Kiểm toán ngân sách Lai Châu: Lộ rõ loạt vấn đề tài chính tại 43 doanh nghiệp
Qua kiểm tra, đối chiếu việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN) của 43 doanh nghiệp và 2 đơn vị dự toán cho thấy chưa hạch toán, kê khai đủ doanh thu, chi phí và hạch toán một số khoản chi phí chưa đúng quy định, kê khai chưa đúng thuế...
- 08-12-2022Yêu cầu 5 địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư
- 08-12-2022Cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiến sâu vào chuỗi cung ứng
- 08-12-2022Hà Nội đặt mục tiêu GRDP tăng khoảng 7,0% năm 2023
Thu 2.000 tỷ đồng, chi 9.000 tỷ đồng
Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), kết quả kiểm toán ngân sách tại tỉnh Lai Châu cho thấy, trong năm 2021 tỉnh này đã có nhiều cố gắng trong quản lý, chỉ đạo điều hành, thu NSNN đạt 2.067 tỷ đồng, bằng 108% so với dự toán HĐND, 140,7% so với dự toán Trung ương giao.
Ngược lại, tổng số chi của tỉnh Lai Châu là 9.429 tỷ đồng, đạt 129,6% so với dự toán Trung ương giao và bằng 123,5% so với dự toán của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh Lai Châu chưa ưu tiên bố trí đủ vốn cho một số dự án quyết toán, một số dự án hoàn thành chờ quyết toán, một số dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2021.
“Việc phân bổ kế hoạch vốn đầu năm còn chưa sát với khả năng giải ngân thực tế tại một số dự án, dẫn đến cuối năm phải điều chỉnh giảm kế hoạch vốn so với kế hoạch đã giao đầu năm”, KTNN cho hay.
Cơ quan kiểm toán cũng phát hiện 14 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên (đã được cấp thẩm quyền phê duyệt) chưa được UBND tỉnh cho thuê đất, thu tiền thuê đất.
Đơn cử như Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Lai Châu chậm nộp hồ sơ, thủ tục miễn tiền thuê đất đối với diện tích hơn 3.915 m2, nhưng vẫn được Cục Thuế quyết định miễn tiền thuê đất cho cả thời gian đơn vị chậm nộp hồ sơ.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam chậm nộp hồ sơ đề nghị miễn tiền thuê đất với tổng diện tích đất hơn 5.044m2, tuy nhiên Cục Thuế tỉnh Lai Châu chưa thực hiện thu tiền thuê đất trong thời gian đơn vị chậm nộp hồ sơ hơn 5 tháng.
Qua kiểm tra, đối chiếu việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN của 43 doanh nghiệp và 2 đơn vị dự toán cho thấy, các đơn vị chưa hạch toán, kê khai đủ doanh thu, chi phí và hạch toán một số khoản chi phí chưa đúng quy định; kê khai chưa đúng thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào; kê khai thiếu thuế GTGT đầu ra; chưa loại trừ các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Vì vậy, KTNN kiến nghị tăng thuế GTGT phải nộp 166 triệu đồng; giảm thuế GTGT được khấu trừ 318 triệu đồng…
Đề nghị t hu hồi, giảm chi ngân sách hơn 260 tỷ đồng
Kết quả kiểm toán chi tiết các dự án đầu tư cho thấy, còn các hạn chế trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán, trong quản lý chi phí đầu tư dẫn đến sai khối lượng, sai chi phí khác; nghiệm thu sai khối lượng... Từ đó, KTNN xác định thu hồi, giảm thanh toán, giảm giá trị hợp đồng của 18 dự án tại 5 chủ đầu tư.
Ngoài ra, một số tồn tại trong công tác chuyển nguồn một số khoản kinh phí hết nhiệm vụ chi sang năm 2002; nguồn thực hiện cải cách tiền lương; việc quản lý, sử dụng quỹ bảo vệ và phát triển rừng; tình trạng xác định thuế, khoản phải nộp NSNN chưa đúng, chi sai quy định, thanh toán các khoản chi nhưng hồ sơ chưa đảm bảo theo quy định...cũng được KTNN chỉ rõ.
KTNN kiến nghị UBND tỉnh Lai Châu xử lý tài chính số tiền hơn 267 tỷ đồng , gồm tăng thu ngân sách 2,3 tỷ đồng, thu hồi, giảm chi ngân sách hơn 264 tỷ đồng. Tỉnh Lai Châu cần bố trí vốn xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với công tác lập, phân bổ và điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm, công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Bên cạnh đó, tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan tham mưu kịp thời soạn thảo, trình và ban hành Quyết định về hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm đảm bảo thời gian so với quy định. Đồng thời rút kinh nghiệm trong việc chậm hướng dẫn thu các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh; chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh trong việc cho thuê đất và thu tiền thuê đất theo quy định đối với 14 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên.
KTNN cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trong việc thực hiện phân bổ dự toán, bố trí dự phòng các huyện đảm bảo tỷ lệ; giảm trừ dự toán nguồn cải cách tiền lương khi thẩm định nguồn và nhu cầu thực hiện năm sau của các đơn vị; thực hiện chuyển nguồn ngân sách, hạch toán tạm ứng, thu hồi tạm ứng, kết dư theo quy định...
Tiền Phong