Kịch bản nào cho kinh tế năm 2017?
“Mặc dù vốn FDI đăng ký giảm nhưng vốn FDI thực hiện có xu hướng tăng lên, tiến sát vốn FDI đăng ký, đây là xu hướng tiếp nối của năm 2016”, dự báo của các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết.
Đánh giá về những nét nổi bật kinh tế Việt Nam năm 2016, nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, năm 2016 kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến lớn về thể chế kinh tế thị trường tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng duy trì. Cụ thể, mức tăng trưởng đạt 6,3%; lạm phát 4,75%-4,9%, lạm phát cơ bản 2% không đạt mức kỳ vọng nhưng đáp ứng được mong muốn ổn định trong bối cảnh nhiều biến động về kinh tế thế giới và thiên tai trong nước. Cân đối ngân sách năm 2016 dự kiến đạt mục tiêu về số tuyệt đối. Thị trường tài chính diễn biến không rõ rệt…
Theo đó, nhóm chuyên gia đưa ra dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2017 và các năm tiếp theo tiếp tục là giai đoạn điều chỉnh đổi mới nền kinh tế thông qua quá trình thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về cải cách thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Nhóm chuyên gia CIEM cho rằng, môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế trong khoảng 6-7%/năm, lạm phát dưới 5%, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu duy trì dưới 10%. Không có đột biến về tăng trưởng tín dụng hàng năm, dự báo khoảng 16-18%/năm.
Bội chi ngân sách và nợ công tiếp tục là rào cản cho tăng trưởng, các hạn mức đều đã chạm trần, rất khó cho điều hành. Tiếp tục thực hiện các mục tiêu kiềm chế bội chi ngân sách nhà nước dưới 3,5% và kiềm chế nợ công dưới 65% GDP trong bối cảnh nguồn thu gặp khó khăn.
Thứ hai, thu hút FDI đi vào thực chất hơn. Mặc dù FDI đăng ký giảm nhưng vốn FDI thực hiện có xu hướng tăng lên, tiến sát vốn FDI đăng ký. Đây là xu hướng tiếp nối của năm 2016. Vốn đầu tư nước ngoài năm 2017 sẽ không tăng trưởng mạnh như năm 2015-2016 nhưng sẽ trọng tâm hơn, đi vào chiều sâu hơn.
Ba là, hoạt động mua bán sáp nhập phát triển mạnh mẽ. Các nhà đầu tư, các tập đoàn bán lẻ từ Thái Lan, Singapore đang có xu hướng tăng mạnh hoạt động ở Việt Nam. Dự báo giai đoạn 2016-2017, giá trị này đạt khoảng 6 tỷ USD. Cùng với tiến trình AEC cùng với quá trình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, cùng với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, quá trình M&A sẽ được đẩy mạnh.
Bốn là, doanh nghiệp được tạo thuận lợi tối đa phát triển, hoạt động start-up phát triển mạnh. Rào cản về điều kiện kinh doanh, điều kiện thành lập doanh nghiệp, các thủ tục, chi phí đặc biệt là chi phí vận tải qua các tuyến BOT trong hoạt động của doanh nghiệp được rà soát, từng bước tháo gỡ.
Xu hướng start-up bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2016 và sẽ tiếp nối sang năm 2017 cũng như các năm tiếp theo với việc hình thành các trung tâm khởi nghiệp ở Hà Nội và TP.HCM.
Năm là, các hoạt động kinh tế nội địa sẽ tiếp tục được thúc đẩy. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư nội địa, tiêu dùng nội địa có thể sẽ tăng mạnh cùng các chuyển đổi về trọng tâm sang kích cầu nội địa.
Cùng với việc các nước xuất khẩu vốn hướng về thị trường nội địa, cùng với việc đồng USD tăng giá, Trung Quốc và Mỹ sẽ có những điều chỉnh trong quan hệ kinh tế, Việt Nam cần chuyển đổi trọng tâm từ mở rộng hướng ngoại sang mở rộng cầu nội địa, hạ tầng cơ sở sẽ được tăng cường đầu tư, cầu nội địa tăng cường được chú trọng.
BizLIVE