MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kịch bản nước Mỹ vỡ nợ, Fed cũng không thể cứu

05-05-2023 - 15:33 PM | Tài chính quốc tế

Nếu Mỹ phá sản, thị trường chứng khoán sẽ sụt giảm đáng kể, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng mạnh và GDP sẽ giảm khoảng 6%.

Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Joe Biden (CEA) hôm 3/5 phát đi thông điệp đáng sợ một khi nước Mỹ không tăng trần nợ công dẫn tới kịch bản vỡ nợ có thể xảy ra vào tháng 6 tới, theo CNBC.

Theo đó, Nhà Trắng đã liệt kê 3 kịch bản cho nền kinh tế Mỹ, bao gồm kịch bản tránh được vỡ nợ, vỡ nợ ngắn hạn và vỡ nợ kéo dài. Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ không phải đối mặt với tình huống vỡ nợ, khoảng 200.000 người vẫn có nguy cơ mất việc làm, và GDP của năm vẫn giảm 0,3%.

Trong trường hợp vỡ nợ ngắn hạn, nền kinh tế sẽ mất khoảng nửa triệu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,3%.

Nếu tình huống tồi tệ nhất xảy ra và nợ kéo dài, các chuyên gia kinh tế tại Nhà Trắng cho rằng sẽ có tới 8,3 triệu người mất việc làm, GDP giảm 6,1% và thị trường chứng khoán sẽ giảm gần một nửa giá trị ban đầu. Tỷ lệ thất nghiệp trong trường hợp này cũng sẽ tăng lên đến 5%.

Báo cáo còn nhấn mạnh rằng, với kịch bản vỡ nợ kéo dài, Mỹ sẽ rơi vào tình trạng bế tắc trong ít nhất 3 tháng.

CEA lưu ý rằng "nếu không có khả năng chi tiêu cho các biện pháp ngược chu kỳ như bảo hiểm thất nghiệp mở rộng, chính phủ liên bang và tiểu bang sẽ gặp khó khăn trong việc đối phó với tình trạng hỗn loạn này và không thể hỗ trợ các hộ gia đình khỏi các tác động."

Trong kịch bản này, "các hộ gia đình sẽ không thể vay thông qua khu vực tư nhân vì lãi suất trên các công cụ tài chính mà các hộ gia đình và doanh nghiệp sử dụng - trái phiếu kho bạc, thế chấp và lãi suất thẻ tín dụng - sẽ tăng vọt do rủi ro của một tương lai không chắc chắn ."

Chính quyền Biden muốn Quốc hội nâng trần nợ mà không kèm theo các đề xuất chính sách kinh tế khác.

Vài ngày trước đây, bà Janet Yellen, người đang giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chính, đã cảnh báo rằng nếu Quốc hội không thực hiện các biện pháp kịp thời, Mỹ có thể đối mặt với nguy cơ vỡ nợ ngay sau ngày 1/6.

Theo lời ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Fed không thể bảo vệ nền kinh tế Mỹ trước những rủi ro do việc không nâng trần nợ công.

"Đừng tin rằng Fed có thể cứu vớt nền kinh tế, hệ thống tài chính, và danh tiếng của Mỹ trên toàn cầu khỏi những thiệt hại do sự kiện này gây ra", tuyên bố ông Powell nhấn mạnh.

Theo ông, chính phủ Mỹ không nên tự đẩy mình vào thế khó. Việc giải quyết mâu thuẫn về trần nợ công giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ là vấn đề thuộc trách nhiệm của Quốc hội và chính quyền Tổng thống Biden.

Tháng trước, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarth đề xuất một kế hoạch giảm chi tiêu 4.500 tỷ USD và chỉ tăng trần nợ thêm 1.500 tỷ USD. Tuy nhiên, đề xuất này bị phản đối bởi Thượng viện Mỹ, đang được kiểm soát bởi đảng Dân chủ.

Trong khi đó, Tổng thống Biden cho biết ông sẵn sàng bàn bạc về các biện pháp giảm thiểu thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng những biện pháp này phải được xem xét một cách độc lập với vấn đề trần nợ.

Theo Đông Phong

Giáo dục & thời đại

Trở lên trên