MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kịch bản tích cực VN-Index có thể lên trên 1.500 điểm nhưng nguy cơ đảo chiều tiềm ẩn

Nguồn: VDSC.

Nguồn: VDSC.

Đến cuối tháng 6, theo thống kê, tỷ lệ dân số Việt Nam có tài khoản chứng khoán đã tiệm cận mức 3%. Định hướng phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn, tỷ lệ này kỳ vọng sẽ đạt mức 5,5% vào cuối năm 2025, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục có những sự bùng nổ mới với đóng góp từ nhà đầu tư F0.

Trao đổi với BizLIVE, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích, CTCK Rồng Việt (VDSC) đưa ra nhiều nhận định tích cực xoay quanh diễn biến trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt.

Nửa đầu 2021 chúng ta chứng kiến những kỷ lục chưa từng có về điểm số và dòng tiền trên TTCK Việt Nam. Đã có những cảnh báo về tăng trưởng nóng ở thị trường này, thậm chí đại diện cơ quan quản lý cũng từng khuyến cáo. Còn bà nhìn nhận về những kỷ lục đó như thế nào?

Sau 21 năm hoạt động, TTCK Việt Nam chứng kiến khá nhiều kỷ lục mới cả về điểm số, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên cũng như mức độ quan tâm thị trường của nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Đặt trong bối cảnh rủi ro dịch bệnh vẫn còn hiện hữu, hoạt động của nhiều thành phần kinh tế gặp khó khăn, mức tăng điểm mạnh mẽ của VN-Index được xem là khá nóng. Tuy nhiên, sự “nóng” này chỉ diễn ra ở một số ngành/cổ phiếu, hơn là phản ánh bức tranh chung của toàn thị trường. Chúng tôi cho rằng, khi nhà đầu tư còn thiếu vắng kênh đầu tư thì yếu tố lãi suất thấp hay còn gọi là "tiền rẻ" đã trở thành động lực chính đưa dòng tiền chảy vào chứng khoán. Bởi lẽ, trong điều kiện lãi suất thấp hiện tại trong khi tình hình vĩ mô khác hẳn so với giai đoạn bình thường lúc trước: nguồn thu nhập chính bị ảnh hưởng, người lao động bị giảm giờ làm đã kích thích dòng tiền nhàn rỗi tìm nơi sinh lãi cao hơn. Chứng khoán là lựa chọn khả dĩ lúc này.

Nhìn ở một khía cạnh khác, diễn biến trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua cũng cho tôi thấy một điều rằng, tiềm năng tăng trưởng của TTCK Việt Nam vẫn còn rất lớn. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, số lượng tài khoản mở mới đã cao hơn xấp xỉ 60% tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020, thị trường xuất hiện ngày càng nhiều những phiện giao dịch tỷ đô và gần như cân hết áp lực rút ròng từ NĐTNN. Đến thời điểm cuối quý 2/2021, tổng tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán khoảng 86.000 tỷ đồng, mức cao kỷ lục của thị trường cổ phiếu, song chỉ mới bằng khoảng 0,8% tổng lượng tiền gửi dân cư và các tổ chức kinh tế, hay bằng 1,7% tiền gửi từ dân cư vào cuối tháng 5/2021. Điều này cho thấy sự phát triển dài hạn của TTCK Việt Nam, vốn được đặt mục tiêu sẽ trở thành kênh dẫn vốn trung – dài hạn của nền kinh tế, sẽ phụ thuộc chủ yếu vào nội lực, tức lực lượng nhà đầu tư trong nước nhiều hơn.

Kịch bản tích cực VN-Index có thể lên trên 1.500 điểm nhưng nguy cơ đảo chiều tiềm ẩn  - Ảnh 1.

Nguồn: VDSC.

Bà có đánh giá gì về dòng tiền F0 trong thời gian tới? Bà có lưu ý gì với các nhà đầu tư F0?

Đến cuối tháng 6, theo thống kê, tỷ lệ dân số Việt Nam có tài khoản chứng khoán đã tiệm cận mức 3%. Định hướng phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn, tỷ lệ này kỳ vọng sẽ đạt mức 5,5% vào cuối năm 2025, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục có những sự bùng nổ mới với đóng góp từ nhà đầu tư F0.

Còn trong ngắn hạn, với sự giới hạn về các kênh đầu tư, trong môi trường lãi suất thấp như hiện tại, chúng tôi cho rằng dòng tiền F0 trong thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán tuy nhiên sẽ thận trọng hơn so với thời gian bùng nổ của giai đoạn nửa đầu năm 2021, do khi diễn biến dịch bệnh hiện tại đang khá phức tạp và đang ảnh hưởng đến tâm lý chung của thị trường. Dòng tiền này có thể được kích hoạt khi tiến độ tiêm vắc xin tích cực hơn trong thời gian tới và số ca nhiễm mỗi ngày bắt đầu có xu hướng giảm tại TP.HCM.

Đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư F0, thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Trong bối cảnh thị trường đã tăng rất mạnh trong 16 – 17 tháng vừa qua, nếu đầu tư với tâm lý đánh nhanh thắng nhanh thì sẽ rất khó gặt hái được thành quả trong ngắn hạn. Thay vào đó, nhà đầu tư nên xem chứng khoán như một kênh để phân bổ tài sản đầu tư dài hạn.

Ngoài ra, nếu không có đủ thời gian để tìm hiểu về doanh nghiệp và cổ phiếu mình muốn đầu tư, nhà đầu tư có thể tham khảo các báo cáo phân tích của các tổ chức tư vấn nếu muốn tự đầu tư, hoặc lựa chọn mua chứng chỉ quỹ để các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, vốn có nhiều tài nguyên để thực hiện phân tích chuyên sâu, thực hiện việc đầu tư.

Ở một khía cạnh tích cực, sự bùng nổ của dòng tiền và sự tham gia của lực lượng nhà đầu tư mới tạo hướng mở rộng và phát triển hơn TTCK, phát triển một kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp. Liệu khía cạnh tích cực này có là ngắn hạn và chỉ mang tính thời điểm?

Để đảm bảo thị trường vốn phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả, góp phần cung ứng nguồn vốn nhàn rỗi với chi phí hợp lý cho các doanh nghiệp, thị trường chứng khoán sôi nổi hơn và có nhiều nhà đầu tư tham gia hơn là mục tiêu mà Việt Nam đã và đang hướng đến.

Hiện nay, cơ quan quản lý đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán, bao gồm cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu, để có thể hấp dẫn cả NĐTNN (các yếu tố liên quan đến thăng hạng thị trường) và cả nhà đầu tư trong nước (thông suốt hạ tầng kỹ thuật, tăng danh mục sản phẩm đầu tư).

Theo đó chúng tôi đánh giá xu hướng tham gia thị trường chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân như hiện nay là tất yếu. Các yếu tố dịch bệnh và lãi suất thấp chỉ thúc đẩy xu hướng này. Do vậy, trong tương lai khi tình hình bình thường trở lại, chúng tôi vẫn kì vọng động lực từ nhà đầu tư cá nhân và sự trở lại của nhà đầu tư ngoại. Sự kiện này theo chúng tôi không phải là tạm thời.

Bà dự báo thế nào về điểm đến của TTCK Việt Nam cuối năm 2021 và đâu là những hướng chuyển động, những yếu tố tác động nhà đầu tư cần chú ý?

Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ sôi động dần trở lại theo tiến độ tiêm ngừa vắc xin cũng như là việc TP. HCM mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế. Do vậy, mức độ kiểm soát thành công dịch bệnh cũng như tốc độ tiêm ngừa vắc xin có đạt kết quả như kế hoạch hay không sẽ có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường. Ở chiều ngược, và chúng tôi hy vọng sẽ là xác suất rất thấp, dịch bệnh có thể bùng phát trở lại với biến chủng mới phức tạp hơn, sẽ khiến sự ổn định của VN-Index đảo chiều.

Ngoài ra, động thái bán ròng mạnh của NĐTNN cũng là yếu tố được theo dõi. Mặc dù lực lượng F0 đã cân bằng rất tốt lượng bán ra của khối ngoại từ năm 2020 đến nay, khả năng này sẽ khó hơn trong giai đoạn sắp tới khi mà bối cảnh vĩ mô không còn quá thuận lợi.

Yếu tố tích cực là hệ thống giao dịch mới của HSX vận hành thông suốt, giải quyết được vấn đề nghẽn lệnh vốn từng gây bức bối cho nhà đầu tư, đặc biệt trong những phiên thị trường sôi động. Ngoài ra, chúng tôi đánh giá môi trường lãi suất thấp vẫn sẽ tiếp tục duy trì, và trong bối cảnh không có nhiều kênh đầu tư vừa đáp ứng tiêu chí thanh khoản vừa có khả năng mang lại lợi suất đầu tư cao thì dòng tiền F0 vẫn sẽ tìm đến TTCK.

Với đánh giá tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường trong khoảng 15-20% trong năm 2021, chúng tôi cho rằng VN-Index có thể hướng đến mức 1.498 – 1.552 điểm.

Cảm ơn bà!


Theo Huyền Trâm

Nhịp sống doanh nghiệp

Trở lên trên