Kiểm tra khẩn tình trạng găm hàng xăng dầu trên toàn quốc
Ngày 29/8, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh có chỉ đạo khẩn lực lượng Quản lý thị trường 63 tỉnh, thành phố, đặc biệt là các Cục Quản lý thị trường khu vực miền Nam, tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng một số cây xăng tại khu vực phía Nam có biểu hiện găm hàng, không bán.
- 29-08-2022Ngư dân tất tả mang từng can mua dầu để ra khơi, cây xăng lắc đầu báo đứt hàng
- 29-08-2022Sau 5 lần giảm liên tiếp, giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh tới có thể tăng khoảng 2.000 đồng/lít
- 28-08-2022Xăng dầu: Lãi lớn im re, lỗ dọa nghỉ bán?
Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đội quản lý thị trường giám sát 24/24h, làm việc với các cây xăng cụ thể để không xảy ra tình trạng thiếu hàng và đóng cửa. Nếu xảy ra tình trạng hết hàng, hay đóng cửa, đề nghị xử lý ngay lập tức.
“Trường hợp do nhà cung cấp xăng dầu không giao, các cục quản lý thị trường phải làm việc với các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý… nếu phát hiện vi phạm xử lý trong thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền báo cáo về Tổng cục Quản lý thị trường hoặc Bộ Công Thương để xử lý”, ông Linh yêu cầu.
Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu tại các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nếu hết hàng, khi kiểm tra, giám sát phải “đo bồn” và đối chiếu hóa đơn mua bán hàng để xác định lượng hàng tồn kho. Nếu hết hàng do chủ quan của doanh nghiệp và các vi phạm khác phải xử lý nghiêm. Đảm bảo phải kiểm tra tất cả các vụ việc mà cửa hàng bán lẻ thiếu hàng, hết hàng, đóng cửa.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu đội quản lý thị trường địa bàn phải có trách nhiệm phát hiện sớm, phải biết cửa hàng nào đóng cửa trước khi người dân hay báo chí phản ánh. Tổng cục Quản lý thị trường sẽ xử nghiêm các đơn vị nếu buông lỏng quản lý địa bàn.
Bất ổn nguồn cung xăng dầu trong nước
Những ngày vừa qua, không ít đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở các tỉnh, thành phố, đặc biệt khu vực phía Nam cho biết dù chiết khấu bị giảm về mức 0 đồng/lít nhưng để mua được hàng về bán cũng là cả "chặng đường trần ai".
Về tình trạng nguồn cung xăng dầu trong nước đang có dấu hiệu bất ổn, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu cho biết, đại lý không có thù lao, bán hàng bị lỗ kép do phải gánh một phần lỗ của giá xăng dầu bán thấp hơn giá thành và phải tự chịu toàn bộ chi phí bán hàng nên dẫn đến tình trạng nguồn hàng cạn kiệt.
Đại diện doanh nghiệp này cũng khẳng định, tình trạng các đại lý bán lẻ không được nhận thù lao đại lý, đồng thời phải chi tiền ngoài (còn gọi âm thù lao đại lý) đang diễn ra trên thị trường. Thực tế, để có hàng bán, nhiều cửa hàng bán lẻ chấp nhận tình trạng thù lao 0 đồng/lít, và trả tiền ngoài cho thương nhân phân phối, doanh nghiệp đầu mối để được nhập hàng về bán.
Tại cuộc họp trực tuyến với Tổng cục Quản lý thị trường và các địa phương, đơn vị về bảo đảm nguồn cung xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau khi buộc phải tạm đình chỉ hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu của 7 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu thì lại xuất hiện những thông tin từ một số địa phương, thậm chí cả các cơ quan quản lý cho đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cho rằng bị thiếu hụt nguồn cung.
Theo ông Diên, từ tháng 4, Bộ Công Thương đã chủ động giao tăng thêm cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, những doanh nghiệp có khả năng nhập khẩu để cung ứng đầy đủ cho sự thiếu hụt của nguồn cung tại một số nhà máy lọc hóa dầu như Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, lượng tăng thêm lên tới 25%. Nếu thiếu nguồn cung, thì đây là hiện tượng không bình thường.
Tiền Phong