MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khuyến cáo không ồ ạt trồng cây sầu riêng

26-02-2023 - 14:01 PM | Thị trường

Hiện tại, nhiều địa phương đang có tình trạng nông dân ồ ạt trồng cây sầu riêng sau khi có thông tin sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, cộng với giá bán cao ngất ngưởng trong thời gian gần đây.

Theo cơ quan quản lý, việc tăng diện tích ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, khiến cung vượt cầu. Hơn nữa, theo kinh nghiệm từ các nhà vườn lớn, sầu riêng là loại cây trồng có yêu cầu kỹ thuật cao, vốn đầu tư lớn.

Từng thất bại do không nắm vững quy trình đã chuyển đổi 1 ha diện tích của gia đình sang trồng cây sầu riêng, anh Phạm Như Anh, nông dân xã Ia Blang, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai chia sẻ, thời gian đầu mới trồng thấy cây sầu riêng tươi tốt nhưng sau đó héo dần không hiểu vì lý do gì.

Theo anh Phạm Như Anh, không biết về kỹ thuật nhưng thấy loại cây này đang thịnh và bán được giá cao nên trồng theo sẽ khiến bà con rất dễ thất bại: “Trồng sầu riêng phải có quy trình chứ không phải giỡn đâu. Người trồng còn phải nhìn cây để chăm sóc nữa, nếu áp quy trình không cũng sẽ thất bại như thường”.

Khuyến cáo không ồ ạt trồng cây sầu riêng - Ảnh 1.

Nếu quả sầu riêng rơi vào vòng "được mùa mất giá", khi đó, chính bà con nông dân vẫn là người chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Là một nhà vườn có kinh nghiệm trồng sầu riêng lâu năm, ông Nguyễn Duy Khánh, ở thôn Hoàng Tiên, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết: “Cây sầu riêng yêu cầu khoa học kỹ thuật chứ không thuần tuý như các loại cây trồng khác. Thứ 2 nữa là có sản lượng mà không tiêu thụ được thì lại dồn vào bà con phải hứng chịu”.

Ông Đặng Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blang, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cho biết địa phương đang khuyến cáo bà con chậm lại, cải tạo từng bước có lộ trình chứ không chặt phá cây khác mà chuyển sang cây sầu riêng.

“Cây trồng chủ lực là cà phê, diện tích còn lại là sầu riêng. Cây sầu riêng trồng xen canh trong vườn cà phê, định mức là 69 - 70 cây trên một ha” - ông Đặng Ngọc Nam nói.

Hiện nay, diện tích sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên tăng khá nhanh, lên đến hơn 40.000 ha. Với diện tích này, sản lượng và số lượng sầu riêng vùng Tây Nguyên đều đã vượt quy hoạch đề ra. Nguy cơ cung vượt cầu rất dễ xảy ra trong thời gian tới.

Theo ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai, thay vì tăng diện tích, sản lượng cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối.

“Tư duy từ sản xuất nông nghiệp. Trong trồng nếu không đồng bộ, tạo lượng hàng hoá lớn không có người thu mua rất tội cho người dân. Tôi đã chứng kiến nhiều chuyện trồng, chặt. Tổ chức lại, định hướng lại làm sao để doanh nghiệp với người nông dân, thông qua hợp tác xã thì mới giải quyết được, hình thành các chuỗi liên kết” - ông Lưu Trung Nghĩa cho biết.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay nhiều nơi mở rộng diện tích trồng sầu riêng ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp; có trường hợp phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; chuyển đổi đất lúa để trồng sầu riêng...

Việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, khiến cung vượt quá cầu. Đặc biệt, tại các vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng Việt Nam.

Mới đây, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố phía Nam về việc phát triển bền vững cây sầu riêng. Công văn được ban hành trong bối cảnh tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, cây sầu riêng đang có hiện tượng phát triển "nóng". Nếu quả sầu riêng rơi vào vòng "được mùa mất giá", khi đó, chính bà con nông dân vẫn là người chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Theo Phương Chi

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên