“Kiếm củi” 70 năm nhưng đốt sạch chỉ với vài sai lầm: Điều gì đã đẩy Toshiba xuống vực sâu, đối diện kết cục bán mình?
Những ngày gần đây, câu chuyện của Toshiba lại một lần nữa thu hút sự quan tâm khi kế hoạch bán mình trị giá 14 tỷ USD được công bố. Từng là biểu tượng lớn của nền kinh tế Nhật Bản, Toshiba bây giờ thậm chí còn không nắm trong tay quyền tự quyết số phận của chính mình.
- 10-08-2023Toshiba: Hãng điện tử 148 năm tuổi của Nhật Bản chính thức ‘bán mình’
- 20-05-2023Toshiba và cơn bĩ cực phải bắt tay với đối thủ để tồn tại, tất cả chỉ vì người dân lười đi làm
- 24-03-2023Từ quyết định bán mình của Toshiba, nhìn lại những cú sập đầy tiếc nuối của các "siêu tượng đài" Nhật Bản
- 24-03-2023Toshiba - Hãng điện tử 148 năm của Nhật Bản chốt bán mình với giá 15,3 tỷ USD?
Vị thế tiên phong từng khiến thế giới ngưỡng mộ
Toshiba là doanh nghiệp có tuổi đời gần 150 năm. Tuy nhiên, sự bùng nổ của nó có lẽ bắt nguồn từ 8 thập kỷ trước khi doanh nghiệp này tiên phong trong việc phát triển những công nghệ mới. Khởi đầu năm 1800, Toshiba của ngày nay thực sự lột xác vào năm 1939 sau thương vụ hợp nhất giữa Công ty Điện lực Tokyo (Tokyo Electric) và Shibaura Engineering Works.
Thời điểm đó, doanh nghiệp có mọi điều kiện thuận lợi để bùng nổ. Từ năm 1921, Tokyo Electric đã phát minh ra bóng đèn sợi đốt hai cuộn dây đầu tiên trên thế giới, một cải tiến mà đến nay người ta vẫn còn sử dụng. Giữa thế kỷ 20, thực thể này tiếp tục đẩy mạnh những bước tiến trong công nghệ với máy quay, máy thu hình, điều hòa không khí hay cả những hệ thống xử lý thư được cơ giới hóa.
Trong những năm 1980 và 1990, Toshiba nổi lên như một đế chế toàn cầu. Đây là thời gian Chính phủ Nhật Bản đưa ra nhiều khoản trợ cấp lãi suất thấp để giúp các doanh nghiệp nước này trở thành các đại gia công nghệ, chiếm lĩnh thị trường toàn cầu với các dòng sản phẩm Made in Japan.
Năm 1985, Toshiba khiến thế giới chấn động với T1100, máy tính xách tay dành cho khách hàng đại chúng đầu tiên. Trước đây, nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả chính Toshiba đã có máy tính nhưng T1100 là chiếc máy tính “tương thích với IBM” đầu tiên trên thế giới – nghĩa là nó có thành phần, phần mềm tương tự các máy tính để bàn phổ dụng của IBM thời điểm đó.
Khả năng tương thích này đã thực sự tạo ra một cú hích. Atsutoshi Nishida, người đứng đầu dự án, từng cam kết sẽ bán được 10.000 sản phẩm – một con số không tưởng, để được phép phát triển T1100. Tuy nhiên, khi nó ra thị trường, mục tiêu ấy được hiện thực một cách đơn giản. Thậm chí, T1100 còn là nền tảng cho máy tính xách tay hiện đại mà chúng ta vẫn sử dụng ngày nay.
Sau đó, Toshiba tiếp tục trở thành người tiên phong trong thời kỳ bùng nổ bán dẫn. Một cách vô tình, Toshiba đã phát minh ra bộ nhớ flash NAND—một thành phần cốt lõi quan trọng trong hầu hết các sản phẩm phần cứng hiện đại.
Theo đó, năm 1984, một kỹ sư không có gì nổi bật tên Fujio Masuoka đã xuất hiện tại Hội nghị của các nhà phát triển điện tử quốc tế California, Mỹ để công bố một thành quả của dự án phụ do cá nhân ông phát triển – một con chip nhớ có thể lưu trữ và giữ lại dữ liệu mà không cần nguồn điện, đóng vai trò là giải pháp lưu trữ thay thế cho ổ cứng đang thịnh hành.
Masuoka không nhận được nhiều sự vinh danh dành riêng cho cá nhân ông nhưng Toshiba lại gặt hái được nhiều lợi ích. Con chip này được sử dụng trong máy ảnh số, máy nghe nhạc, điện thoại thông minh và cả các thiết bị lưu trữ. Đến bây giờ, Toshiba vẫn là một trong những công ty hàng đầu sản xuất flash NAND cho đến ngày nay.
Trong những năm 1990 và 2000, Toshiba trở thành một trong những nhà cung cấp máy tính xách tay hàng đầu thế giới đồng thời duy trì vị thế thống trị với flash NAND. Máy tính của họ xuất hiện đầy trên kệ hàng của các nhà bán lẻ khắp thế giới. Năm 2007, công ty này vẫn chiếm 17,8% doanh số bán máy tính trong các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ.
Thế nhưng, vinh quang đó đã lụi tàn chỉ trong khoảng 1 thập kỷ. Có 3 thay đổi bước ngoặt đã biến Toshiba từ một doanh nghiệp tiên phong trở thành gã khổng lồ công kềnh và chậm chạp, gần như không còn phù hợp với xu thế.
Cú ngoặt của Internet
Bắt đầu từ những năm 2000, sự phổ biến ngày càng tăng của Internet đã khiến thị trường máy tính cá nhân toàn cầu vô cùng sôi động. Điều này tạo cơ hội cho các nhà sản xuất khác vươn lên, chẳng hạn như Acer hay Asus. Tiếp sau đó, Trung Quốc gia nhập cuộc đua với hàng loạt thương hiệu cây nhà, lá vườn nhưng nhanh chóng phổ dụng khắp toàn cầu.
Toshiba, Sony và nhiều doanh nghiệp điện tử khác của Nhật Bản từng là những thương hiệu được săn đón. Thế nhưng, khi máy tính cá nhân trở nên phổ dụng, nó không còn là mặt hàng thời thượng mà cũng giống như lò vi sóng hay máy giặt. Điều đó có nghĩa người tiêu dùng muốn những sản phẩm hợp túi tiền hơn là những sản phẩm của thương hiệu uy tín nhất.
Sức ép cạnh tranh cùng với cuộc suy thoái năm 2008 đã khiến Toshiba chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo báo cáo tài chính sửa đổi, doanh thu từ mảng máy tính cá nhân của công ty đã giảm hơn 80% trong khoảng thời gian từ năm tài khóa 2007 đến 2015.
Năm 2010, Toshiba bắt đầu cho gia công hoạt động sản xuất TV của mình. Chỉ trong 2 năm 2015 và 2016, một loạt mảng chủ chốt của Toshiba như sản xuất TV và máy tính trở nên co cụm. Cùng với đó, thị phần của họ cũng sụt giảm chóng mặt.
Những vụ bê bối lớn
Cũng trong năm 2015, kết quả một cuộc điều tra cho thấy Toshiba đã phóng đại lợi nhuận lên tới 1,2 tỷ USD trong những năm hoạt động kinh doanh máy tính xách tay sa sút nghiêm trọng. Trong nỗ lực làm hài lòng các cổ đông, giám đốc điều hành lúc đó là Atsutoshi Nishida, người đã thăng tiến trong công ty kể từ những ngày còn chế tạo máy tính xách tay T1100, đã cố tình “chế cháo” số liệu thay vì chấp nhận thất bại.
Một báo cáo dài 334 trang của một ủy ban điều tra do chính Toshiba thành lập nói rằng Nishida đã khuyến khích các kế toán gian lận số liệu. Dù bê bối này không dẫn tới sự sụp đổ trực tiếp của Toshiba nhưng nó lại bộc lộ những vấn đề sâu sắc hơn đang tồn tại trong công ty, điều không có gì quá lạ lẫm ở nhiều doanh nghiệp Nhật Bản.
Các nhà quản lý quen với việc chiến thắng rất sợ phải thông báo tin xấu cho ban lãnh đạo, những người chẳng bao giờ muốn nghe những điều ấy. Hệ quả là văn hóa này đã bóp nghẹt khả năng đổi mới của Toshiba vào thời điểm được đánh giá là then chốt với vận mệnh công ty.
Giáo sư Ulrike Schaede, người nghiên cứu về các tập đoàn Nhật Bản tại Đại học California, San Diego, nói rằng hiện trạng đó là “sự vâng lời ông chủ hơn là làm những gì họ nghĩ là đúng đắn”. Kết quả là mọi việc hoàn toàn đi theo mong muốn của người chủ và chẳng có sự chuẩn bị nào cho những biến chuyển trong tương lai.
Cú vấp với điện hạt nhân
Ngoài ra, sự kém may mắn cũng khiến Toshiba khó lòng gượng dậy. Năm 2006, công ty chi 5,4 tỷ USD để mua lại Westinghouse, công ty xây dựng các cơ sở năng lượng hạt nhân có trụ sở tại Mỹ. Doanh nghiệp Nhật Bản không có chuyên môn trong mảng này nhưng thời điểm đó, dường như ngành công nghiệp điện hạt nhân đã sẵn sàng bùng nổ.
Năm 2005, Chính phủ Mỹ công bố các khoản vay bảo lãnh, tín dụng thuế sản xuất và hàng loạt ưu đãi khác để vực dậy ngành công nghiệp điện hạt nhân của nước này. Trên thế giới, nhiều quốc gia khác cũng bày tỏ sự quan tâm tới điện hạt nhân. Ngay ở Nhật Bản, quê hương của Toshiba, chính phủ cũng cam kết thúc đẩy nguồn năng lượng này.
Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi năm 2011, khi thảm họa kép đánh sập nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản. Đất nước mặt trời mọc cũng ngay lập tức đóng cửa gần như tất cả các lò phản ứng hạt nhân của mình trong khi các quốc gia khác “quay xe” với loại năng lượng này.
Hiệu ứng domino đã không buông tha Toshiba. Chicago Bridge & Iron, công ty mà Westinghouse ký hợp đồng xây dựng bốn lò phản ứng của mình tại Mỹ, đã bán lại bộ phận phát triển điện hạt nhân của mình cho Westinghouse. Sau này, công ty phát hiện ra họ mua hớ với giá quá đắt.
Gánh nợ nần và không thể hoàn thành các dự án đã ký hợp đồng ở Mỹ, Westinghouse nộp đơn xin phá sản vào năm 2017. Và Toshiba gánh khoản lỗ khổng lồ, buộc họ phải bán con gà đẻ trứng vàng NAND flash – vốn được xem là mảng tiềm năng duy nhất còn sót lại.
Sau nhiều năm tìm cách thay đổi số phận, Toshiba vừa tuyên bố thực hiện kế hoạch bán mình “bán mình” cho hãng Japan Industrial Partners (JIP) theo hình thức chào mua công khai, tức là mua lại cổ phiếu từ các cổ đông. Tổng mức giá mà Toshiba chào bán cho JIP ước tính khoảng 2 nghìn tỷ Yên, tương đương 14 tỷ USD. Các lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng thương vụ này có khả năng giúp Toshiba trở lại ánh hào quang dù hiện tại, việc bán mình cũng còn nhiều thách thức.
Tham khảo: Quartz
Nhịp sống Thị trường