Kiến nghị chỉ thi Toán, Văn, Ngoại ngữ... bỏ hết các môn còn lại trong kỳ thi THPT Quốc gia và Thi vào lớp 10 năm 2020
Mới đây, Hiệu trưởng một trường tư tại Hà Nội đã quyết định gửi tâm thư tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để kiến nghị về việc giảm bớt môn thi tốt nghiệp, vào lớp 10 năm 2020.
- 13-03-2020Hoả tốc: Lùi kỳ thi THPT Quốc gia đến ngày 8-11/8/2020!
- 20-02-2020TP HCM chính thức kiến nghị Chính phủ dời kỳ thi THPT quốc gia, nghỉ học hết tháng 3
- 18-02-2020Sở GD-ĐT TP HCM kiến nghị nghỉ học hết tháng 3, dời kỳ thi THPT quốc gia đến cuối tháng 7
Căn cứ vào tình hình thực tế của dịch Covid-19 ngày 16/3, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội đã quyết định gửi tâm thư tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhằm kiến nghị Bộ trưởng Giáo dục, Chủ tịch Hà Nội bớt môn thi tốt nghiệp, vào lớp 10 cho học sinh.
Được biết đề xuất của thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội nhằm giảm bớt một số môn thi trong các kỳ thi nói trên, giảm áp lực cho giáo viên và học sinh cuối cấp, giúp người dân thêm tin tưởng, yên tâm, đồng lòng chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời giảm được đáng kể quy mô tổ chức các kỳ thi đó của Bộ và Thành phố.
Nội dung mà Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội gửi kiến nghị cụ thể như sau:
"Thứ nhất, về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020: Kính đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xem xét và quyết định chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Nội dung đề thi năm nay cũng cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Năm nay khi chưa xảy ra dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương không công bố đề minh hoạ kỳ thi quốc gia. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp khiến học sinh tiếp tục phải nghỉ học như hiện nay, Bộ cần cân nhắc, xây dựng và sớm ban hành đề minh hoạ các môn thi, giúp học sinh và các nhà trường có kênh tham khảo chính thức để ôn tập và yên tâm về định hướng ra đề trong năm học "đặc biệt" này.
Thứ hai, về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 của Hà Nội: Kính đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Đức Chung xem xét, sửa quyết định về kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020 – 2021. Theo đó, chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ môn thi thứ tư, là một trong các môn Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân (được chọn ngẫu nhiên vào cuối tháng 3)."
Cũng trong tâm thư, thầy Nguyễn Xuân Khang lý giải: "Đại dịch Covid-19 đã 100 ngày. Việt Nam đã rất thành công giai đoạn 1...và chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Tuy nhiên, đến ngày 6/3 ở Hà Nội xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên và là bệnh nhân thứ 17 của Việt Nam. Tiếp đó số bệnh nhân tăng lên từng ngày và xuất hiện thêm các nguồn lây mới. Tính đến ngày 15/3 Việt Nam có 57 bệnh nhân Covid-19, trong đó 16 người khỏi bệnh, còn 41 bệnh nhân đang được cách ly và điều trị… Việt Nam đã bước sang giai đoạn 2 phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phức tạp hơn và quyết liệt hơn!
Trước tình hình đó, đến ngày 15/3, tất cả các địa phương đều phải tiếp tục cho học sinh từ mầm non đến Trung học cơ sở nghỉ học, trong đó có những nơi đã cho học sinh đi học được một thời gian cũng phải thay đổi và tiếp tục đóng cửa trường. Gần 30 tỉnh/thành phố vẫn chưa thể cho học sinh trung học phổ thông đến trường, trong đó có các thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học và thời gian tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2020. Các trường đã phải dạy và học online hoặc qua truyền hình...Tuy nhiên, không phải địa phương, nhà trường, giáo viên, học sinh nào cũng có đủ điều kiện để dạy và học từ xa có hiệu quả.
Sau cuộc họp ngày 14/3, Văn phòng Chính phủ cũng đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong đó có nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo: "Giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập".
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói "chống dịch như chống giặc, chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ sức khoẻ nhân dân"! Không biết tình hình này tiếp diễn đến bao giờ? Dịch bệnh Covid-19 không những ảnh hưởng đến giáo dục mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác, làm đảo lộn cuộc sống hàng triệu người".
Mới đây, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) còn gây bão khi trả 100% tiền lương cho giáo viên mùa dịch Covid-19, theo đó nhà trường nhận chi trả đầy đủ tất cả lương của giáo viên trong 2 tháng nghỉ dịch. Thầy Nguyễn Xuân Khang nhắn nhủ mọi người nhớ hạn chế tiêu xài để cầm cự trong lúc khó khăn đồng thời nhớ giữ gìn sức khỏe. Bên cạnh đó, thầy cũng mong các thầy cô tiếp tục giảng dạy và động viên học trò học tập từ xa theo các hình thức học trực tuyến.
Trí Thức Trẻ