MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiên quyết, kiên trì là chìa khóa phòng chống tham nhũng

06-02-2023 - 08:13 AM | Xã hội

Là người tham dự, phát biểu tại Lễ ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nói rằng: Chính sự kiên quyết, kiên trì, nhất quán của Tổng Bí thư đã giúp cho cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” không lâm vào cảnh “đánh trống bỏ dùi”, “không còn vùng cấm”, “không còn ngoại lệ”.

Kiên quyết, kiên trì là chìa khóa phòng chống tham nhũng - Ảnh 1.

Không để xu thế bị đảo ngược

Tại Lễ ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về PCTN, tiêu cực, ông có nhận xét rằng “việc xử lý giờ đây mới thực sự không còn vùng cấm”. Vậy theo ông, điều gì đã tạo ra hiệu quả trên?

Theo tôi, đó là sự kiên quyết và kiên trì. Vì thế, tôi rất tâm đắc với chữ kiên quyết và kiên trì đấu tranh PCTN, tiêu cực được lấy làm chủ đề cuốn sách của Tổng Bí thư. Nó thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán của Tổng Bí thư trong đấu tranh PCTN, tiêu cực.

Đấu tranh PCTN, tiêu cực là cuộc đấu tranh vô cùng gay go và phức tạp. Vì kẻ thù là ở trong mỗi con người, là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Cho nên để ngăn chặn, từng bước hạn chế được tham nhũng, tiêu cực, đòi hỏi phải có sự kiên trì, quyết tâm lớn, chứ hô hào, “đánh trống bỏ dùi” thì sẽ không bao giờ tạo được sự chuyển biến. Thực tế trước đây, chúng ta đã nhiều lần triển khai các giải pháp mạnh mẽ về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, trong đó có PCTN nói riêng. Tuy nhiên, do thiếu sự kiên quyết, kiên trì, không duy trì được tính thường xuyên, liên tục, dẫn đến tham nhũng nghiêm trọng, đe dọa sự tồn vong của chế độ, gây bức xúc trong nhân dân.

Kiên quyết, kiên trì là chìa khóa phòng chống tham nhũng - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 23 Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN, tiêu cực. Ảnh: TTXVN

Giai đoạn mới thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN (nay là Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN, tiêu cực) được ví như là khởi động, “nhóm lò”, cảnh tỉnh, răn đe, giáo dục, chứ chưa thể xử lý theo tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” ngay được. Sau Đại hội XI, không ít ý kiến băn khoăn về tính hiệu quả, có người còn đặt vấn đề: “Một bộ phận không nhỏ” đang ở đâu, sao không thấy Đảng chỉ ra? Tuy nhiên, từ sau Đại hội XII, với sự kiên quyết, kiên trì, nhất quán của Đảng, mà đứng đầu là Tổng Bí thư, công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực đã được đẩy lên ở mức cao hơn; không chỉ kiên quyết, kiên trì mà “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Trong một số cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những thông điệp hết sức mạnh mẽ như “lò nóng lên rồi, củi khô, củi tươi cũng cháy”, hay “ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Những thông điệp mạnh mẽ đó đã “tiếp lửa” vào cả hệ thống chính trị. Để rồi chúng ta thấy, không chỉ ủy viên Trung ương Đảng mà ngay cả ủy viên Bộ Chính trị cũng bị xử lý, kỷ luật, thậm chí có người còn bị xử lý hình sự…

Tất cả kết quả đó đều bắt nguồn từ sự kiên quyết, kiên trì của Đảng, của Tổng Bí thư. Thử hỏi, nếu sau Đại hội XI của Đảng, nếu chúng ta không kiên quyết, kiên trì thì cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực sẽ ra sao? Liệu cuộc đấu tranh có bị ngắt quãng, có còn “vùng cấm”?

Trách nhiệm chính trị

Không chỉ “không còn vùng cấm”, đến nay, bước đầu còn tạo ra một nhận thức mới về trách nhiệm chính trị, biểu hiện qua việc từ chức của một số cán bộ cấp cao. Ông bình luận thế nào về bước tiến đột phá này?

Đây là một bước tiến rất lớn mà ít ai có thể hình dung ra được. Thành thử vừa qua, khi một số lãnh đạo cấp cao xin thôi chức, trong đó có Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, rất nhiều đồng chí lão thành cách mạng gọi điện cho tôi bày tỏ sự đồng tình, đánh giá cao về tính hiệu quả trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và đấu tranh PCTN, tiêu cực nói riêng. Điều này một lần nữa cho thấy, sự kiên quyết, kiên trì mà Tổng Bí thư nêu ra đã thực sự phát huy được hiệu quả. Phải nói thêm rằng, trước Đại hội XIII của Đảng, không ít ý kiến lo ngại rằng: Liệu đấu tranh PCTN, tiêu cực trong giai đoạn tới có giữ được xu thế không, hay lại ngắt quãng, có khi đâu lại vào đấy như trước. Nay rõ ràng cho thấy, với sự đứng đầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, đấu tranh PCTN, tiêu cực nói riêng đã phát huy được tính hiệu quả ở tầm rất cao; “tắm rửa” đã thực sự “tắm” từ trên đầu “tắm” xuống. Là người đứng đầu, anh làm không đến nơi đến chốn, thiếu hiệu quả, để nhiều cán bộ dưới quyền vi phạm, bị xử lý kỷ luật thì anh cũng phải chịu trách nhiệm.

Mặc dù PCTN đạt được nhiều kết quả quan trọng, song nguy cơ tham nhũng vẫn rất lớn. Vậy theo ông, cần có giải pháp gì để cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực ngày càng hiệu quả?

Trong những phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây, tôi rất tâm đắc với khẩu hiệu: “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Vụ Việt Á cho thấy, tham nhũng vẫn diễn ra rất phức tạp cả về quy mô và số lượng. Do đó, điều quan trọng là phải có sự thống nhất trong Đảng, trong nhân dân; sự đồng lòng từ trên xuống dưới. Đây là những định hướng lớn để tạo ra sự thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta khỏi đi chệch hướng trong cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực.

Sẽ tạo ra cao trào cách mạng mới

Cuốn sách của Tổng Bí thư được ví như là cẩm nang về đấu tranh PCTN, tiêu cực. Nếu thực hiện tốt những điều mà Tổng Bí thư đã nêu ra thì cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” sẽ phát huy hơn nữa tính hiệu quả, thưa ông?

Nếu thực hiện được tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, sẽ tạo ra một cao trào cách mạng của dân tộc ta không chỉ trong PCTN, tiêu cực mà còn trong thực hiện Nghị quyết ĐH XIII của Đảng. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, nhất là trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên, nếu như chúng ta tiếp tục duy trì được sự quyết tâm, kiên định, thực hiện một cách bài bản thì hoàn toàn có thể đạt được.

Qua cuốn sách của Tổng Bí thư, mỗi cán bộ, đảng viên cần rèn luyện, phấn đấu không ngừng, giữ vững bản chất người cộng sản đích thực. Có thể nói, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người kiên định, dù môi trường có thể khác nhau, trải qua chức vụ này, chức vụ khác nhưng tinh thần kiên quyết, kiên trì đấu tranh với PCTN, tiêu cực trong đồng chí là không hề thay đổi. Quan điểm của Tổng Bí thư xuyên suốt, nhất quán, từ khi vào Đảng cho đến khi đảm nhận chức vụ Tổng Bí thư.

Trong bài phát biểu khi nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư cũng đã nói “nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng, ra sức tu dưỡng, rèn luyện; cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xứng đáng là một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Cảm ơn ông.

Sự gương mẫu của vợ, chồng, con là tiêu chí để lấy phiếu tín nhiệm

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Quy định 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Quy định nêu rõ, hai tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu). Trong đó có xét đến khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ngoài ra, việc lấy phiếu tín nhiệm còn xem xét đến tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Văn Kiên

Theo Văn Kiên - Trường Phong

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên