Kiếm gần 80 triệu/tháng nhờ bán hàng online, cô nàng 28 tuổi vẫn ước được đi làm văn phòng vì 1 lý do đặc biệt
Tốt nghiệp Đại học xong, Mỹ Linh không đi xin việc ở bất kỳ công ty nào và đây là điều khiến cô bạn này hối tiếc nhất.
- 06-01-2024Nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ bất ngờ giữa chiều dài ngón tay và tuổi thọ
- 05-01-2024Không tập thể dục, không ăn kiêng, cụ bà vẫn sống thọ 112 tuổi: ‘Chìa khoá’ nằm 1 điều ai cũng dễ dàng sở hữu
- 02-01-2024Đưa bố vào viện dưỡng lão, tôi bị cả làng nói là bất hiếu: Sự thật đằng sau hiếm ai hiểu được
Trong khi phần lớn những người đang "bán mình cho tư bản" đều ước ao giá như có thể thoát cảnh đi làm thuê để tự làm chủ, làm giàu, thì Mỹ Linh - Cô bạn sinh năm 1995 lại khao khát được "nhảy vào cái hố" mà nhiều người đang chán ngán, muốn bước ra ấy.
Đã từng hãnh diện vì vừa ra trường đã kiếm 12-13 triệu/tháng mà chẳng cần phải đi làm thuê
Năm 2015, khi còn đang là sinh viên năm thứ 2 khoa Kiểm toán của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Mỹ Linh đã mon men tập tành bán quần áo online. Ở thời điểm ấy, Mỹ Linh chủ yếu bán hàng trên Facebook và Instagram cá nhân.
"Hợp vía" buôn bán, có những tháng, Mỹ Linh đã kiếm được 6-7 triệu tiền lãi. Nhờ nguồn thu nhập này mà Mỹ Linh đã không còn phải xin tiền bố mẹ để đóng học phí trong 2 năm tiếp theo ở Đại học.
Đến năm 2017, Mỹ Linh tốt nghiệp Đại học với tấm bằng giỏi. Cầm tấm bằng trong tay, Mỹ Linh tặc lưỡi cất nó vào một góc trong "xó tủ", hoàn toàn không nghĩ tới việc sẽ cầm tấm bằng này để đi xin việc ở bất kỳ công ty, doanh nghiệp nào.
"Lúc ấy, trung bình 1 tháng mình kiếm được khoảng 12-13 triệu tiền lãi từ việc bán quần áo nên mình đã nghĩ là tội gì phải vất vả đi xin việc. Công việc nào đang nuôi sống mình thì mình cứ tiếp tục thôi" - Mỹ Linh kể.
Tốt nghiệp Đại học xong, không còn phải mài mặt chịu đựng áp lực thi cử, Mỹ Linh có nhiều thời gian hơn để đi tìm nguồn nhập hàng. Trước đây, cô bạn này nhập hàng qua 3 mối buôn khác nhau, chứ không nhập từ mối gốc, nên giá cả có phần không được cạnh tranh lắm, dù vẫn có nguồn khách ổn định.
Không đắn đo lâu, tháng 11/2017, Mỹ Linh quyết định sang Quảng Châu (Trung Quốc), "đánh chuyến hàng" đầu tiên.
"Sau lần đầu tiên đi Quảng Châu ấy, mình vẫn phải đi thêm 3-4 lần nữa. Đến khi trở thành khách quen của mấy đầu mối bên ấy rồi, mình chỉ cần làm việc online, không cần cất công đi nữa, vẫn lấy được hàng chất lượng với mức giá tốt" - Mỹ Linh chia sẻ.
Hiện tại, Mỹ Linh vẫn duy trì việc bán quần áo online trên tất cả các nền tảng. Sau khi trừ đi tiền thuê nhân viên chốt đơn, đóng hàng và livestream, 70-80 triệu là khoản tiền đều đặn "chảy" vào tài khoản của cô bạn này hàng tháng.
Có được nguồn thu nhập tốt, là niềm mơ ước của rất nhiều bạn bè cùng trang lứa nhưng Mỹ Linh lại có chút không vui.
Tiền nhiều nhưng cuộc sống quá cô đơn và nghèo nàn trải nghiệm
"Thú thật là trước đây, nhìn bạn bè đi rải CV khắp nơi rồi đến khi xin được việc, làm việc 8-10 tiếng/ngày mà lương cũng chỉ 7-8 triệu/tháng, mình đã thầm cảm thấy hãnh diện về bản thân lắm. Đương nhiên, buôn bán cũng vất vả nhưng chí ít, mình vất vả và mình đủ sống, chứ không phải kêu than hằn học vì làm nhiều mà lương ít như các bạn. Hồi ấy, mình nghĩ quyết định đi buôn của mình quá là đúng đắn luôn rồi, nhưng bây giờ, cảm giác ấy không còn trọn vẹn được như ban đầu nữa" - Mỹ Linh trải lòng.
Căn nguyên của sự "không trọn vẹn" mà Mỹ Linh đề cập chính là sau hơn 9 năm buôn bán, ở độ tuổi 28, Mỹ Linh chợt nhận ra sao cuộc sống của mình "nghèo nàn" quá.
"Ý mình không phải là nghèo về tiền bạc, dù mình chưa giàu bằng ai nhưng để nói về việc kiếm tiền thì mình tự tin mình vẫn hơn khá nhiều người" - Mỹ Linh giải thích và khẳng định "cái nghèo" mà cô muốn chia sẻ chính là nghèo những mối quan hệ chất lượng và nghèo trải nghiệm sống.
Vì không đi làm trong môi trường công sở, gần như ngày nào cũng chỉ quanh quẩn trong nhà để bán hàng online, cộng thêm tính cách hướng nội, Mỹ Linh gần như không tự tìm được cơ hội để kết giao với những người giỏi giang, thành công trong cuộc sống. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ Linh chẳng có "mentor" (người dẫn dắt) nào trong đời.
"Nhiều khi nghe đứa bạn thân kể chuyện nó được sếp tư vấn, chia sẻ về những băn khoăn trong công việc và cuộc sống; hay những lúc nó kêu than long trời lở đất vì vào mùa kiểm toán, bận điên lên rồi áp lực không chịu nổi, mình thấy sao cuộc sống của bạn mình nhiều màu sắc quá, chẳng bình bình nhạt toẹt như cuộc sống của mình.
Mình chỉ có mỗi nó là bạn thân. Những lúc chán nản mệt mỏi hay gặp chuyện chẳng biết làm sao, mình cũng chỉ biết tâm sự với mỗi nó. Công việc của mình cũng có lúc áp lực chứ, nhưng cuối cùng cũng chỉ có mỗi mình mình giải quyết, không có ai dẫn dắt chỉ bảo, cũng chẳng có anh em đồng nghiệp nào hỗ trợ" - Mỹ Linh trải lòng về những "cái nghèo" không nằm ở chuyện tiền bạc của mình.
Năm vừa qua, khi công việc buôn bán đã đi vào ổn định, Mỹ Linh cũng đã thử lôi tấm bằng đại học nằm trong "xó tủ" từ năm nào để đi xin việc, nhưng ở độ tuổi 28, chưa từng làm việc ở bất cứ công ty, tập đoàn kiểm toán nào, Mỹ Linh đương nhiên không có sức cạnh tranh với những bạn trẻ mới ra trường.
"Mình không nghĩ là mình nên dùng từ hối hận để miêu tả về quyết định đi buôn thay vì đi xin việc đúng ngành mình đã học, vì dù sao nó cũng cho mình nguồn thu nhập để có cuộc sống ổn định. Gọi là tiếc nuối thì đúng hơn" - Mỹ Linh bộc bạch.
Tạm kết
Không có khả năng kiếm tiền, cuộc sống của chúng ta chắc chắn sẽ khó có thể thoát khỏi hai chữ "nghèo nàn". Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cứ kiếm được thật nhiều tiền là cuộc sống sẽ trở nên giàu có, phong phú.
Nghe những lời tâm tình, trải lòng của Mỹ Linh, có thể bạn sẽ nghĩ cô bạn này đang "được voi đòi tiên", sướng mà không biết hưởng. Nhưng thử tưởng tượng xem, 28 tuổi mà không có bất kỳ một mối quan hệ chất lượng nào ngoài 1 người bạn thân bằng tuổi, chỉ có thể nghe mình than vãn mà không thể đưa cho mình lời khuyên vì tính chất công việc chẳng giống nhau; cũng không quen biết bất cứ ai thành công và giàu trải nghiệm sống để có thể cho mình những góc nhìn đa chiều trong cuộc sống, thử hỏi, có đáng tiếc hay không?
Phụ nữ mới