MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên không đủ năng lực, uy tín

25-04-2022 - 17:24 PM | Xã hội

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng (Ảnh: TTXVN)

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng (Ảnh: TTXVN)

Kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ nhiệm vụ kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên không đủ năng lực, uy tín; việc miễn nhiệm, từ chức, trách nhiệm người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận đã để xảy ra tham nhũng, tiêu cực ở cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách.

Cấu kết, bao che diễn ra tinh vi, liên quan đến nhiều cấp

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Kết luận số 34 của Bộ Chính trị về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030.

Kết luận nêu rõ: Qua hơn 10 năm thực hiện Kết luận số 72 của Bộ Chính trị khoá X về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020 (gọi tắt là Chiến lược), nhận thức của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát được nâng lên. Tuy nhiên, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chiến lược ở một số nơi chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt; có nhiệm vụ, giải pháp chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa toàn diện, đồng bộ, hiệu quả thấp.

Trong khi đó, tình trạng tham nhũng, vi phạm pháp luật, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ còn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là có sự cấu kết, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất, rất tinh vi, phức tạp, nghiêm trọng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành...

Nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, Bộ Chính trị yêu cầu chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Mở rộng giám sát trên tất cả các địa bàn, lĩnh vực

Về nhiệm vụ và giải pháp, Bộ Chính trị yêu cầu cấp uỷ các cấp ban hành đầy đủ, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế... về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Cấp uỷ, nhất là người đứng đầu thường xuyên làm việc với uỷ ban kiểm tra để nắm tình hình, kết quả thực hiện, kịp thời chỉ đạo, định hướng công tác kiểm tra, giám sát của uỷ ban kiểm tra.

Cùng với đó, thực hiện kiểm tra, giám sát theo phương châm giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm; việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; kê khai tài sản, thu nhập,...

Tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, kịp thời ngăn chặn vi phạm trong ban hành văn bản pháp luật, lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ. Mở rộng giám sát trên tất cả các địa bàn, lĩnh vực; chú trọng vào những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, dư luận xã hội quan tâm; nâng cao tính chủ động để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa.

Xử lý kỷ luật nghiêm minh, triệt để

Kết luận của Bộ Chính trị cũng yêu cầu chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là kiểm tra dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, triệt để, đồng bộ các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm.

Kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên không đủ năng lực, uy tín; việc miễn nhiệm, từ chức, trách nhiệm người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận đã để xảy ra tham nhũng, tiêu cực ở cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách.

Bộ Chính trị yêu cầu Ủy ban kiểm tra cấp trên thường xuyên, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cấp uỷ, tổ chức đảng và uỷ ban kiểm tra cấp dưới trong công tác kiểm tra, giám sát, nhất là trong xử lý các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dễ xảy ra vi phạm, các vụ việc về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm"; kịp thời xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" ngay tại cơ sở, chi bộ.

Tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy định về cơ chế phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, việc thực thi quyền lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định các hành vi vi phạm, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; cơ chế về kiểm soát tài sản, thu nhập, quyền lực trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán…

Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra liêm khiết, công minh, chính trực, có bản lĩnh, dũng khí đấu tranh, gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, tận tuỵ, trách nhiệm. Ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, khung năng lực cán bộ làm công tác kiểm tra theo hướng chuyên nghiệp. Thực hiện luân chuyển cán bộ kiểm tra các cấp để đào tạo, rèn luyện cán bộ. Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác kiểm tra các cấp.

Theo Văn Kiên

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên