Kiểm soát dòng tiền, không để quay vòng đầu cơ
Tới đây Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. GS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trao đổi với phóng viên về gói hỗ trợ quan trọng, cấp bách này.
Gói hỗ trợ nhỏ, không nên dàn trải
Ông đánh giá gì về gói hỗ trợ phục hồi phát triển nền kinh tế đang được Quốc hội cho ý kiến để thông qua vào ngày 11/1?
Gói phục hồi kinh tế là nội dung chính kỳ họp và cũng là điều mà xã hội, doanh nghiệp rất quan tâm. Sự kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ được đánh giá cao nhất. Một mặt dùng dư địa tăng nợ công, mặt khác là dùng chính ngân sách đó để tác động sang chính sách tiền tệ. Điều này giúp các ngân hàng thương mại không bị buộc hạ lãi suất nhưng doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận lãi suất thấp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Cách thiết kế của gói là hợp lý. Đây chính là cơ sở để kỳ vọng khi gói này được triển khai, không ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, chỉ số nợ công, vay trả nợ công và lạm phát.
Nguồn tiền thực tế trong gói hỗ trợ không nhiều. Tổng quy mô hỗ trợ khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng, nhưng nằm trong các chính sách miễn, giãn, hoãn, giảm thuế. Tiền mặt đưa vào chỉ khoảng 176 nghìn tỷ đồng. Đây rõ ràng không phải một lượng tiền lớn trong quãng thời gian 2 năm. Trung bình, khoảng hơn 80.000 tỷ mỗi năm. Con số này quá nhỏ so với chính lượng vốn đầu tư công mà nước ta vẫn giải ngân hàng năm.
Trong khi nguồn lực có hạn, theo ông cần phải đầu tư vào những lĩnh vực trọng yếu nào cho hiệu quả nhất?
Gói này cần tập trung vào các lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch hoặc thúc đẩy hoạt động phòng, chống dịch để phục hồi kinh tế. Với gói quy mô nhỏ như thế mà dàn trải nhiều dự án thì không mang lại hiệu quả kinh tế. Hoặc kéo quá dài cũng không hiệu quả.
Trong đó, các lĩnh vực được đưa vào danh mục gồm có các trung tâm phòng chống dịch vùng, tăng cường cơ sở y tế ở các vùng đông dân cư. Ngoài ra, có ưu tiên ở các ngành đang bị tác động rất mạnh như du lịch, vận tải; hỗ trợ nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp hay thành lập các trung tâm trung chuyển vùng để ngăn chặn đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch.
Đáng lưu ý, trong 176 nghìn tỷ đồng kể trên, riêng đầu tư cho giao thông chiếm 103 nghìn tỷ. Giao thông là quan trọng, nhưng cần mở ra điểm tắc, điểm nút chứ không phải tất cả đều được đưa vào phục hồi. Các dự án không nằm trong diện đó thì nên đưa vào chương trình đầu tư công của Chính phủ.
GS Hoàng Văn Cường |
"Hiện nay lãi suất cho vay cao nhưng lãi suất huy động lại thấp. Điều đó không tốt cho nền kinh tế, bởi người dân có tiền nhàn rỗi sẽ không đưa vào ngân hàng mà đầu tư sang bất động sản, chứng khoán. Chỉ khi ngân hàng tăng lãi suất huy động lên mới có thể hút vốn vào, như vậy sẽ tránh tình trạng tiền trôi nổi trong các lĩnh vực đầu cơ".
Nâng lãi suất tiền gửi để hút vốn
Còn vấn đề lãi suất cho vay thì sao, thưa ông?
Chính sách hỗ trợ lãi suất cũng là vấn đề cần phải lưu ý. Hiện nay, các ngân hàng thương mại phải đảm bảo nguyên tắc kinh doanh, lấy lãi suất cho vay trừ lãi suất huy động, chi phí vận hành, trích lập dự phòng rủi ro… Hiện Việt Nam đang thực hiện giãn, hoãn các khoản nợ đến hạn phải trả, cơ cấu lại nợ.
Nếu không có chính sách đó, nhiều khoản nợ của doanh nghiệp hiện nay đã trở thành nợ xấu. Khi thành nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro phải lớn. Điều đó cho thấy tiềm ẩn nợ xấu của ngân hàng rất cao. Từ thực tế đó, không thể ép ngân hàng thương mại giảm lãi suất. Cũng vì thế, không phải tất cả các doanh nghiệp đều có thể tiếp cận với mức hỗ trợ lãi suất 2% mà không gặp rủi ro.
Tôi cho rằng, một số lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nặng, cần được ưu tiên, cần hỗ trợ lãi suất 4%, chỉ tương đương tỷ lệ tăng giá lạm phát. Lúc đó, các doanh nghiệp vẫn được yêu cầu phải làm ăn hiệu quả nhưng họ sẽ không phải chịu sức ép từ nợ vay khi chưa thể phục hồi hoàn toàn. Cần tăng thêm hỗ trợ cấp bù lãi suất. Nếu dành 40 nghìn tỷ để cấp bù lãi suất với mức hỗ trợ 4% thì có 1 triệu tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế, được các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hấp thụ, góp phần làm tăng nguồn lực rất lớn và có tính lan tỏa cao.
Tuy nhiên hiện nay, lãi suất cho vay cao nhưng lãi suất huy động lại thấp, điều đó không tốt cho nền kinh tế, bởi người dân có tiền nhàn rỗi sẽ không đưa vào hệ thống ngân hàng mà đầu tư sang bất động sản, chứng khoán. Chỉ khi nào ngân hàng tăng lãi suất huy động lên thì mới có thể hút vốn vào, như vậy sẽ tránh tình trạng tiền trôi nổi trong các lĩnh vực đầu cơ. Đó là điều rất cần thiết.
Nói về chuyện đầu cơ, ông có thấy bất thường không khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nhưng chứng khoán, bất động sản lại tăng trưởng rất nóng trong thời gian qua?
Trước hết, cần giải tỏa về mặt tâm lý cho người dân, tránh đưa tiền vào đầu cơ cho bất động sản, chứng khoán, không đưa tiền vào sản xuất kinh doanh. Đó là điều không tốt. Chỉ số chứng khoán phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Kinh tế tăng lên thì chứng khoán mới tăng. Hiện nền kinh tế đang rất khó khăn mà chứng khoán tăng nhanh thế, như vậy là có sự tăng nóng. Tất nhiên ở đó cũng có những công ty thực sự làm ăn hiệu quả. Trong đại dịch, có nhiều công ty làm ăn hiệu quả, dẫn tới mã chứng khoán tăng. Tuy nhiên, cứ tăng đồng đều, tăng cả thì phải tính đến điều này.
Ngoài ra cũng có thể xảy ra tình trạng trục lợi chính sách như thời điểm năm 2009-2011, khi những doanh nghiệp vay tiền lãi suất thấp nhưng không đưa vào đầu tư, không đưa vào kinh doanh mà vay tiền về gửi ngân hàng, hưởng chênh lệch lãi suất. Còn vay tiền lãi suất thấp đầu tư BĐS, chứng khoán càng nguy hiểm hơn, càng tạo ra bong bóng. Đó là điều mà các nhà hoạch định chính sách rất lo ngại khi đưa gói hỗ trợ này ra, dòng tiền không chảy vào sản xuất lại chảy sang các khu vực đầu cơ.
Kiểm soát dòng tiền cho vay lãi suất thấp
Vậy phải làm sao để ngăn chặn được tình trạng này, thưa ông?
Chính vì điều này, chúng ta phải kiểm soát dòng tiền ngân hàng cho vay lãi suất thấp. Khi cho vay, mua nguyên liệu, máy móc, mua vật tư thì trả tiền cho hợp đồng đó. Khi nguyên liệu, máy móc, vật tư mang về sản xuất, bán được sản phẩm thì ngân hàng theo dõi được dòng tiền về.
Trước đây do phổ biến sử dụng tiền mặt nên chúng ta không theo dõi được. Còn hiện nay, ứng dụng CNTT rộng rãi, đặc biệt quá trình chuyển đổi số, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng hệ thống để kiểm soát, biết dòng tiền chảy về đâu, khu vực nào. Khi cho vay ưu đãi, phải kiểm soát được dòng tiền ấy và cũng nhờ vậy, chính sách cho vay không bị cứng nhắc về thời gian, tuỳ tình hình cụ thể, doanh nghiệp có thể vay chỉ trong một tháng, nhưng cũng có thể vay kéo dài trong hai năm.
Ông nhìn nhận thế nào về việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu?
Theo Luật Chứng khoán, doanh nghiệp được quyền phát hành trái phiếu, nhưng chủ yếu dành cho tổ chức và người kinh doanh chuyên nghiệp. Vì họ hiểu rất rõ về hoạt động của doanh nghiệp cũng như tính rủi ro của nó. Họ hoàn toàn đánh giá được và sẽ biết ngay dự án này tốt hay xấu để quyết định có đầu tư vào trái phiếu đó hay không.
Còn với những cá nhân có tiền nhàn rỗi, thay vì gửi ngân hàng thì đi mua trái phiếu, có thể cũng tốt vì lãi suất cao, nhưng cũng có thể rủi ro. Khi doanh nghiệp không thanh toán được, người mua phải chịu, vì đó là thoả thuận hai bên, không ai can thiệp được. Chính vì vậy, về mặt chính sách, người ta không khuyến khích cá nhân sử dụng tiền nhàn rỗi để mua trái phiếu doanh nghiệp là vì thế.
Cảm ơn ông.
Nguồn tiền thực tế trong gói hỗ trợ không nhiều. Tổng quy mô hỗ trợ khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng, nhưng nằm trong các chính sách miễn, giãn, hoãn, giảm thuế. Tiền mặt đưa vào chỉ khoảng 176 nghìn tỷ đồng. Đây rõ ràng không phải một lượng tiền lớn trong quãng thời gian 2 năm.
Tiền phong