Kiếm tiền từ điện, nước, rác và cả nghĩa trang, một doanh nghiệp trên sàn chứng khoán thu hàng tỷ đồng mỗi ngày
Doanh nghiệp này vẫn đều đặn thu hàng nghìn tỷ mỗi năm từ cung cấp nước sạch, xử lý rác chưa kể lãi liên kết từ công ty quản lý nghĩa trang. Ngoài ra, hoạt động phát điện từ đốt rác còn giúp tiết kiệm hàng tỷ đồng.
- 15-06-2023Cổ phiếu Tân Tạo (ITA) bị HoSE đưa vào diện kiểm soát vì lợi nhuận âm
- 15-06-2023Thoái vốn đúng đỉnh một cổ phiếu khu công nghiệp, BVSC thu về hơn trăm tỷ
Đầu tư theo chủ đề ESG đang là xu hướng phổ biến trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn ESG trên sàn chứng khoán thực sự lại không nhiều. Một trong số ít có thể kể đến như Biwase (BWE), doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nước sạch, xử lý rác, nước thải, thậm chí còn tận dụng rác thải để phát điện sạch.
ESG (Environmental – Social – Governance) là bộ tiêu chuẩn đo lường những yếu tố liên quan đến hoạt động phát triển bền vững của một doanh nghiệp bao gồm các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp.
Khởi nghiệp với ngành nước, tiền thân của Biwase là “Trung Tâm Cấp Thuỷ Bình Dương” trực thuộc Ty Giao thông Công chánh có công suất ban đầu chỉ 5.000 m3/ngày đêm. Đến nay, công suất tối đa của hệ thống nhà máy nước Biwase đã đạt đến 1 triệu m3/ngày đêm, với 7 nhà máy cấp nước sử dụng nguồn nước từ hai con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Mạng lưới cấp nước bao phủ toàn tỉnh Bình Dương và một phần Bình Phước, TP.HCM.
Thời gian gần đây, Biwase đang ráo riết M&A các doanh nghiệp nước địa phương để mở rộng địa bàn. Đầu năm nay, Biwase đã thông qua chủ trương đầu tư mua cổ phần một loạt công ty hoạt động trong lĩnh vực nước gồm Đầu tư Hạ tầng nước DNP Long An; Công trình Đô thị Châu Thành; Công trình Đô thị Cần Giuộc; Nước và Môi trường Bằng Tâm và Đầu tư Hạ tầng nước DNP Quảng Bình. Trong năm ngoái, Biwase cũng đã mua cổ phần của Cấp thoát nước Cần Thơ và Cấp nước Cần Thơ 2 và đưa hai đơn vị này trở thành công ty liên kết.
Không dừng lại ở mảng cấp nước, Biwase còn là đơn vị chịu trách nhiệm xử lý rác chính cho Bình Dương - địa phương có nền sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Công ty đã đầu tư hệ thống lò đốt rác công suất lớn, hiện đại nhằm xử lý mỗi ngày từ 200 đến 250 tấn rác thải công nghiêp, nguy hại & rác sinh hoạt. Nhờ đó giải quyết được rất nhiều vấn đề về rác thải và môi trường hiện nay tại tỉnh Bình Dương. Năm 2022, khối lượng rác Biwase tiếp nhận lên đến hơn 964.516 tấn, trong đó nước rỉ rác 5.755 tấn.
Với ý tưởng biến rác thải thành “tài nguyên”, Biwase đã đầu tư xây dựng nhà máy điện có giá trị hàng chục tỷ đồng từ năm 2017 nhằm tận thu nguồn khí mê tan từ bãi chôn lấp rác. Với nguồn vốn ODA dồi dào, dự án tiếp tục được Biwase đầu tư công nghệ tiên tiến, qua đó xỉ tro còn lại thấp và xỉ tro này sẽ tiếp tục được tái chế ra các loại gạch, bê tông để bảo vệ môi trường. Ngoài yếu tố về môi trường, điện từ nhà máy còn góp phần giảm thiểu hàng tỷ đồng chi phí cho Biwase.
Thu tiền tỷ mỗi ngày từ nước, rác và cả nghĩa trang
Với hệ thống nhà máy có công suất lớn, mỗi năm Biwase thu về cả nghìn tỷ đồng doanh thu từ cấp nước và xử lý rác thải. Năm 2022, doanh thu của doanh nghiệp này tiếp tục tăng trưởng 11% so với cùng kỳ, đạt gần 3.500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu về gần 750 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2021 trước đó.
Quý đầu năm 2023, tổng doanh thu của công ty đạt gần 681 tỷ đồng tương ứng trung bình mỗi ngày thu về hơn 7 tỷ đồng. Trong đó, mảng nước sạch vẫn đóng góp lớn nhất đến 76% tổng doanh thu, còn lại là xử lý rác, nước thải và hoạt động khác. Lợi nhuận sau thuế thu về gần 92 tỷ đồng trong đó đóng góp chủ yếu cũng đến từ mảng cung cấp nước sạch.
Con số trên chưa bao gồm các khoản lãi từ các công ty liên kết mang lại. Năm ngoái, hoạt động này mang về cho Biwase hơn 18 tỷ đồng. Con số này trong quý đầu năm nay âm gần 21 tỷ đồng nhiều khả năng đến từ các công ty liên kết trong ngành nước mà Biwase mới M&A rầm rộ thời gian qua.
Ngoài ngành nước, Biwase còn có một công ty liên kết rất đáng chú ý là CTCP Đầu tư - Xây dựng Chánh Phú Hòa (CPHACO), hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công viên nghĩa trang nhân dân, khu công nghiệp, khu dân cư và đặc biệt là kinh doanh nghĩa trang, nhà tang lễ. Công ty này được biết đến là đơn vị chủ quản Hoa Viên Nghĩa Trang Chánh Phú Hòa Bình Dương quy mô khoảng 300 ha, lớn nhất tỉnh Bình Dương.
Sở hữu một trong những nghĩa trang lớn nhất cả nước, CPHACO mỗi năm mang về hàng chục tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động bán đất an táng và các dịch vụ mai táng, tang lễ... Năm 2021, doanh thu của doanh nghiệp này đạt 402 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 83 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước. Với tư cách là cổ đông lớn nhất năm giữ 43,16% cổ phần, Biwase có thể thu về hàng chục tỷ đồng từ lãi liên kết, bên cạnh cổ tức đều đặn hàng năm.
Nhịp Sống Thị Trường