Kiến nghị cho phép xuất khẩu khẩu trang y tế không cần xin phép từ 16-5
Kiến nghị trên được Bộ Tài chính gửi Thủ tướng trong văn bản số 4399 về mua sắm khẩu trang, vật tư phòng dịch Covid-19.
- 23-04-2020Hết thời chen lấn, khẩu trang và nước rửa tay giảm giá chất đầy kệ
- 22-04-2020Đề nghị phạt 100 triệu đồng cơ sở không đủ điều kiện vẫn sản xuất 50.000 khẩu trang y tế
- 21-04-2020Thâm nhập 'ma trận' khẩu trang: Kiếm bạc tỷ mỗi tháng
Cụ thể, Bộ Tài chính dẫn lại khoản 1 Nghị quyết số 20 ngày 28-2-2020 của Chính phủ về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 như sau: "Bộ Y tế áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 và chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ thực hiện (tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu, 75% sản lượng dành cho công tác phòng, chống dịch trong nước. Không áp dụng quy định trên đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và doanh nghiệp gia công khẩu trang y tế cho thương nhân nước ngoài đã ký hợp đồng gia công trước 1-3".
Một mặt hàng khẩu trang được người tiêu dùng săn tìm trong đợt cao điểm dịch Covid-19
Căn cứ tình hình thực tế, Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi quy định trên thành: "Bộ Y tế áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 sau khi bảo đảm ký hợp đồng mua đủ số lượng vật tư y tế, khẩu trang y tế theo phê duyệt của Thủ tướng để thực hiện nhiệm vụ chống dịch nhưng không chậm quá 15-5. Từ ngày 16-5, bỏ việc quản lý xuất khẩu khẩu trang y tế bằng việc cấp giấy phép".
Bộ Tài chính cho biết đề xuất trên căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 hiện nay, căn cứ vào kết quả Bộ Y tế đã thực hiện và khả năng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Theo đó, doanh nghiệp trong nước đã cơ bản chủ động được nguyên vật liệu để sản xuất được trên 7 triệu chiếc khẩu trang y tế mỗi ngày và trên 6 triệu chiếc/ngày với khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã được Chính phủ giao chủ trì, thực hiện hiệp thương giá theo quy định khi mua sắm khẩu trang y tế và các vật tư, thiết bị phòng chống dịch được sản xuất trong nước. Bộ Y tế có trách nhiệm cung cấp danh mục các mặt hàng hiệp thương giá.
Bộ Y tế đã mua sắm theo hình thức chỉ định thầu và đã ký hợp đồng mua 46,15 triệu chiếc khẩu trang y tế, 268.000 khẩu trang N95, 234.300 bộ trang phục phòng chống dịch cấp độ 1-2… Trong đó, nhiều sản phẩm đã được cấp cho các đơn vị sử dụng, phần còn lại giao theo tiến độ đến 30-5.
Theo thông báo 155 ngày 15-4 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đồng ý xuất khẩu khẩu trang y tế, trang phục phòng hộ, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch theo nguyên tắc bảo đảm đủ nhu cầu trong nước (kể cả dự trữ) và chỉ xuất khẩu cho các nước bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh. Hai Bộ Y tế, Công thương và các cơ quan liên quan được chỉ đạo phải xử lý nhanh việc này, không để lỡ thời cơ. Bộ Y tế khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 20 ngày 28-2-2020 để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nêu trên.
Thống kê của Bộ Công thương, hiện có 20 doanh nghiệp dệt may đang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn. Nhiều doanh nghiệp đã đề xuất nhà nước hỗ trợ tìm đơn hàng xuất khẩu khẩu trang.
Người lao động