Kiến nghị không tái xuất lúa mì nhiễm cỏ kế đồng
Ngày 20- 3, tại cuộc họp "liên lạc về thực phẩm" do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tổ chức ở TP HCM với sự tham gia của đại diện các cơ quan nhà nước Việt Nam nhằm trao đổi ý kiến, giải đáp các vướng mắc mà các doanh nghiệp (DN) Nhật đang đầu tư tại Việt Nam gặp phải, vấn đề tái xuất lô hàng lúa mì nhiễm cỏ kế đồng lại được nhắc tới.
Theo đó, phía DN Nhật đề nghị không tái xuất vì cỏ kế đồng lẫn trong lúa mì là chuyện bình thường, nếu áp dụng quy định trên, lúa mì nhập khẩu vào Việt Nam sẽ giảm, có thể dẫn đến tăng giá bột mì trong nước, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp thực phẩm và người tiêu dùng Việt Nam. Ngoài ra, loài cỏ trên không có độc tính, không phá hoại sinh thái và ở Nhật cũng không cấm loại cỏ này, thậm chí có thể nhập khẩu các mặt hàng có trộn lẫn chúng.
Ông Đặng Văn Hoàng, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết công văn về việc tái xuất lô lúa mì nhiễm cỏ kế đồng chỉ là văn bản thông báo, không điều chỉnh quy định của pháp luật đã có. Theo ông Hoàng, vừa qua, cục đã làm việc với cơ quan đồng cấp các nước Mỹ, Nga, Canada (nước có lô lúa mì nhiễm cỏ kế đồng nhập vào Việt Nam) để bàn biện pháp tăng cường kiểm soát tại nguồn xuất khẩu để bảo đảm tuân thủ quy định của Việt Nam. Thời gian qua, theo dõi nhập khẩu lúa mì cho thấy cải thiện rõ rệt, không còn phát hiện nhiễm cỏ như trước. Một số nguồn nhập chưa từng phát hiện vi phạm như Úc, Nam Mỹ,…
"Chúng tôi chia sẻ khó khăn với DN khi thay đổi nguồn hàng nhưng cỏ kế đồng có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Việt Nam, nếu xâm nhập có thể làm tăng chi phí sản xuất, chi phí phòng trừ cỏ gây ảnh hưởng đến sản xuất" - ông Hoàng nhấn mạnh.
Lúa mì nhập khẩu tại kho của doanh nghiệp ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Trước đó, vào tháng 10-2018, cộng đồng DN thực phẩm bức xúc vì Cục Bảo vệ thực vật áp dụng quy định buộc tái xuất các lô lúa mì nhiễm cỏ kế đồng từ tháng 11-2018. Sau kiến nghị của cộng đồng DN, cơ quan này đã hoãn áp dụng biện pháp tái xuất trong thời gian đàm phán với các nước xuất khẩu lúa mì nhiễm cỏ kế đồng.
Tại cuộc họp, các DN Nhật cũng lo lắng về tình trạng kết quả phân tích thực phẩm từ các phòng kiểm nghiệm, dù đã được nhà nước chỉ định nhưng không giống nhau và các phòng kiểm nghiệm này cũng không chịu trách nhiệm pháp lý về kết quả. Ông Nguyễn Mạnh Thắng (Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương) cho biết việc sai khác kết quả do nhiều nguyên nhân như cách lấy mẫu, bảo quản, phương pháp thử, trình độ tay nghề… và Luật An toàn thực phẩm đã có quy định về phòng kiểm nghiệm đối chứng, trọng tài trong trường hợp này. Phía Bộ Công Thương yêu cầu nêu trường hợp cụ thể (có thể không cung cấp tên DN) mới trả lời chính xác, nếu không chỉ có thể trả lời theo kiểu "giả định".
Người lao động