Kiểm soát chặt để không bị mắc nợ “oan” ngân hàng
Đang yên đang lành, bỗng dưng một “cục nợ” từ trên trời rơi xuống chỉ vì hàng loạt thẻ tín dụng mang tên mình, thậm chí còn bị CIC - Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đưa vào danh sách khách hàng có nợ xấu - đây là hoàn cảnh “dở khóc, dở cười” của không ít người khi một ngày bỗng nhận “trát” đòi nợ của ngân hàng.
Hầu hết những nạn nhân đều bị oan vì những lỗi sơ đẳng của ngân hàng, từ quy trình cho đến con người. Hậu quả là khách hàng bị thiệt thòi, ảnh hưởng, mệt mỏi về tinh thần, thậm chí cả thiệt hại về vật chất. Không những thế, ngay cả ngân hàng cũng trở thành nạn nhân của sự sơ suất hay dễ dãi của chính mình.
Làm thế nào để hạn chế những điều tiêu cực nói trên, PV đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với chuyên gia tài chính ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu, người có hơn 30 năm làm việc, cố vấn trong lĩnh vực ngân hàng, người Việt Nam đầu tiên lập ngân hàng trên đất Mỹ.
PV: Thưa ông, vừa qua có câu chuyện khách hàng ở Vĩnh Phúc đến một ngân hàng mở thẻ tín dụng thì phát hiện mình đứng tên 4 cái thẻ và đều có ghi nợ, được mở tại chi nhánh NH ở Hà Nội. Điều đáng nói là 4 thẻ này được mở theo đúng số chứng minh nhân dân (CMND) của khách hàng vẫn giữ bên mình, nhưng chữ viết, chữ ký đều không phải. Phía ngân hàng cũng thừa nhận sai sót và "hứa" sẽ khóa thẻ. Câu chuyện này không phải hiếm, gióng lên tình trạng báo động về việc quá dễ dãi khi mở thẻ tín dụng của các ngân hàng: Chỉ cần có số CMND là được. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
TS Nguyễn Trí Hiếu.
TS Nguyễn Trí Hiếu: Trước tiên, tôi xin bổ sung là câu chuyện "bỗng dưng mắc nợ" của chủ thẻ như ví dụ trên không phải là lần đầu xảy ra trên hệ thống ngân hàng. Thậm chí có 1 trường hợp khách hàng mở sổ tiết kiệm tại một ngân hàng thuộc "big4" bị nhầm số tài khoản, mà cả tháng trời, nhân viên ngân hàng không hề phát hiện ra. Điều này cho thấy tính bảo mật của các ngân hàng đang rất yếu kém, bộc lộ một "góc khuất" tưởng như khó có thể xảy ra ở nơi được cho là luân chuyển của dòng tiền. Sự yếu kém này có thể nằm ở chính hệ thống bảo mật, nhưng chủ yếu là do hệ thống chưa được kiểm soát chặt chẽ, quá trình quản lý rủi ro nội bộ của ngân hàng không ổn. Nó là vấn đề con người khi thực hiện lỏng lẻo nên mới xảy ra hậu quả.
PV: Vâng, có lẽ khía cạnh con người thực hiện cần được chú ý, bởi thực tế, có hiện tượng chỉ vì chạy chỉ tiêu mở thẻ, mà nhiều nhân viên ngân hàng nhắm mắt làm liều mở tải khoản bất chấp rủi ro?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Đúng là đang có hiện tượng này. Để "chạy" chỉ tiêu, một số nhân viên tìm cách mở được càng nhiều thẻ tín dụng cho khách hàng càng tốt, nên nhiều khi, họ bỏ qua các khâu thẩm định theo tiêu chí, chỉ cần 1 CMND là họ sẵn sàng mở thẻ, thậm chí không có thì cũng "mượn" số CMND để mở thẻ. Điều này thực sự là ẩn họa đối với cả khách hàng và cả ngân hàng.
PV: Ông có thể nói rõ về hệ lụy, những ẩn họa cho người dùng, cho chính ngân hàng về nợ xấu, cũng như kẽ hở cho tội phạm lợi dụng lừa đảo?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Về thiệt hại đối với khách hàng: Thẻ tín dụng bị lợi dụng, bị sử dụng mua bán giao dịch dẫn đến khách hàng mắc nợ. Mà mắc nợ thì sẽ phải chịu thiệt hại ít nhất là về tinh thần như lo lắng, mệt mỏi… còn có cả trường hợp phải mất cả tiền oan.
Còn nếu như thẻ tín dụng được mở, nhưng không có giao dịch nào được thực hiện, thì người mở thẻ cũng sẽ mất phí duy trì thẻ, phí thường niên, phí hằng tháng… Đến hạn, các chủ thẻ sẽ phải nộp tiền vào gia hạn thẻ, nếu không gia hạn, thì trở thành nợ xấu. Thế nên có câu chuyện nhiều người tự dưng được thông báo có nợ xấu dù không hề vay mượn, vì những khoản nợ không trả sẽ tự động bị CIC chuyển thành nợ xấu trên hệ thống. Sau này, muốn giao dịch vay mượn gì từ ngân hàng cũng sẽ rất khó khăn.
Còn với ngân hàng, khi sự việc xảy ra, ngân hàng sẽ phải gánh khoản nợ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như uy tín. Đấy là chưa kể, việc "làm ẩu" này sẽ vô tình tiếp tay cho các tội phạm lợi dụng kẽ hở để lừa đảo trục lợi, gây hệ lụy cho chính ngân hàng và ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội.
PV: Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tiến trình số hóa của ngân hàng, thưa ông? Liệu cách mạng số có giúp cải thiện tình trạng này?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Đây là vấn đề tôi đang muốn đề cập. Chính tiến trình số hóa ngân hàng đang đặt ra 2 mặt của một vấn đề. Hiện nay, lợi dụng thẻ tín dụng phạm tội xảy ra ở rất nhiều ngân hàng. Kể cả không phải ăn cắp, nhưng chỉ cần nắm được 3 số cuối trong mật khẩu đằng sau thẻ tín dụng, hacker có thể vào các trang thương mại điện tử để hack các thông tin và thực hiện giao dịch. Bởi vậy, sơ hở trong sử dụng thẻ tín dụng và những tiện ích công nghệ cũng dễ tạo điều kiện cho người ta có cơ hội nảy sinh lòng tham và phạm tội.
Còn với phía ngân hàng, trước đây, nếu mở thẻ, khách hàng phải trực tiếp đến ngân hàng, ký, viết, nhân viên nhìn thấy thì mới xác nhận để mở thẻ, nhưng hiện nay chỉ cần gửi thông tin, chụp hình ảnh trước sau phải trái… qua mạng là có thể làm thẻ. Sự tiện ích và cả sự cẩu thả của những nhân viên ngân hàng sẽ tạo cơ hội cho tin tặc sử dụng công nghệ lấy cắp tiền của khách hàng, đặc biệt là sử dụng công nghệ thông tin để nhận dạng, để làm giả, gia tăng rủi ro.
PV: Có vẻ điều này cũng sẽ có ảnh hưởng tới cả chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Chính phủ đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt với các tiện ích như chữ ký điện tử, công nghệ nhận dạng, ví điện tử, Mobile Money… điều này cho thấy sự phát triển và tiệm cận đến các hình thức thanh toán hiện đại. Nhưng vấn đề đặt ra là phải làm sao kiểm soát được các ứng dụng, dịch vụ ngân hàng trong thời buổi kỹ thuật số hiện nay.
Điều tôi còn nhiều băn khoăn lo lắng về Mobile Money đó là hàng loạt tiện ích thì không cần phải bàn cãi, nhưng rủi ro là liệu Chính phủ có thể kiểm soát được số lượng tiền di động được phát hành? Phải làm sao để số tiền trong tài khoản của khách hàng bằng chính số tiền của khách hàng nộp vào, chứ không thể các hãng nổi hứng khuyến mại theo kiểu nộp 100 triệu thì được 200 triệu… Như vậy phải quản lý dòng tiền, vì nếu không các hãng di động sẽ thực hiện chức năng tạo ra tiền - trong khi chỉ có ngân hàng mới được in tiền - điều này rất nguy hiểm cho nền kinh tế.
PV: Điều này thực sự ở tầm vĩ mô, nhưng cũng chỉ là giả thiết, vì các hãng di động sẽ tạo ra tiền để làm gì?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Các công ty có thể tạo ra lượng tiền do ý muốn chủ quan như do chiến lược kinh doanh, hoặc có thể tạo tiền vì hoạt động tham nhũng, hoạt động phạm pháp… Ý tôi là tiền di động phải kiểm soát thật chặt chẽ. Tiền trong tài khoản là do người dân tự đóng vào. Phải kiểm soát qua báo cáo, qua công nghệ thông tin. Một nền kinh tế phúc lợi, tiện ích, phi tiền mặt là một nền kinh tế văn minh cần hướng đến. Nhưng để thực hiện, cần có cơ chế kiểm soát tốt.
PV: Có hiện tượng khách hàng được mời chào và mở tài khoản rất nhiều các ngân hàng khác nhau. Hệ lụy là phải đóng tiền để giữ thẻ, hằng tháng lại đóng thêm tiền phí. Mà bây giờ ngân hàng đã liên thông rồi. Vậy ông có khuyến cáo gì cho khách hàng?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Với khách hàng, khuyến cáo của tôi là không nên mở nhiều thẻ tín dụng. Như tôi cũng chỉ có 2 thẻ mà thôi. Thẻ tín dụng nhiều sẽ giống như cái bẫy: Nhiều thì càng dễ sử dụng nên nợ nần chồng chất - nên giới hạn. Thứ 2, thường xuyên kiểm tra tài khoản của mình bằng cách vào website của ngân hàng, xem tài khoản vãng lai, tài khoản thanh toán, nợ tài khoản… Nếu phát hiện giao dịch đáng ngờ phải báo ngay cho ngân hàng.
Tài khoản bị lợi dụng thì phải khóa ngay và mở lại khi cần thiết. Trường hợp nếu có ngân hàng nào đó báo có thẻ tín dụng phát sinh, hoặc món nợ không phải do mình sử dụng thì phải kiên quyết từ chối thanh toán món nợ nếu không phải của mình, làm rõ mọi chuyện để không tạo tiền lệ xấu, và cũng là đưa ra bài học cho những khách hàng khác. Và đặc biệt, phải giữ giấy tờ tùy thân cùng tất cả thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ một cách thận trọng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Công an nhân dân