Khuyến mại khủng lên tới 70%, người dùng "ôm hận" mua phải hàng đắt đỏ, chất lượng thấp
Khuyến mại lên tới 70% giá trị sản phẩm nhưng ít ai biết đây thực chất chỉ là một chiêu trò đươc nhiều chủ cửa hàng quần áo sử dụng để câu khách.
- 14-07-2018Phát hiện cơ sở làm giả thuốc thú y ngay trong trường học
- 14-07-2018Sim 11 số tăng giá đột biến, nhà đầu tư gom sim số đẹp, sim phong thủy trước giờ G
- 13-07-2018Nhiều doanh nghiệp ngành điều đóng cửa do giá nguyên liệu tăng cao
Với sự cạnh tranh ngày càng tăng cao, để có thêm được nhiều khách hàng, nhiều shop quần áo đã mở chương trình khuyến mại với mức giảm giá sâu lên tới 70%. Nhưng thực tế giá bán này vẫn ngang bằng với quần áo cùng loại trên thị trường, chỉ đơn giản là giá áo giá quần đã được các chủ cửa hàng nâng lên rồi hạ xuống.
Dọc các tuyến phố Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Cầu Giấy... tràn lan những tấm biển với dòng quảng cáo giảm giá sock của các cửa hàng quần áo thời trang. Mỗi shop lại được chủ cửa hàng áp dụng mức giảm giá khác nhau để câu kéo khách hàng.
Chị Yến (Thái Hà, Hà Nội) chia sẻ, các cửa hàng thời trang thường xuyên giảm giá nhưng những mặt hàng giảm giá sâu phần lớn là hàng lỗi mốt, kiểu dáng cũ hoặc thiếu size, chưa bao giờ chị chọn được món đồ ưng ý trong đợt giảm giá.
"Đợt trước, tôi nhận được thông tin một cửa hàng bán quần áo khuyến mại lớn từ 30-50% cho tất cả mặt hàng song thực tế khi đến nơi phần lớn quần áo đều chỉ giảm 30%. Chỉ có 2-3 dòng sản phẩm là giảm giá 50% nhưng đều là mẫu mã cũ. Không thể chọn nổi 1 món đồ ưng ý tôi đành ra về tay không".
Cùng nằm trong trường hợp giống chị Yến, anh Phong (Kim Mã, Hà Nội) cho biết, anh từng gặp một cửa hàng "treo đầu dê bán thịt chó" khi mà biển giảm giá ghi khuyến mại đến 50% nhưng thực chất chỉ giảm tối đa 40% còn những mẫu khuyến mại 50% nhân viên cho biết đều bán hết.
Liên hệ với anh Hưng, chủ một shop quần áo trên đường Chùa Bộc được biết, trung bình mỗi năm nhà anh có khoảng 3-5 đợt khuyến mại, mỗi lần giảm khoảng từ 20% - 50%, đợt nào cần thanh lý hết mốt thì lên tới 70%. Khuyến mãi dù có mức giảm cao nhất là 70% thì cửa hàng anh vẫn có lãi.
"Giá quần áo nhập về với số lượng lớn thì khá rẻ. Ví dụ, một chiếc áo phông nữ trung bình giá gốc tại mối bán buôn dao động từ 50.000 - 70.000 đồng thì treo ở cửa hàng nó có thể lên tới 200.000 - 400.000 nghìn đồng, do đó nếu có giảm giá cao nhất lên tới 70% thì cửa hàng tôi vẫn có lãi".
Bên cạnh đó, chị Hương, chủ một shop quần áo ở Đội Cấn cho hay, thực chất giá bán các mặt hàng trong đợt khuyến mại vẫn cao hơn so với giá cao khá nhiều, chỉ những mẫu nào quá lỗi mốt hoặc đổi màu thì cửa hàng giảm giá ngang về với giá gốc.
Cẩn thận khi mua hàng khuyến mại
Đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng là ham đồ rẻ nên nhiều cửa hàng đã lợi dụng sơ hở này thu về khá nhiều lợi nhuận. Nhìn bên ngoài, khách hàng cứ ngỡ là mình mua được đồ rẻ nhưng nếu xét về giá trị thực của sản phẩm thì khách hàng bị hớ rất nhiều, đặc biệt là những món đồ hàng hiệu.
Theo chị Giang, một người chuyên săn hàng giảm giá cho biết, biển giảm giá 50% chỉ giảm giá mốt số đồ cũ hoặc chủ cửa hàng nâng giá gốc cao hơn giá ngày thường.
Chị kể có lần đi mua chiếc váy tại cửa hàng trên đường Cầu Giấy, hôm trước chị xem giá trên trang web bán hàng chiếc váy được niêm yết là 300.000 đồng nhưng hôm sau đến cửa hàng thấy nhân viên báo giảm giá 20% nhưng giá trên mác chưa giảm giá đã lên tới 450.000 đồng.
Không chỉ có giá cả, chất lượng của những mặt hàng giảm giá này cũng là điều đáng lo ngại. Bởi có nhiều sản phẩm quần áo đã ố màu, đường may lỗi cũng được bày bán trong đống đồ giảm giá.
Chị Thuý (Hà Đông) bức xúc, "thấy cửa hàng bán đồ đổ đống, giảm 50% nên tôi hào hứng vào xem, mua được cái quần sooc gập gấu 100.000 đồng. Cứ nghĩ là rẻ, ai ngờ về nhà xem kĩ, mới tá hoả khi thấy cái gấu quần gập lên là được dùng băng keo dính vào, chứ không phải là may".
Một khách hàng sau khi mua được cái áo sơ mi giảm giá cũng phàn nàn, "mới đầu nhìn áo khá đẹp, màu sắc bắt mặt với được giảm giá lên tới 40% nên tôi quyết định mua về dùng nhưng khi mang về giặt thì phai màu kinh khủng mà chất vải thì nhăn, đường may lại ẩu".
Để bảo vệ quyền lợi của mình, khi mua hàng giảm giá, khuyến mãi người tiêu dùng nên lựa chọn kỹ và mua đúng chỗ không nên chủ quan, nếu không kiểm tra kỹ sẽ dễ mua phải hàng kém chất lượng mà giá thành thì đắt.