Kiểm toán chuyển hồ sơ sang công an điều tra làm rõ sai phạm tại Petro Vietnam
Qua kiểm toán phát hiện loạt sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...
- 19-10-2017Sửa điều lệ, siết chặt hơn quản lý tài chính, nhân sự của Petro Vietnam
- 14-08-2017Thủ tướng yêu cầu Petro Vietnam sớm hoàn thành 3 việc lớn
- 05-08-2017Thủ tướng: “Petro Vietnam phải đoàn kết, khắc phục tồn tại”
Cổng thông tin Kiểm toán Nhà nước cho biết, mới đây, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành đã ký và gửi công văn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an về việc điều tra làm rõ một số sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam).
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) và phát hiện một số sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Ban quản lý Dự án Công trình Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn thuộc Petro Vietnam và một số tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cụ thể, khi kiểm toán để xác nhận thông tin tài chính của tài khoản công nợ nội bộ giữa Công ty mẹ Petro Vietnam với Ban quản lý dự án năm 2017, Kiểm toán Nhà nước phát hiện cuối năm 2017, Ban quản lý dự án và một số cá nhân đã chuyển tiền vào tài khoản của Công ty mẹ Petro Vietnam. Số dư đến ngày 31/12/2017 là 8,6 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước phát hiện sai phạm liên quan đến việc chuyển số tiền trên.
Theo đó, từ năm 2020 đến năm 2015, bằng nhiều hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn và các văn bản thoả thuận, Ban quản lý dự án đã để ngoài hệ thống sổ sách kế toán, báo cáo tài chính khoản tiền lãi nhận được qua các hợp đồng tiền gửi tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) - Chi nhánh Thanh Hoá và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Ocean Bank) - Chi nhánh Thanh Hoá. Số tiền để ngoài sổ sách theo rà soát ban đầu của PVN là 22,1 tỷ đồng.
Số tiền lãi để ngoài sổ sách nêu trên được hình thành từ việc sử dụng nguồn vốn cấp của Petro Vietnam và nguồn tiền thu từ thực hiện hợp đồng dịch vụ với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn gửi ngân hàng thông qua các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn.
Ban quản lý dự án đã ký hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn nhưng không theo dõi, hạch toán đầy đủ lãi tiền gửi có kỳ hạn vào sổ kế toán mà chỉ phản ánh tiền lãi không kỳ hạn để nhận tiền chênh lệch lãi suất, để ngoài sổ sách kế toán, vi phạm quy định khoản 3 điều 14 Luật Kế toán số 03/2003/QH-11 ngày 17/6/2003.
Để che dấu hành vi nêu trên, Ban Quản lý dự án đã thỏa thuận với MB Chi nhánh Thanh Hóa và Ocean Bank Chi nhánh Thanh Hóa để được nhận chênh lệch lãi suất bằng hình thức: Nhận bằng tiền mặt; Yêu cầu chuyển chênh lệch lãi suất vào tài khoản cá nhân; Chuyển tiền vào một tài khoản đứng tên Ban quản lý dự án nhưng không đưa vào hệ thống sổ sách để theo dõi, phản ánh theo quy định.
Sau khi được Petro Vietnam rà soát, phát hiện và yêu cầu hạch toán, nộp khoản tiền để ngoài sổ sách về Petro Vietnam, Ban quản lý Dự án và một số cá nhân đã chuyển tiền nộp về tài khoản của Petro Vietnam số tiền 8,6 tỷ đồng, trong đó cá nhân ông Nguyễn Khắc Hiệp - nguyên Trưởng ban Quản lý Dự án đã trực tiếp nộp vào tài khoản của Petro Vietnam là 4 tỷ đồng.
Ngoài ra, qua báo cáo kết quả rà soát đối chiếu của Petro Vietnam với MB cho thấy, Ban Quản lý Dự án đã không phản ánh trung thực số liệu phát sinh 1.626 tỷ đồng trên tài khoản 8401100999009 theo quy định.
"Hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán tại Ban quản lý Dự án Công trình Liên hợp Lọc hoá Dầu Nghi Sơn. Do thời điểm phát sinh những sai phạm này bắt đầu diễn ra từ năm 2010, thời gian kéo dài và liên quan đến các bên tham gia ký kết Hợp đồng, ký thỏa thuận cũng như nhận và sử dụng khoản chênh lệch lãi suất; nội dung này có thể còn tiềm ẩn những sai phạm ở phạm vi và mức độ rộng hơn, gắn với trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan", Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.
Do đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho Kiểm toán Nhà nước kết quả điều tra, xử lý.
Công văn trên cũng đã được gửi lên Chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển để báo cáo; đồng thời gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Bộ Công an; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
VnEconomy