MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiến nghị giảm 4% tỷ lệ đóng của người lao động và người sử dụng lao động vào Quỹ BHXH

13 tổ chức Hội, Hiệp hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong các ngành hàng chủ lực của Việt Nam có sử dụng nhiều lao động vừa gửi ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và có những kiến nghị sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Sau khi nghiên cứu và tổng hợp ý kiến của các thành viên, các Hội, Hiệp hội đã góp ý cụ thể về tỷ lệ đóng bảo hiểm và tốc độ đóng bảo hiểm.

Hiện nay, Dự thảo Luật quy định tỷ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc gồm BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với người lao động và người sử dụng lao động có hợp đồng lao động vẫn giữ như Luật BHXH 2014.

Nghĩa là người lao động đóng 10,5% (8% BHXH, 1,5% BHYT và 1% BHTN) và người sử dụng lao động đóng 21,5% (17,5% BHXH, 3% BHYT và 1% BHTN). Như vậy, tỷ lệ đóng của cả người lao động và người sử dụng lao động là 32%.

“Tỷ lệ đóng này là rất cao” - các Hội, Hiệp hội nhấn mạnh và phân tích, theo tính toán, tổng mức đóng vào quỹ BHXH của cả người lao động và người sử dụng lao động dựa trên tỷ lệ đóng (từ 23% năm 2007, 25% năm 2009 do đóng thêm 1% BHTN của người lao động và người sử dụng lao động, tăng lên 32% năm 2017 đến nay) và mức lương tối thiểu vùng (tăng hàng năm từ năm 2007 đến năm 2022, trừ năm 2021 không tăng do Covid-19) thì mức đóng năm 2022 đã cao hơn gần 10 lần so với năm 2007.

So trong khu vực và thế giới, tỷ lệ đóng BHXH của người sử dụng lao động ở Việt Nam đang cao hơn rất nhiều nước, cụ thể Malaysia đóng 16,5%, Ấn Độ 15,25%, Indonesia 10,26%, Campuchia 6,1%, Thái Lan 5%, Myanmar 2%, Bangladesh 0%...; hầu hết các nước này đều đóng BHXH trên nền đóng giống Việt Nam. Và tại Thái Lan, nguồn quỹ BHXH không chỉ từ người lao động và người sử dụng lao động mà Chính phủ cũng đóng góp thêm.

Do đó, các Hội, Hiệp hội đề nghị, đối với tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc của người lao động và người sử dụng lao động đưa về mức đóng năm 2009, tức là người lao động đóng 5% và người sử dụng lao động đóng 15%, tổng cộng 20%, chứ không phải 25,5% hiện nay.

Kiến nghị giảm 4% tỷ lệ đóng của người lao động và người sử dụng lao động vào Quỹ BHXH - Ảnh 1.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng có những góp ý cụ thể về quy định tỷ lệ đóng vào Quỹ BHXH của người lao động và người sử dụng lao động. Ảnh minh họa: vneconomy

Đối với tỷ lệ đóng BHTN, hiện tại, Quỹ BHTN đã kết dư quá nhiều. Trong khi mục đích của Quỹ BHTN nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động và khi đã kết dư quá nhiều thì cần phải giảm mức đóng để điều chỉnh quỹ về mức cân bằng.

Do đó, các Hội, Hiệp hội đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào Quỹ BHTN của người lao động còn 0,5% và của người sử dụng lao động còn 0,5%, cũng như có lộ trình giảm tiếp theo cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Đối với tỷ lệ đóng vào Quỹ BHTN, người lao động đóng 1% và người sử dụng lao động đóng 2%. Như vậy, tỷ lệ đóng của người lao động sẽ là 6,5%, bao gồm 5% BHXH, 1% BHYT và 0,5% BHTN (giảm 4% so với hiện nay). Còn tỷ lệ đóng của người sử dụng lao động là 17,5%, gồm 15% BHXH, 2% BHYT và 0,5% BHTN (giảm 4% so với hiện nay).

Theo lý giải của các Hội, Hiệp hội, tỷ lệ đóng bảo hiểm của người sử dụng lao động và người lao động tại Việt Nam là quá cao so với các nước khác nhưng người lao động tại các nước này vẫn đảm bảo chi tiêu cuộc sống khi về hưu. Trên thực tế, tại thời điểm đóng vào quỹ thì giá trị tiền người sử dụng lao động và người lao động tại Việt Nam đóng không hề thấp.

Vì vậy, cần phải xem xét tổng thể việc quản lý một cách hiệu quả Quỹ BHXH, cũng như cách tính trượt giá nói riêng và nền kinh tế vĩ mô nói chung để tuy giảm tỷ lệ đóng BHXH nhưng vẫn đảm bảo lương hưu thực tế của người lao động đáp ứng được nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống…

Cùng với những kiến nghị nêu trên, các Hội, Hiệp hội cũng có những góp ý cụ thể đối với quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH và mức hưởng các chế độ thai sản, lương hưu, tử tuất…/.

Theo Phúc Khang

Báo kiểm toán

Trở lên trên