Kiểm toán Nhà nước: 11 tỉnh có vấn đề trong khai thác tài nguyên khoáng sản
Tài nguyên khoáng sản (TNKS) là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia.
- 29-03-2024Trình Thủ tướng điều chỉnh vay vốn dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội
- 29-03-2024'Thủ phủ vàng đen' biên giới phía Bắc hút vốn FDI gấp 4 lần cả vùng ĐBSCL
- 29-03-20242 tỷ USD trong 3 tháng: 'Báu vật' Việt Nam tăng mạnh, lập kỷ lục lịch sử về xuất khẩu
Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của TNKS đối với sự phát triển của đất nước, những năm qua, TNKS được lựa chọn là một trong những chủ đề kiểm toán trọng tâm của KTNN.
Trong năm 2022, KTNN đã tổ chức cuộc kiểm toán chuyên đề "Công tác quản lý nhà nước về TNKS giai đoạn 2017-2021" với phạm vi kiểm toán tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam và 28 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong chuyên đề này, phạm vi kiểm toán "Công tác quản lý nhà nước về TNKS giai đoạn 2017-2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh: Yên Bái, Thừa Thiên - Huế, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Bình Định, Bình Phước, Cao Bằng là một minh chứng tiêu biểu. Kết quả kiểm toán đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về TNKS giai đoạn 2017-2021.
Bất cập trong xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
KTNN chỉ ra hàng loạt vấn đề nổi cộm. Địa phương chậm triển khai thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; không công khai tên tổ chức, tên loại khoáng sản và vị trí khu vực đề nghị thăm dò khoáng sản trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản không thuộc quy hoạch, không phù hợp với quy hoạch.
Trong quản lý, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã theo dõi, tổng hợp không đầy đủ công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở các tỉnh. Tuy nhiên, KTNN cũng chỉ rõ, Quyết định số 1051/QĐ-BTNMT đã được Bộ TNMT ban hành ngày 27/5/2021 nhưng vẫn chưa có đủ căn cứ để xác định giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Quy hoạch và quản lý quy hoạch thiếu đồng bộ
Đánh giá về công tác quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn giai đoạn 2016-2020, KTNN cho biết, tỉnh Bắc Kạn không ban hành Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản theo quy định; các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Bình Định đã thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chưa phù hợp.
Tại tỉnh Yên Bái, tỉnh này quy hoạch thiếu nội dung "Đánh giá môi trường chiến lược theo từng giai đoạn". Trong khi đó, tỉnh Phú Thọ, Bình Định không thực hiện lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, không làm rõ các ý kiến, đề nghị của Bộ Xây dựng, Bộ TNMT trước khi ban hành Quyết định phê duyệt bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Thực tế khai thác không tuân thủ giấy phép được cấp
Đối với giấy phép do Bộ TNMT cấp, KTNN nêu rõ, còn đơn vị được cấp phép thăm dò không nộp, chậm nộp báo cáo định kỳ; có 71 giấy phép khai thác khoáng sản chậm nộp và 07 giấy phép khai thác khoáng sản không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản. Có 24 giấy phép không nộp và 58 giấy phép nộp chậm báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác.
Đồng thời, còn 16 đơn vị với 17 giấy phép có sản lượng khai thác vượt công suất khai thác, trong đó có 13 giấy phép có sản lượng khai thác vượt công suất khai thác trên 15%, cá biệt có 05 giấy phép mà sản lượng khai thác vượt công suất khai thác tới trên 100%.
Nhiều tỉnh chưa khoanh định và phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản
KTNN xác định, đến hết năm 2021, còn 6/11 địa phương được kiểm toán chưa thực hiện khoanh định và phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; 8 địa phương đã phê duyệt trước thời điểm Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực nhưng chưa làm thủ tục phê duyệt lại và nhiều địa phương chậm thực hiện công tác khoanh định và phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
Cùng với đó, liên quan đến việc khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định nhưng không còn phù hợp và tỉnh đã ban hành bổ sung 05 Quyết định khoanh định khu vực không đấu giá nhưng không thể hiện rõ các tiêu chí của khu vực không đấu giá.
Tại tỉnh Phú Thọ có tình trạng chậm tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và tham mưu phê duyệt đưa vào khu vực không đấu giá mỏ cát chưa đảm bảo quy định.
Trong khi đó, tỉnh Bình Định chưa tham mưu bổ sung điểm mỏ vào khu vực đấu giá, còn tại tỉnh Thừa Thiên - Huế lại có những bất cập trong tham mưu, phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản…
Nợ tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường hơn 100 tỷ đồng
Tại thời điểm 31/12/2021, các đơn vị tại nhiều địa phương còn nợ thuế Tài nguyên môi trường 98,52 tỷ đồng và phí Bảo vệ môi trường gần 56,67 tỷ đồng. Tổng số tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường do 10 tỉnh chưa nộp tính đến 31/12/2021 là gần 117,75 tỷ đồng. Nhưng trong đó chưa có trường hợp tổ chức, cá nhân nào bị xử phạt khi không thực hiện ký quỹ hoặc ký quỹ không đầy đủ kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Các cơ quan tham mưu chưa làm tròn trách nhiệm
KTNN cho biết, nhiều địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong quản lý TNKS, nhất là sự phối hợp giữa Cục Thuế và Sở TNMT tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Cao Bằng, Phú Thọ, Bình Định, Bình Phước, Hà Giang, Thái Bình.
Chính vì sự phối hợp thiếu chặt chẽ nên Tổng cục Địa chất và Khoáng sản không lập được báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản trên phạm vi cả nước theo đúng quy định.
Bảo đảm sự phù hợp giữa Luật Khoáng sản và Luật Đất đai
Kiến nghị chính sách quan trọng được KTNN phát hiện và chỉ ra qua cuộc kiểm toán này là những vướng mắc giữa Luật Đất đai năm 2013 và Luật Khoáng sản năm 2010.
Liên quan đến kiến nghị này, KTNN chỉ rõ, các dự án khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn… thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh cấp phép theo Luật Khoáng sản nhưng không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai, dẫn đến một số doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng.
Thậm chí, doanh nghiệp không thể giải phóng mặt bằng do không thỏa thuận được với chủ sử dụng đất, nhân dân không cho vào khai thác. Vì thế, KTNN kiến nghị Bộ TNMT cần tham mưu với Chính phủ sửa đổi một số nội dung để đảm bảo sự phù hợp trong quy định pháp luật liên quan đến trường hợp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản.