Kiến nghị lùi áp dụng tính lương hưu mới với nữ
Ngày 3/11, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Bùi Văn Cường đã có văn bản gửi các ủy ban của Quốc hội kiến nghị xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014.
- 04-11-2017Lương hưu hơn 100 triệu đồng: Có nên kiểm soát mức đóng BHXH?
- 03-11-2017Nông dân có mức lương hưu thấp nhất Việt Nam: 350.000 đồng/tháng
- 03-11-2017Cựu TGĐ Nhà máy bia Huda Huế nhận lương hưu 'khủng' bậc nhất Việt Nam
Theo Luật BHXH 2014, từ năm 2018, lao động nữ phải đóng BHXH 30 năm mới được hưởng lương hưu mức 75% lương tính đóng bảo hiểm (tăng 5 năm so với hiện hành).
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, thời gian qua công đoàn nhận được nhiều ý kiến của người lao động, phản ánh sự bất hợp lý của quy định mức lương hưu hằng tháng đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018.
Luật BHXH 2014 đã sửa đổi cách tính lương hưu của cả nam và nữ theo hướng nâng thời gian tham gia BHXH của người lao động để được hưởng lương hưu tối đa 75% (nam từ 30 năm lên 35 năm, nữ từ 25 năm lên 30 năm). Trong khi quy định này với nữ sẽ áp dụng ngay từ năm 2018, thì nam sẽ có lộ trình tăng dần tới năm 2022.
Đối với lao động nam, mức lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với số năm đóng BHXH của lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm tham gia BHXH được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Đối với lao động nữ, mức lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm tham gia BHXH được tính thêm 2% (thay vì tính 3% như hiện hành) mức tối đa bằng 75%.
Do quy định cách tính lương hưu của lao động nữ thay đổi "nhảy vọt" ngay trong năm 2018, dẫn đến một số lao động nữ có dưới 30 năm đóng BHXH nghỉ hưu năm 2018 sẽ có tỉ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (mức hụt cao nhất lên đến 10% tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH), ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của lao động nữ.
Để khắc phục những tồn tại, bất cập trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội xem xét: Ngay trong kỳ họp này có Nghị quyết tạm dừng thực hiện khoản 2, điều 56 và khoản 2 điều 74 Luật BHXH 2014.
Đồng thời, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi theo hướng có lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu cho lao động nữ, đảm bảo cân bằng quyền lợi của lao động nam và lao động nữ trong thụ hưởng chính sách BHXH.
Ở một diễn biến khác, Bộ LĐ-TB&XH cũng vừa có báo cáo Thủ tướng về quy định trên, và có đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho tạm dừng áp dụng quy định trên. Đồng thời nghiên cứu đề xuất giải pháp sửa đổi quy định cho hợp lý hơn.
Theo số liệu dự báo của BHXH Việt Nam, dự kiến năm 2018 có khoảng 50.000 lao động nữ nghỉ hưu, trong đó có trên 21.000 người có thời gian đóng BHXH dưới 30 năm (tương ứng với 43% tổng số lao động nữ nghỉ hưu) sẽ có tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn so với những người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 từ 4% - 10%.
Tiền phong