết tâm làm một điều gì đó để nhiều người biết tới thiền và cải thiện đời sống tinh thần.

Tốt nghiệp cử nhân ngành Tài chính Ngân hàng, sau đó học thạc sĩ Truyền thông, Nguyễn Thu Hương (Hương Ann) từng làm việc tại các tổ chức với mức lương tốt. Nhưng sự ổn định đó không giúp cô tránh khỏi cuộc khủng hoảng tuổi 25. 

Năm 2012, Thu Hương đến các lớp phát triển bản thân và tìm thấy thiền. 8X không bao giờ nghĩ rằng một người năng động, sôi nổi như mình lại thích hợp với thiền. Thế nhưng, từ một học viên kém và khó tập trung nhất lớp, cô dần cảm nhận rõ sự cân bằng. Từ một người nóng nảy, khó kiểm soát được cảm xúc, cô trở nên nền tính, biết lắng nghe và dễ đồng cảm. Những mối quan hệ xung quanh nhờ thế cũng trở nên hài hoà hơn. Những cảm xúc tiêu cực cũng dần dần biến mất, giúp tinh thần của cô trở nên thư thái hơn. 

Cũng là một người trẻ hiện đại và thường xuyên sử dụng công nghệ, Nguyễn Thu Hương quyết định xây dựng một ứng dụng hướng dẫn thiền trên mobile. Năm 2018, app Thiền Đương Đại được ra mắt trên cả hai nền tảng iOS và Android. Sau 2 năm hoạt động, ứng dụng đã có gần 50.000 người dùng đến từ 49 quốc gia. Còn bản thân cô trở thành người hướng dẫn thực hành thiền và chánh niệm, với mong muốn giúp mọi người cân bằng cảm xúc và vượt qua khủng hoảng tâm lý. 

Khủng hoảng tuổi 25, loay hoay không biết mình là ai, thạc sĩ 8X tìm tới các khóa thiền và cuộc đời bất ngờ rẽ lối: Thiền không hề cao siêu và khó thực hành - Ảnh 1.

- Cơ duyên nào đưa chị đến với thiền và chánh niệm? 

- Sau khi tốt nghiệp, tôi làm việc ở lĩnh vực truyền thông trong một vài tổ chức tài chính. Công việc và cuộc sống cũng như bao người, sẽ có những lúc căng thẳng, bất an, thậm chí nhiều giai đoạn cảm thấy trống rỗng và thiếu ý nghĩa. Tôi lại là người khá nhạy cảm, hay đặt câu hỏi về những gì diễn ra xung quanh mình nên tôi tìm hiểu và tham gia khá nhiều khoá học về phát triển bản thân.

Trong quá trình đó, tôi tình cờ biết đến thiền và chánh niệm. Tôi bắt đầu tiếp cận qua các sách báo nước ngoài, sau đó tham gia các khoá thiền ở thiền viện trong và ngoài nước. Hiện tại, tôi vẫn tiếp tục trau dồi kiến thức qua một số chương trình và khoá học, cụ thể là tập trung vào trị liệu cân bằng cảm xúc dựa trên chánh niệm.

Sau một quá trình học tập và rèn luyện, khi tôi nói về thiền và chánh niệm với bạn bè thì mọi người thường "ồ, à, hoá ra thiền không phải chỉ dành cho những người tu tập, cũng không cao siêu, không khó thực hành". Thực tế, ai cũng có thể thực hành thiền và chánh niệm để có cuộc sống cân bằng hơn. Tôi nghĩ một phần do bản thân có năng khiếu trong việc truyền đạt vấn đề một cách đơn giản và dễ hiểu, một phần là mọi người biết đến ứng dụng Thiền Đương Đại nên ngày càng có nhiều người tìm tôi đến để được hướng dẫn thực hành.

- Làm thế nào để có thể cân bằng cảm xúc bằng thực hành chánh niệm?

- Chánh niệm có thể hiểu giản lược là sự chú tâm. Bình thường tâm trí của chúng ta rất nhiễu động. Chúng ta không ngừng nghĩ từ chuyện này đến chuyện khác – có thể gọi là "tâm con khỉ". Chúng ta liên tục nghĩ về quá khứ, rồi lại nghĩ đến tương lai, nhưng rất hiếm khi sống trọn vẹn ở khoảnh khắc hiện tại. Đó là khởi nguồn của sự căng thẳng, bất an trong mỗi chúng ta.

Thực hành chánh niệm là thực hành sống trọn vẹn ở khoảnh khắc hiện tại. Không phải là chúng ta sẽ không quan tâm đến quá khứ nữa. Chúng ta vẫn có nhận thức và rút kinh nghiệm từ quá khứ, nhưng ngừng day dứt hay nuối tiếc vì quá khứ không thể thay đổi.

Cũng không phải chúng ta không còn quan tâm đến tương lai, chúng ta vẫn sẽ có những định hướng hay mục tiêu của bản thân, nhưng sẽ không để các kế hoạch tương lai phá vỡ sự bình an ở hiện tại.

Khủng hoảng tuổi 25, loay hoay không biết mình là ai, thạc sĩ 8X tìm tới các khóa thiền và cuộc đời bất ngờ rẽ lối: Thiền không hề cao siêu và khó thực hành - Ảnh 2.

Chánh niệm hiện được đưa vào các khoa tâm lý học của những trường đại học nổi tiếng trên thế giới – tiêu biểu có trường Oxford của Anh đã có chương trình thạc sỹ về Mindfulness-based Cognitive Therapy (MBCT), tạm dịch là Trị liệu nhận thức dựa trên chánh niệm và chương trình Mindful Mood Balance for Professionals (MMBP), tạm dịch là Cân bằng cảm xúc dựa trên chánh niệm.

Có thể nói một cách đơn giản là các chương trình xoay quanh việc rèn luyện sự chú tâm và nền tảng kiến thức của việc: Tại sao khi chúng ta chú tâm ở thời khắc hiện tại thì những bất an, lo lắng, sợ hãi sẽ được giải phóng, những sang chấn hay tổn thương trong quá khứ cũng dần được chuyển hoá và chữa lành.

Nhìn từ góc độ công việc của mình và những gì mình được học, điều tôi cung cấp cho những người tìm đến mình để cân bằng cảm xúc là phương pháp thực hành. Tôi chỉ gợi mở để họ nhận diện vấn đề của mình, cùng họ hiện diện để phản hồi và điều chỉnh.

Họ sẽ đóng vai trò chủ động trong việc xử lý những cảm xúc tiêu cực và các trạng thái mất cân bằng. Còn tôi chỉ đóng vai trò là một người hỗ trợ. Đây cũng là điều tôi thích ở phương pháp này, bởi thay vì chúng ta bị phụ thuộc mãi vào những liều thuốc hay nhà trị liệu, chúng ta làm chủ phương pháp và biến nó trở thành một lối sống lành mạnh và cân bằng.

Khủng hoảng tuổi 25, loay hoay không biết mình là ai, thạc sĩ 8X tìm tới các khóa thiền và cuộc đời bất ngờ rẽ lối: Thiền không hề cao siêu và khó thực hành - Ảnh 3.

- Theo chị, đâu là những vấn đề tâm lý mà mọi người thường gặp trong đời sống hiện đại và làm như thế nào để giúp mọi người thoát khỏi những khúc mắc về tâm lý như vậy?

- Chúng ta đang sống trong một thời kỳ bùng nổ thông tin. Dù nhiều phương tiện để kết nối nhưng chúng ta lại mất kết nối nghiêm trọng với nhau. Chúng ta bị căng thẳng và tự ti khi thường xuyên so sánh bản thân với một hình ảnh lung linh đã được chỉnh sửa của người khác trên mạng xã hội.

Chúng ta nêu quan điểm trên mạng thay vì trực tiếp đối thoại với nhau. Chúng ta tìm kiếm sự đồng tình từ đám đông không quen biết thay vì dành thời gian cho những người quan trọng trong cuộc đời.

Chúng ta quan tâm đến việc chứng minh cho người khác mình đang hạnh phúc thay vì thực sự sống hạnh phúc. Chúng ta không thực sự tận hưởng những gì diễn ra xung quanh mình mà coi trọng việc bao nhiêu người sẽ ấn nút likes và thả tim. Tất cả những điều đó tạo ra một sự bất an kéo dài.

Lạc lõng, không biết mình thuộc về đâu, không thấy mình thực sự kết nối với bản thân, với cuộc sống và những người xung quanh, theo tôi, đó là vấn đề nghiêm trọng nhất mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống hiện đại.

Thực hành chánh niệm là cách đưa bạn trở lại với những giá trị thật của cuộc sống, để bạn sống trọn vẹn hơn thay vì theo đuổi sự công nhận từ người khác.

Chánh niệm giúp bạn buông việc kiểm soát những điều không thể kiểm soát, đón nhận những thay đổi tất yếu bằng cách điều chỉnh thái độ và tư duy trong cuộc sống.

- Nhiều người cho rằng chỉ những người có vấn đề nghiêm trọng mới nên tìm đến các chuyên gia tâm lý, quan điểm này có đúng không?

- Đúng là người Việt đang không có thói quen tìm đến các chuyên gia tâm lý khi có các vấn đề về sức khoẻ tinh thần. Nhưng tôi cũng nhận thấy ngày càng có nhiều điểm sáng. Mọi người bắt đầu đến các phòng tập gym, yoga nhiều hơn. Thiền và chánh niệm cũng đã đến gần hơn với cả những người trẻ tuổi.

Ngay cả những hoạt động như tham vấn, khai vấn, các lớp học phát triển và nhận thức bản thân đang được tổ chức rất nhiều. Dù có những ý kiến là những hoạt động này đang bùng nổ về số lượng nhiều hơn là chất lượng, tuy nhiên tôi nghĩ phải trải qua một giai đoạn như vậy là bình thường trước khi mọi thứ đi vào quỹ đạo.

Nếu phải có vấn đề nghiêm trọng lắm mới đến trị liệu tâm lý thì những "dịch vụ" như tham vấn, khai vấn, lắng nghe… vừa giúp đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng, vừa là cầu nối đề mọi người quan tâm hơn đến sức khoẻ tinh thần.

Khủng hoảng tuổi 25, loay hoay không biết mình là ai, thạc sĩ 8X tìm tới các khóa thiền và cuộc đời bất ngờ rẽ lối: Thiền không hề cao siêu và khó thực hành - Ảnh 4.

- Chị thấy thay đổi lớn nhất sau khi tới với thiền và chánh niệm là gì? 

- Tôi bắt đầu làm công việc này từ 2015, đến nay số lượng người được tôi hướng dẫn thực hành thiền và chánh niệm cũng khoảng 3-4 nghìn. Tôi ít khi tham vấn cá nhân, mà chủ yếu tạo ra một môi trường để mọi người tự thực hành và làm chủ phương pháp. Phản hồi tốt thì có rất nhiều, mọi người ngủ ngon hơn, cân bằng cảm xúc tốt hơn, làm việc tập trung và hiệu quả hơn, yêu thương và dễ dàng bảy tỏ tình cảm nhiều hơn với những người trong gia đình…

Chúng tôi vẫn thường xuyên tương tác với nhau qua mạng xã hội sau nhiều năm. Mọi người vẫn cập nhận với tôi về cuộc sống ổn hơn, tiến bộ hơn và vui vẻ ra sao. Tôi thấy đó mới là những phản hồi thực tế nhất, khách quan nhất. 

Cảm ơn những chia sẻ của chị. 

Ngọc Thu/ Thiết kế: Ngọc Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên