Kiểm toán nhà nước chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra
Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Đây là một tài liệu rất quan trọng của KTNN để đảm bảo khi kiểm toán viên phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, vi phạm pháp luật thì KTNN sẽ có quy trình kiểm toán riêng - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung thông tin.
- 02-07-2024Năm 2023, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu hơn 21 nghìn tỷ đồng
- 05-06-2024"Vụ việc SCB không thuộc phạm vi của Kiểm toán Nhà nước"
- 05-06-2024Kiểm toán nhà nước chủ động tham gia tối đa vào việc giám sát hoạt động ngân hàng
Chiều 02/7, tại Họp báo công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) năm 2022, phóng viên Báo Công an nhân dân đã đặt câu hỏi: Được biết, từ khi thành lập đến nay, KTNN đã thực hiện hàng nghìn cuộc kiểm toán, vậy trong số này có bao nhiêu cuộc được chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định. Ngoài ra, trong quá trình phối hợp với các cơ quan điều tra, KTNN có gặp khó khăn vướng mắc hay không?
Liên quan đến nội dung này, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh: Trước tiên, phải khẳng định rằng hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN tập trung chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, phát hiện ra sai phạm và kiến nghị xử lý tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước; cũng như kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách và chấn chỉnh trong công tác quản lý và sử dụng ngân sách, tài chính, tài sản công. Trong quá trình kiểm toán, khi phát hiện những vấn đề, vụ việc có dấu hiệu tội phạm, KTNN sẽ kiến nghị hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xem xét xử lý theo quy định.
Thời gian qua, KTNN đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra các cấp; 2 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp gần 2.000 hồ sơ, báo cáo kiểm toán cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan điều tra và các cơ quan khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Trong tổng số 40 vụ việc, đến nay, các cơ quan điều tra đã xử lý, giải quyết xong 35 vụ việc (14 vụ việc đã khởi tố, điều tra, xử lý; 21 vụ việc có ý kiến để điều tra, giám định) và một số cuộc khác cần có thời gian để tiếp tục điều tra, xác minh trong thời gian tới.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, trong quá trình phối hợp với các cơ quan điều tra xử lý các vụ việc mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật, KTNN luôn nhận được sự hỗ trợ rất tích cực, kịp thời của các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm tất cả các vụ việc không phải là việc đơn giản, nhiều vấn đề cần có thời gian để điều tra, xác minh. Vì vậy, trong thời gian tới, KTNN sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa và có các văn bản, quy chế phối hợp với các cơ quan - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết.
Ngày 16/5/2023, KTNN ban hành Quyết định số 07/2003/QĐ-KTNN quy định quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Quyết định có hiệu lực từ ngày 30/6/2023.
Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng quy định trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán, việc xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán; việc công khai báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Quy trình này được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Kiểm toán nhà nước, Hệ thống Chuẩn mực KTNN, Quy trình kiểm toán của KTNN và thực tiễn hoạt động kiểm toán.
Quy trình gồm 3 bước: Phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Việc ban hành Quy trình nhằm tăng cường phát hiện, xác minh, làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong quá trình kiểm toán để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật KTNN, Bộ luật Tố tụng hình sự và quy định pháp luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, bảo đảm tính thống nhất trong việc tổ chức thực hiện, quản lý hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN, Đoàn kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán. Đồng thời, đây là căn cứ để tổ chức thực hiện các bước công việc khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong quá trình thực hiện kiểm toán.
Báo Kiểm toán