Kiếm tiền chưa bao giờ dễ đến thế: bán bộ sưu tập ảnh selfie, anh chàng sinh viên kiếm về hơn 1 triệu USD
Bộ sưu tập NFT của nam sinh viên gồm 1.000 bức ảnh với giá khởi điểm chỉ 3 USD. Tuy nhiên, sau sự nổi tiếng bất ngờ, có nhà đầu tư đã lãi tới 78.000% nhờ mua ảnh trong bộ sưu tập trên.
Ghozali Ghozalo, nam sinh viên 23 tuổi đến từ Indonesia đã tạo ra một bộ sưu tập NFT từ gần 1.000 bức ảnh tự chụp của bản thân. Sản phẩm của người này được lan truyền nhanh chóng và trở nên nổi tiếng, đạt khối lượng giao dịch khổng lồ sau vài ngày đăng bán.
Bộ sưu tập NFT của Ghozali được tạo thành từ ảnh tự sướng trong suốt 5 năm. "Tôi đã tự chụp ảnh bản thân từ năm 18-22 tuổi (2017-2021). Đó chỉ đơn giản là hình ảnh tôi ngồi trước máy tính hàng ngày", người này giới thiệu trên OpenSea.
Một phần nhỏ trong bộ sưu tập gần 1.000 bức ảnh selfie trước máy tính của chàng sinh viên người Indonesia.
Tuy nhiên, bộ sưu tập này chỉ chứa 933 hình ảnh. Điều này cho thấy Ghozali đã không chụp đủ ảnh trong suốt 3 năm. Sau khi tìm hiểu về blockchain, chàng sinh viên đại học này quyết định biến chúng thành NFT và bán trên sàn giao dịch OpenSea.
"Tôi nghĩ sẽ rất buồn cười nếu có người lại sưu tập ảnh khuôn mặt của tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ có ai lại muốn mua ảnh selfie của người khác cả", Ghozali chia sẻ với các phóng viên.
Bộ sưu tập của anh có tên "Ghozali Everyday". Tựa đề này được lấy cảm hứng từ "Everydays: The First 5.000 Days" của Beeple, bộ sưu tập NFT được bán tại nhà đấu giá Christie’s với giá 69 triệu USD vào tháng 3 năm 2021.
Ngày 9/1, Ghozali đăng bán bộ sưu tập với giá 3 USD cho mỗi NFT. Sau vài ngày, giá sàn cho mỗi bức ảnh liên tục tăng, đạt mức 0,9 ETH (3.000 USD). Tổng lượng giao dịch của bộ sưu tập đến ngày 15/1 đạt 324 ETH, tương đương 1,07 triệu USD .
Bộ sưu tập Ghozali Everyday thậm chí đã lọt vào top 40 trên bảng xếp hạng khối lượng giao dịch 24 giờ của OpenSea, với mức tăng khổng lồ 72.000% trong thời gian hoạt động, theo dữ liệu từ sàn giao dịch NFT OpenSea.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có ai đó sẽ muốn mua những bức ảnh selfie như này, đó là lý do tại sao tôi chỉ định giá chúng ở mức 3 USD mà thôi", anh nói.
Những tác phẩm NFT của Ghozali được Arnold Poernomo, một đầu bếp nổi tiếng và Jeffry "Jejouw" Jouw, doanh nhân ngành thời trang thể thao người Indonesia quảng bá.
Poernomo cho biết ông cùng các nhà đầu tư khác mua NFT để giúp Ghozali Ghozalo có thêm thu nhập. Những người này đang quản lý một nhóm diễn đàn Discord nhằm hỗ trợ Ghozali quản lý bộ sưu tập. Không chỉ cuộc sống của Ghozali thay đổi, những người mua sớm NFT cũng đã thu được khoản lợi nhuận khổng lồ.
Hypebeast cho biết từ khi bộ sưu tập Ghozali Everyday nổi tiếng, Ghozalo trở thành một "người hùng" tại địa phương và xuất hiện trên nhiều tờ báo Indonesia.
"Tính đến hôm nay tôi đã bán được hơn 230 bức ảnh. Tôi vẫn không hiểu tại sao họ lại muốn mua ảnh NFT của tôi. Nhưng tôi muốn cảm ơn các bạn vì nỗ lực trong 5 năm của mình đã được đền đáp. Thành thật mà nói, tôi vẫn chưa đủ can đảm để nói với bố mẹ mình, họ sẽ thắc mắc tôi lấy tiền từ đâu ra", Ghozali viết trên Twitter hôm 11/1.
Mơ ước một ngày nào đó sẽ mở xưởng hoạt hình của riêng mình, anh cho biết đang có kế hoạch đầu tư tiền và sẽ tiếp tục chụp ảnh tự sướng hàng ngày cho đến khi học xong đại học.
Thế giới từng ghi nhận nhiều vật phẩm NFT được đánh giá "kỳ quặc", như NFT ảnh chụp cuộn giấy vệ sinh từng được bán với giá hơn 3.000 USD, ảnh viên đá giá 1,3 triệu USD, hay câu tweet của nhà sáng lập Twitter có giá 2,9 triệu USD.
CryptoBriefing cho rằng giống như mọi NFT khác, không có gì để đảm bảo cho giá trị cho những tác phẩm này trong tương lai. Tuy nhiên, bộ sưu tập của Ghozali đang được lan truyền mạnh mẽ và có thể tiếp tục tăng giá trong những ngày tới.
Tham khảo: CryptoBriefing