Kiến nghị sửa Luật của Vinachem: Đặc quyền của DNNN hay có "ẩn tình" phía sau?
Chính phủ, trong nhiều thông điệp phát đi, đã nhấn mạnh quan điểm DNNN phải hướng đến thị trường, phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam (Vinachem) xin sửa Luật thuế là một vấn đề được đặt ra tại toạ đảm "Nâng hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức sáng 18/9.
Cụ thể, đơn vị này vừa qua đã xin được áp thuế cao hơn đối với phân đạm nhập khẩu. Mục đích của đề xuất này nhằm giúp giá thành phân đạm của Vinachem sản xuất cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.
Đề xuất của Vinachem đặt ra câu chuyện liệu có đang đi ngược với nguyên tắc mà nhà quản lý đã xác định, là đặt DNNN trong cạnh tranh, hoạt động theo thị trường và xa hơn là nguyên tắc xử lý 12 dự án đắp chiếu?
Trả lời vấn đề này, ông Phùng Văn Hùng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng mọi ý kiến của doanh nghiệp đều được hoan nghênh. Kiến nghị của Vinachem nhằm sửa đổi Luật 71 do Quốc hội khoá 13 ban hành.
Luật này quy định đưa phân bón vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, tạo điều kiện giá phân bón giảm, tạo điều kiện cho người nông dân có được nguyên liệu đầu vào với giá cả hợp lý. Tuy nhiên, ông Hùng nhận xét, có thể trong quá trình triển khai, doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong quá trình cạnh tranh, vì vậy, Chính phủ cũng nên xem xét.
"Nhiều chính sách sau khi ban hành cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế", ông Hùng nói và cho biết kiến nghị như Vinachem là cần thiết.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nói rằng kiến nghị trên không chỉ là của Vinachem mà còn của nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
"Nếu cắt nghĩa là đề xuất của Tập đoàn thì không công bằng, Hiệp hội phân bón cũng lên tiếng".
Do vậy, ông đồng tình với ông Hùng khi cho biết cần rà soát. "Nếu tăng thuế đem lại lợi ích cao hơn cho doanh nghiệp thì cần xem xét để ủng hộ", ông nói.
Vinachem theo ông Tiến đang sở hữu "4 cục nợ" thua lỗ. Do đó, quan điểm đối với doanh nghiệp này là khi sắp xếp phải tuân theo cơ chế thị trường.
"Thuế chỉ là một biện pháp chung. Luật quy định rồi thì phải bình đẳng theo luật", ông Tiến nói và cho biết đề xuất áp thuế của Vinachem không phải là biện pháp căn cơ. Doanh nghiệp, muốn thoát khỏi tình cảnh ngặt nghèo cần phải "soi lại mình".
12 dự án thua lỗ của ngành Công thương như thế nào?
Nói thêm về 12 dự án của ngành công thương, ông Tiến cho biết quá trình khắc phục đang được cơ cấu theo nhiều hướng khác nhau. Tuy nhiên, khó khăn là điều không tránh khỏi, đặc biệt khi thời gian càng kéu dài, càng nhiều vấn đề phát sinh.
Nhiều dự án có thể phải phá sản do không khôi phục được. Dù vậy, đại diện Bộ Tài chính cho rằng phá sản cũng có thể được hiểu là cách làm đầy tích cực vì nếu giữ lại những dự án không hiệu quả thì cũng không hề tốt cho nền kinh tế.
Trong câu chuyện xử lý các dự án thua lỗ, vướng mắc pháp lý như quyền sử dụng đất, mối quan hệ với tổng thầu EPC…cũng được nhắc đến.
Với vấn đề này, ông Phùng Văn Hùng nhấn mạnh cần phải giải quyết các khúc mắc pháp lý trước tiên. Bởi đây là điểm gút cản trở việc cổ phần hoá hay bán doanh nghiệp. "Không một nhà đầu tư nào muốn tham gia dự án gặp rắc rối về pháp lý", ông Hùng cho biết.
Ngoài ra, để những DNNN đang lỗ hay đang hoạt động không hiệu quả có sự cải thiện, các chuyên gia đều nhấn mạnh đến việc thay đổi tư duy. Nghĩa là không ỷ lại, dựa vào Nhà nước, cần hướng đến thị trường và minh bạch thông tin.