MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểm soát chặt tình trạng lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu

27-07-2022 - 14:39 PM | Kinh tế số

Người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ trước khi mua các sản phẩm được bán trên mạng xã hội. Ảnh minh họa: Minh Tú/TTXVN.

Người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ trước khi mua các sản phẩm được bán trên mạng xã hội. Ảnh minh họa: Minh Tú/TTXVN.

Thương mại điện tử những năm gần đây phát triển mạnh, hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ có xu hướng tăng.

Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng thông qua các công ty chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm dưới hình thức hàng tặng, hàng biếu gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong đấu tranh đấu tranh, bắt giữ.

Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội nguyên nhân chưa kiểm soát được việc lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu là do khó xác định được địa chỉ của đối tượng bán hàng thông qua mạng xã hội. Đồng thời, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng chức năng còn thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, các đối tượng thường dùng các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok… để bán hàng lậu như kit test nhanh COVID-19, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm…

Thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện 60 nhóm Facebook kinh doanh kit test nhanh COVID-19 với 47 nhóm công khai và 13 nhóm kín; gỡ bỏ hàng chục nhóm zalo, facebook kinh doanh thuốc điều trị COVID-19 trên không gian mạng.

Cụ thể, Đội 7 phòng PC03 kiểm ta căn hộ chung cư C14 Tố Hữu, quận Hà Đông đã phát hiện, thu giữ 2.000 hộp thuốc Liên hoa Thanh ôn (bên ngoài bao bì sản phẩm có chữ Trung Quốc) do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Đối tượng khai nhận đã lợi dụng mạng xã hội để tiêu thụ sản phẩm.

Không chỉ có lực lượng công an bắt giữ nhiều vụ gian lận, bán hàng không rõ nguồn gốc mà Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cũng tiến hành thu giữ nhiều mặt hàng như kit test, thuốc điều trị COVID-19, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán trên các mạng xã hội.

Mới đây, Đội quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng tại 158 Hạ Đình (quận Thanh Xuân), thuộc Công ty cổ phần thương mại Open Pharma do ông Đặng Quang Vinh (sinh năm 1983) làm Giám đốc.

Ông Nguyễn Hữu Biên, Phó Giám đốc công ty nhận quyết định và làm việc với Đoàn kiểm tra. Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra cơ sở kinh doanh đang bày hàng hóa là thực phẩm bổ sung viên sủi Vitamin Beeroca C+.

Theo kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH088-22YC/KLGĐ ngày 10-3-2022 của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), hàng hóa này xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ theo Đăng ký quốc tế số 932608 của Bayer Consumer Care AG.

Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Hữu Biên thừa nhận yếu tố xâm phạm của lô thực phẩm bổ sung viên sủi Vitamin Beeroca C+ và hình ảnh đang được bày bán tại cơ sở kinh doanh của công ty; đồng thời cho biết, số hàng này Công ty cổ phần thương mại Open Pharma đặt Công ty cổ phần Dược mỹ phẩm JaPan sản xuất theo hợp đồng gia công. Công ty cổ phần Dược mỹ phẩm JaPan xuất cho Công ty cổ phần thương mại Open Pharma theo hóa đơn bán hàng với giá là 19.440 đồng/hộp đã bao gồm tiền thuế.

Do đó, Đoàn kiểm tra tạm giữ 28.575 hộp thực phẩm bổ sung viên sủi Vitamin Beeroca C+ và hình ảnh để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tại thời điểm kiểm tra, Công ty cổ phần thương mại Open Pharma sử dụng website https://openpharma.vn để bán hàng. Website nói trên có chức năng bán hàng trực tuyến nhưng chưa được thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Theo các chuyên gia kinh tế, các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.

Lợi dụng hoạt động thương mại điện tử (các website, trang mạng xã hội như Facebook, Zalo...) các đối tượng rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều mặt hàng giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng; thông qua các công ty chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm dưới hình thức hàng tặng, hàng biếu gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong đấu tranh đấu tranh, bắt giữ.

Một số đối tượng sử dụng các căn hộ chung cư, nơi ở làm địa điểm kinh doanh, tập kết hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và có sự thỏa thuận với bảo vệ của các tòa nhà để thông báo, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc tiếp cận kiểm tra và xử lý.

Trong khi đó, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật và một số Nghị định chưa có sự thống nhất trong áp dụng xử lý cũng như xác định hành vi vi phạm dẫn đến lúng túng cho các lực lượng chức năng trong công tác thực thi pháp luật.

"Hệ thống tra cứu hóa đơn điện tử chưa được triển khai đồng bộ, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan Thuế, Hải quan và các lực lượng chức năng khác dẫn đến hiệu quả kiểm tra, xử lý vụ việc chưa cao. Việc chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng còn hạn chế, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa thực sự gắn kết; còn có sự đùn đẩy, né tránh dẫn đến vụ việc không được xử lý triệt để đúng thời hạn và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật trong xử lý vụ việc". Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên, ông Nguyễn Thanh Tùng- Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đề nghị Ban chỉ đạo 389/TP tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, thuế… tăng cường kiểm tra từ cửa khẩu biên giới, các ga đường sắt liên vận, các cảng hàng không quốc tế… nhằm ngăn chặn tội phạm ngay từ các cửa khẩu biên giới, hạn chế tối đa lượng hàng hóa được thẩm lậu từ biên giới vận chuyển về Hà Nội.

Đồng thời, sửa đổi bổ sung quy định về chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài phải chặt chẽ hơn, phải kèm theo hóa đơn chứng từ nhập khẩu ngay trong quá trình lưu thông hàng hóa, không chấp nhận đơn hàng nội địa thông thường, không chấp nhận việc ghi giá thấp giá trị hàng hóa để đối phó với lực lượng chức năng…

Có văn bản hướng dẫn cụ thể về thời hạn, quy trình, quy định việc tổ chức xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng có yếu tố nước ngoài.

Hơn nữa, đối với vật chứng là thời trang, mỹ phẩm cần có hướng dẫn xử lý chi tiết tang vật trong quá trình điều tra tránh để tránh bị hỏng tang vật gây khó khăn cho xử lý, tổn thất lớn cho ngân sách nhà nước, nhất là liên quan đến hàng điện tử; đề nghị bổ sụng kinh phí lưu kho bãi cho lực lượng quản lý thị trường…

Bên cạnh đó, yêu cầu các sở, ngành thành viên, Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; xác định công tác này là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, không có vùng cấm.

Mặt khác, tiếp tục làm tốt việc điều tra cơ bản, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu.

Đặc biệt, thường xuyên nhận diện các phương thức thủ đoạn mới của các đối tượng lợi dụng để vi phạm và các thủ đoạn mới phát sinh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo Nam Giang

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên