Kỳ lạ nhà băng nhỏ nhất nước Mỹ: Không ATM, không thu phí vẫn vượt qua khủng hoảng lịch sử và tồn tại hơn 100 năm
Ngân hàng này thường xuyên phải đối mặt với nỗi lo “quá nhỏ để có thể tồn tại”.
- 21-04-2023Nhà môi giới 23 năm kinh nghiệm kể chuyện trả giá khi mua nhà: Giảm được 3 tỷ đồng cho khách nhờ biết ‘bắt thóp’
- 21-04-2023"Ông Kẹ" lãi suất 5% có thực sự đáng sợ?
- 20-04-2023Nếu khổ sở vì lạm phát và bất động sản giá ‘trên trời’, các nhà đầu tư trẻ không thể bỏ qua lời khuyên từ ‘cánh tay phải’ của Warren Buffett
Ông James A. Sammons có thể là giám đốc của ngân hàng nhỏ nhất nước Mỹ. Với tài sản trị giá 3 triệu USD, ngân hàng Kentland Federal Savings and Loan là thành viên nhỏ nhất của tổ chức Independent Community Bankers of America (ICBA) dành cho các ngân hàng nhỏ. Điều này cũng đã được Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) xác nhận.
Ngoài quy mô nhỏ, Kentland Federal Savings and Loan còn có nhiều khía cạnh “độc lạ” khác. Văn phòng của ngân hàng đặt ở Kentland, Indiana, nơi có 1,641 cư dân. Nó không có cây ATM, không có trang web.
Về cơ bản, khách hàng chỉ có thể thực hiện thế chấp nhà, mở tài khoản tiết kiệm hoặc nhận chứng chỉ tiền gửi (CD). Và tất cả sẽ được thực hiện trên giấy, theo đúng nghĩa đen.
Ông Sammons, 55 tuổi, là thế hệ thứ tư của gia đình điều hành ngân hàng đã hơn 100 năm tuổi này. Ông cũng là nhân viên chính thức duy nhất của công ty. Sammons tâm sự rằng ông không thích công nghệ, mặc dù máy tính rất hữu dụng.
Ông cố của Sammons đã thành lập ngân hàng vào năm 1920 và địa chỉ của nó vẫn giữ nguyên từ đó đến nay. Ông Sammons cũng giống như các thế hệ trước, đều phục vụ trong chính quyền thành phố. Chính mối quan hệ và niềm tin lâu năm là chìa khóa giúp ngân hàng tồn tại lâu dài.
“Chúng tôi là tổ chức duy nhất không đóng cửa trong cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán vào cuối thập niên 1920. Mọi người cảm thấy an tâm rằng tiền của họ không bị mất đi đâu cả”, ông Sammons chia sẻ.
Các ngân hàng như Kentland đã cố gắng duy trì sự độc lập sau nhiều thập kỷ hợp nhất trong ngành. Theo nhà báo tài chính Roger Lowenstein, các quy định được đặt ra để bảo vệ các ngân hàng nhỏ. Vào những năm 1930, các ngân hàng không thể mở nhiều chi nhánh hoặc hoạt động xuyên bang.
Trong những năm sau khi Đạo luật Dodd-Frank năm 2010 được thông qua, nhiều cuộc tranh luận nổ ra. Mọi người đặt vấn đề rằng liệu các gánh nặng pháp lý có đang đè lên các ngân hàng nhỏ, khiến họ muốn sáp nhập hoặc bán đi hay không.
Ông Sammons dường như đang chấp nhận thực tế rằng ngân hàng lâu năm sẽ phải đóng cửa sau khi ông nghỉ hưu. Lý do là vì ông có 4 người con, nhưng không ai hứng thú với công việc kinh doanh của gia đình. Vì thế cho dù là cơ quan quản lý gây áp lực hoặc Sammons tự rời đi, thì ngân hàng này vẫn cần phải được mua lại.
Một phần lý do là ngân hàng của ông Sammons hoạt động dựa trên biên lợi nhuận mỏng như từ giấy. Mặc dù ngân hàng của ông có thể thu hút khách hàng địa phương nhờ lãi suất hấp dẫn hơn một chút so với hai ngân hàng khác trong khu vực, nhưng Kentland Savings không có nguồn thu nhập nào khác.
Đúng vậy, ngân hàng tí hon này không thu phí giao dịch dưới mọi hình thức. Ông Sammons cho biết đó không phải là mục đích của ông. Việc thu phí sẽ phá hủy những gì mà mọi người tin tưởng.
Vậy nước Mỹ sẽ mất gì khi các ngân hàng siêu nhỏ phải vật lộn để tồn tại?
Nhà báo Lowenstein cho rằng nhận thức “ngân hàng nhỏ thì kém an toàn” chính là hệ quả không mong muốn từ Đạo luật Dodd-Frank. Chắc hẳn các ngân hàng nhỏ đã chứng kiến tiền gửi ồ ạt chảy ra khi Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) sụp đổ. Nhưng Lowenstein không nghĩ rằng các ngân hàng nước Mỹ có nguy cơ trở nên độc quyền hơn, vì quốc gia này có cả một “di sản” về ngân hàng địa phương.
Theo Lowenstein, câu hỏi ở đây không nói về lớn nhỏ, mà là về vị trí trên thang đo rủi ro và an toàn. Nhiều người tranh luận rằng sẽ tốt hơn nếu thỉnh thoảng để các ngân hàng phá sản. Nhưng cuộc tranh luận đó có thể trừ ngân hàng Kentland ra.
Tiền gửi tại ngân hàng nhỏ nhất nước Mỹ này được bảo hiểm đầy đủ. Vì vậy, khách hàng không có lý do gì để lo lắng về tài khoản tiết kiệm của họ. Theo cách kể của Sammons, lợi thế cạnh tranh nơi ngân hàng của ông nằm ở lĩnh vực xã hội.
Ông Sammons cho biết một nửa khách hàng của ông trực tiếp đến văn phòng để gửi séc thế chấp. Đó là cách một tổ chức tài chính hình thành mối quan hệ giữa người với người.
Kỳ lạ thay, trong tư cách là một nhân viên ngân hàng, ông Sammons dường như không quá quan tâm đến tiền bạc. Thu nhập của ông phụ thuộc vào lượng nhỏ khách hàng và con số này đang giảm dần. Ông sẽ không đủ khả năng tiếp tục vận hành ngân hàng nếu không phát triển, nhưng đó là cái giá mà ông chấp nhận đánh đổi.
Tham khảo Bloomberg
Nhịp Sống Thị Trường