MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiềng ba chân trong chiến lược phát triển bền vững của Sacombank

05-06-2023 - 10:27 AM | Tài chính - ngân hàng

Kiềng ba chân trong chiến lược phát triển bền vững của Sacombank

Sacombank kiên trì theo đuổi chiến lược đồng hành cùng kinh tế địa phương, tiên phong chuyển đổi số, đồng thời coi nhân sự là tài sản lớn suốt 31 năm hoạt động.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2022 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) diễn ra cuối tháng 4 với mục tiêu tăng 50% lợi nhuận trước thuế so với năm 2022, tức đạt 9.500 tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động 574.600 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Tăng trưởng tín dụng mục tiêu đạt 12%, tương đương dư nợ tín dụng đạt 491.600 tỷ đồng.

Hơn ba thập kỷ qua, sự lớn mạnh của Sacombank không chỉ nằm ở câu chuyện hợp nhất thành công về mặt tài chính từ bốn tổ chức tín dụng mà còn là kết quả của sự hợp lực, xích lại gần nhau của nhiều con người có cùng tầm nhìn, chí hướng. Đây cũng là một trong số ít ngân hàng thương mại thời kỳ đầu, xây dựng thành công theo mô hình mới, có những đóng góp tiên phong ở nhiều lĩnh vực cho ngành tài chính ngân hàng Việt Nam.

Hỗ trợ nền kinh tế địa phương 

Sacombank thành lập ngày 21/12/1991 với số vốn điều lệ ba tỷ đồng, chỉ hoạt động ở vùng ven. Sau năm 1992, ngân hàng lần lượt tăng vốn điều lệ, dời trụ sở chính về số 600 Nguyễn Chí Thanh, quận 11, TP HCM. Đến nay, trụ sở đặt tại 266-268, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP HCM. Quyết định Bắc tiến chỉ sau gần 2 năm thành lập, ngày 2/3/1993, chi nhánh Sacombank tại Hà Nội khai trương, góp phần khai thông giao dịch Nam - Bắc, làm đầu cầu cho chiến lược mở rộng mạng lưới tại miền Bắc cũng như các thị trường ở nhiều địa phương trên toàn quốc.

Cùng với việc mở rộng mạng lưới, Sacombank xác định: nông thôn là thị trường còn bỏ ngỏ, cần được khai thác. Theo ban lãnh đạo ngân hàng, đô thị có thể rất sôi động và cho lợi nhuận nhanh, tập trung, nhưng nông thôn mới là thị trường lớn của Việt Nam. Khi làm chủ được thị trường nông thôn một cách vững chắc, sức sống của doanh nghiệp sẽ bền vững.

Ở thời điểm bấy giờ, hầu hết các dịch vụ ngân hàng đều tập trung ở những đô thị lớn trong khi doanh nghiệp, người dân ở nông thôn cũng có nhu cầu vay vốn, giao dịch. Việc phát triển các dịch vụ ở khu vực này là cần thiết, không chỉ mang lại lợi ích cho ngân hàng mà còn tham gia hỗ trợ phát triển kinh tế đồng đều ở các vùng miền.

Tính đến hết năm 2022, ngân hàng có 566 điểm giao dịch tại 52 tỉnh thành ở Việt Nam, và hai nước Lào và Campuchia. Nhà băng này cũng đã bao phủ tại khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, hướng tới mục tiêu trở thành một ngân hàng đa năng, cung cấp các giải pháp tài chính từ truyền thống đến hiện đại.

Kiềng ba chân trong chiến lược phát triển bền vững của Sacombank - Ảnh 1.

Theo ban lãnh đạo ngân hàng, việc hiện diện ở nhiều vùng, địa phương giúp ngân hàng tăng khả năng tiếp cận với người dân. Bên cạnh đó, là những chính sách riêng phù hợp với từng vùng, tận dụng những lợi thế sẵn có để thúc đẩy nền kinh tế khu vực.

Tại Đông Nam Bộ, dân trí phần lớn là nông dân với nghề nông sản, việc phát triển đẩy mạnh cho vay phân tán với lãi suất chuyên nghiệp tại thời điểm đầu được chú trọng. Trong khi đó, tại Tây Nam Bộ, ngân hàng kích hoạt chiến lược “Lấy nông thôn bao vây thành thị, làm nền tảng phát triển quy mô và thị phần”, đưa các sản phẩm về nông thôn. Tại miền Bắc, Sacombank tăng cường quảng bá các sản phẩm tiết kiệm đi kèm khuyến mãi, quà tặng phù hợp thị hiếu để thu hút khách hàng.

Định vị là doanh nghiệp hoạt động vì cộng đồng, Sacombank còn đồng hành cùng khách hàng thông qua nhiều chương trình. Năm 2021, ngân hàng dành gần 3.000 tỷ lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất, miễn giảm phí, miễn giảm lãi vay… và ủng hộ phòng, chống dịch. Song song đó, ngân hàng cũng ưu tiên hỗ trợ tín dụng xanh, góp phần vào sự phát triển bền vững chung của nền kinh tế, nổi bật là việc triển khai quy trình thẩm định tác động môi trường và xã hội thông qua chính sách môi trường và xã hội kết hợp với hệ thống quản lý môi trường và xã hội (ESMS).

Các hoạt động xã hội, thiện nguyện cũng là một phần không thể thiếu trong hành trình hơn ba thập kỷ qua của Sacombank. Nhiều chương trình đến nay đã trở thành bản sắc của nhà băng như Ấm tình mùa xuân; hiến máu nhân đạo Chia sẻ từ trái tim; học bổng Ươm mầm cho những ước mơ; giải việt dã Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng , Những bước chân vì cộng đồng ; quỹ xây nhà cộng đồng cho đồng bào dân tộc ít người…

Chuyển đổi số 

Xác định công nghệ là trụ cột trong chiến lược phát triển, Sacombank tích cực đầu tư hạ tầng và áp dụng công nghệ tiên tiến, tạo nền tảng cho hoạt động chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo hơn trong các sản phẩm dịch vụ. Năm 2021, ngân hàng thành lập Trung tâm Chuyển đổi số (Digital Transformation Center DTC) nhằm đẩy mạnh số hóa toàn ngân hàng theo bốn yếu tố cốt lõi gồm: Hạ tầng công nghệ, Giải pháp số hóa toàn diện, Sản phẩm - dịch vụ số, Con người và tư duy số. Đến nay, nhiều dự án quan trọng đã được triển khai như: nền tảng ngân hàng số hợp kênh Omnichannel; sản phẩm - dịch vụ công nghệ cao như thẻ quốc tế tích hợp một chip Sacombank Mastercard Only One; máy giao dịch tự động; khung quản trị chất lượng dữ liệu; hệ thống kiến trúc Microservices và hệ sinh thái APIs…

Hoạt động công nghệ thông tin và chuyển đổi số của nhà băng hiện chia thành hai mũi nhọn gồm Vận hành ngân hàng (Run the bank) và Chuyển đổi tổ chức (Transform the bank). Theo đó, vận hành ngân hàng không dừng lại ở việc duy trì các hoạt động hiện hữu mà đào sâu những phương pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả trên cơ sở tối ưu các quy trình hiện có, rút ngắn thời gian xử lý và gia tăng thêm nhiều giá trị. Đối với khai thác dữ liệu, năm 2022, ngân hàng đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực xử lý hệ thống core-banking, core Thẻ và kho dữ liệu.

“Sacombank xác định dữ liệu không chỉ để hỗ trợ công tác vận hành mà còn là nền tảng để thấu hiểu khách hàng. Ở Sacombank, lấy khách hàng làm trung tâm nghĩa là phải quán chiếu được trải nghiệm, đo được nhu cầu, chạm vào những điểm mà họ mong muốn cải thiện”, ông Trần Thái Bình - Giám đốc Khối Công nghệ thông tin Sacombank chia sẻ.

Về an toàn bảo mật, ngân hàng thực hiện việc nâng cấp hệ thống SOC (Security Operation Center); triển khai giải pháp thu thập, phân tích mối đe dọa (Threat Intelligence Platform), tích hợp các hệ thống bảo mật với hệ thống SOAR (Security Orchestration Automation and Response) giúp tự động hóa quá trình điều tra, phản ứng trước các sự kiện an ninh mạng, tự động cô lập, ngăn chặn các cuộc tấn công mạng. Song song đó là việc triển khai giải pháp quản lý tài khoản đặc quyền (Privileged Access Management), giúp kiểm soát các hoạt động của tài khoản quản trị hệ thống thông tin; tăng cường công tác giám sát an ninh mạng, phát hiện và xử lý gần 200 website giả mạo. Nhà băng cũng tổ chức diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn thông tin mạng nhằm giúp đánh giá, nâng cao năng lực ứng phó sự cố an ninh mạng.

Kiềng ba chân trong chiến lược phát triển bền vững của Sacombank - Ảnh 2.

Nhờ những nỗ lực này, Sacombank hiện sở hữu hệ khách hàng lên tới 15 triệu, trong đó 50% là khách hàng số. Số lượng giao dịch trên kênh số của Sacombank tăng trưởng gấp 5 lần trong giai đoạn 2018 - 2022, tăng trưởng bình quân 43%. Riêng năm 2022, 97% giao dịch là giao dịch số thông qua các kênh như Internet Banking, Mobie Banking và Ứng dụng quản lý tài chính Sacombank Pay. Bên cạnh đó, số lượng khách hàng đăng ký mới của nhà băng này cũng tăng trưởng mạnh trên tất cả các kênh số. Cụ thể, hết năm 2022, có hơn 15.000 thẻ phi vật lý mở qua kênh số; 220.000 tài khoản được mở trực tuyến, hơn 1,3 triệu khách hàng mới.

Mục tiêu năm 2023 của Sacombank là cải tiến công nghệ eKYC - tiến tới kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, đối chiếu đặc điểm sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học công dân nhằm mang đến trải nghiệm liền mạch. Ngân hàng cũng tăng tốc triển khai nền tảng Ngân hàng hợp kênh (OmniChannel) để phục vụ khách hàng đa kênh, đa địa điểm và quản lý tập trung; triển khai phê duyệt tín dụng tự động 100% cho tất cả khách hàng; hoàn thiện và đưa vào sử dụng máy giao dịch tự động STM…

Đầu tư nhân sự

Sacombank hiện có hơn 18.400 nhân sự. Trong chiến lược phát triển, ngân hàng đặt mục tiêu trở thành môi trường làm việc với văn hóa sáng tạo, thoải mái, nơi người lao động tìm thấy cảm hứng, sự bình yên, công bằng và cơ hội phát triển.

Một trong những chính sách nhân sự đặc biệt của Sacombak là đồng hành cùng các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, định hướng nghề nghiệp và tạo cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên – thế hệ lao động mới, thông qua nhiều chương trình thường niên như học bổng Sacombank Ươm mầm cho những ước mơ, Thực tập viên tiềm năng, Học kỳ Sacombank, Sacombank tour… Những chương trình này giúp kịp thời phát hiện, bồi dưỡng sinh viên có tố chất năng lực và hình thành văn hóa phù hợp, trở thành cán bộ nhân viên chính thức. Bên cạnh đó, đội ngũ sinh viên tiềm năng không chỉ được trải nghiệm công việc mà còn được nhận chi phí hỗ trợ tương xứng.

Kiềng ba chân trong chiến lược phát triển bền vững của Sacombank - Ảnh 3.

Đề cao yếu tố nhân hòa, lấy con người làm động lực, trung tâm của sự phát triển, lãnh đạo nhà băng cũng luôn chú trọng và thường xuyên xây dựng các chương trình đào tạo cho các chức danh, đặc biệt là chương trình giúp hình thành năng lực quản trị “con người số”. Đến nay, tất cả cán bộ nhân viên đều chủ động sắp xếp thời gian học, hoàn thành 100% các môn học nâng cao kiến thức chuyên môn và phát triển kỹ năng theo khung chuẩn đối với chức danh hiện hữu. Năng suất lợi nhuận trên cán bộ nhân viên của nhà băng này tăng gần 42 lần so với năm 2016.

Hiện, Sacombank là một trong những ngân hàng quy tụ đội ngũ nhân sự có tính gắn bó cao nhất khi thâm niên làm việc bình quân của hơn 18.400 nhân sự là hơn 8 năm. Bí quyết của ngân hàng là ban lãnh đạo và đội ngũ nhân viên luôn có sự thấu hiểu và đồng hành, cùng hướng đến mục tiêu chung là sự phát triển bền vững. Đây là nền tảng để Sacombank nhiều năm liền được HR Asia vinh danh “Nơi làm việc tốt nhất châu Á”.

Nhân sự là sức mạnh nội lực và là tấm khiên bảo vệ giúp Sacombank vượt qua các thách thức. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và biến động của thị trường, ngân hàng đã thực hiện các giải pháp để số hóa 100% các quy trình nhân sự thông qua ký kết hợp tác với NGS và HR Path - một trong những nhà cung cấp các dịch vụ quản lý nguồn nhân lực hàng đầu thế giới - triển khai giải pháp quản trị nhân sự SAP SuccessFactors theo công nghệ Cloud.

Bước vào tuổi 31 với tâm thế của người tiên phong, Sacombank tin tưởng với nền tảng đã xây dựng hơn ba thập kỷ, ngân hàng sẽ bứt phá để khẳng định sức mạnh và tiềm lực trên thị trường tài chính - ngân hàng.

“Cũng như đời người ở tuổi tam thập nhi lập, sự nghiệp tiếp theo của chúng ta là bước vào giai đoạn tăng tốc, bứt phá và khẳng định vị thế mới”, ông Dương Công Minh, Chủ tịch hội đồng quản trị Sacombank chia sẻ.

Kết thúc quý I/2023, lợi nhuận trước dự phòng Đề án của Sacombank đạt hơn 3.400 tỷ đồng, sau khi trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí theo Đề án, lợi nhuận trước thuế đạt 2.383 tỷ đồng, tăng 49,9% so cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản 596.694 tỷ đồng, tăng 0,8% so với đầu năm; tổng huy động 529.500 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm; tổng dư nợ tín dụng 448.531 tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,11%, kiểm soát dưới 2%.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s cũng vừa điều chỉnh triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Sacombank từ “ổn định” thành “tích cực” nhờ hoạt động xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng. Theo đó, chất lượng tài sản (Asset Risk) của nhà băng cũng được nâng từ caa1 lên b3.

Định hướng chiến lược trong năm 2023 của Sacombank là Tăng tốc chuyển đổi số - Xây dựng hệ sinh thái kinh doanh. Đặc biệt, ngân hàng sẽ tập trung xử lý các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng còn lại nhằm hoàn thành Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, thực hiện các thủ tục xin phép NHNN để chia cổ tức cho cổ đông dựa trên nguồn lợi nhuận giữ lại nhằm gia tăng năng lực tài chính, đưa Sacombank trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Kim Ngân

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên