MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiệt quệ vì bị 'giam' tiền thuế VAT

Không chỉ lao đao vì thiếu đơn hàng, thiếu vốn sản xuất…, không ít doanh nghiệp (DN) còn khốn đốn, kiệt quệ vì chậm được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Mỏi mòn chờ hoàn thuế

Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Minh Quang (quận 1, TPHCM) có gần 20 năm trong lĩnh vực sản xuất hàng gỗ nội thất, xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, châu Âu đang rơi vào bế tắc vì bị chậm hoàn thuế trong thời gian dài. Bà Hoàng Thị Nga, đại diện Công ty Minh Quang cho biết, đã nộp hồ sơ hoàn thuế vào tháng 5/2022, số tiền hoàn thuế hơn 2,5 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn mòn mỏi chờ đợi. “Cơ quan thuế yêu cầu DN xác minh từng hóa đơn về các nguyên liệu như gỗ, chúng tôi đã đi 3 lần đến các phòng thuế, đã xác minh được hơn 60% nhưng bên thuế yêu cầu phải xác minh 100%. Điều này rất vô lý vì liên quan đến những hóa đơn nhỏ khác. Khi không được hoàn thuế đợt đầu sẽ không được hoàn đợt kế tiếp, nên đợt trước đến đợt này đã tăng thêm 4-5 tỷ đồng” - bà Nga nói.

Kiệt quệ vì bị 'giam' tiền thuế VAT - Ảnh 1.

Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Minh Quang lao đao vì bị “giam” tiền hoàn thuế gần 4-5 tỷ đồng. Ảnh: U.P

Theo bà Nga, do không được hoàn thuế, DN có nguy cơ đóng cửa ngừng sản xuất vì thuế VAT 10% cuốn hết tiền vào đó, làm nhưng không có lời. Trong khi đó, DN còn phải trả tiền lãi ngân hàng cùng nhiều khoản khác. “Nếu đóng tiền thuế trễ một ngày thì DN phải chịu tiền phạt từ cơ quan thuế, trong khi tiền của DN đang mắc vào thuế thì nhà nước lại không có câu trả lời nào thỏa đáng cho DN. DN rất bế tắc nhưng vẫn cố gắng giữ công nhân, giữ nhà máy hoạt động nhưng không biết cầm cự được bao lâu” - bà Nga nói.

Ngoài bị giảm đến 90% doanh thu, Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận (quận 1, TPHCM) còn bị “giam” tiền hoàn thuế VAT từ tháng 11/2021 đến nay lên tới hơn 50 tỷ đồng, dẫn đến không có vốn để nhận đơn hàng. Những năm trước, trung bình công ty xuất khẩu hơn 60.000 tấn cao su tươi qua các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc…thu về khoảng 80 triệu USD/năm. Nhưng nay, nguồn tiền duy trì hoạt động đã cạn kiệt, công ty phải cắt giảm chi phí, cho nhân viên nghỉ ở nhà và chỉ trả hơn 50% lương…Nhiều khi công ty có đơn hàng cũng không dám nhận vì không có vốn để nhập hàng, xuất hàng.

Bà Trần Lệ Thu, kế toán trưởng Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận cho rằng, việc chậm trễ trong xác minh gây vướng mắc rất lớn cho DN. Đôi khi có những hóa đơn từ vài năm trước đến giờ mới đi xác minh, nhưng đơn vị đối tác đã ngừng hoạt động, kinh doanh hoặc bị báo cáo có nợ xấu, trốn thuế… là DN không được hoàn lại số tiền thuế đã đóng. “Tiền hoàn thuế VAT là tiền của DN đã ứng trước nộp vào ngân sách khi mua nguyên liệu. Khi DN đã thực hiện xuất khẩu xong thì phải trả lại cho DN để lấy vốn quay vòng mới, nhưng khi làm hồ sơ hoàn thuế thì... lại bị giam rất lâu. Chúng tôi đề nghị được biết bao giờ mới được hoàn thuế theo luật?” - bà Thu bức xúc.

Theo đại diện Công ty TNHH TM-SX Hoa Sen Vàng chuyên sản xuất cao su, số thuế VAT chưa hoàn của công ty lên đến hơn 100 tỷ đồng từ tháng 10/2021 đến nay. “Việc đòi hỏi phải xác minh nguồn gốc hàng mua… rất khó khăn do có những nhà vườn đã nghỉ bán và họ cũng không hỗ trợ việc xác minh này hoặc họ canh tác trên đất khai hoang, đất thuê, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chúng tôi khi xuất khẩu đều có bộ chứng từ xuất khẩu có đầy đủ thông tin, thanh toán toàn bộ qua ngân hàng trong khi cơ quan thuế vẫn yêu cầu xác minh. DN chỉ biết chờ đợi đến kiệt quệ. Cơ quan thuế nên xem xét sớm hoàn thuế cho DN để chúng tôi có nguồn vốn kinh doanh, nếu không khó tồn tại được” - đại diện công ty cho biết.

Chậm hoàn thuế, cơ quan thuế phải trả lãi

Nhiều DN cao su cho rằng, nguyên nhân dẫn đến ách tắc, hoàn thuế chậm, kéo dài xuất phát từ việc Cục Thuế TPHCM tiến hành xác minh chứng từ hóa đơn nguồn gốc của mặt hàng cao su mua vào đến khâu cuối cùng (tức là xác minh các khâu trung gian F1, F2, F3, F4... Fn). Khi có kết quả xác minh tới khâu cuối cùng thì mới xét hoàn VAT cho DN xuất khẩu. Mặt khác, Cục Thuế TPHCM yêu cầu chứng từ thanh toán tiền hàng xuất khẩu (giấy báo có) phải có thông tin “số hiệu tài khoản thanh toán của người trả tiền” thì mới xét hoàn VAT cho DN xuất khẩu. Cuối cùng mới đến bước tiến hành xác minh thông tin DN mua hàng ở nước ngoài.

Trên thực tế, việc xác minh hết tất cả các khâu trung gian mất rất nhiều thời gian, và có khả năng không thể thực hiện được, kéo dài thời gian được hoàn thuế của các DN. Trong khi đó, quy định hiện hành có giải pháp tạo điều kiện cho DN bằng cách hoàn thuế trước, kiểm tra sau thì không được áp dụng.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa - cao TPHCM thừa nhận, nhiều DN của Hội đều bị “giam” tiền hoàn thuế, như Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina) chưa được hoàn thuế đến 350 tỷ đồng. “ Chúng tôi không chỉ gửi kiến nghị với Cục Thuế TPHCM mà còn cầu cứu đến Chủ tịch UBND TPHCM, nếu không giải quyết hoàn thuế sẽ làm DN bị vướng vốn lưu động rất nhiều. Các vị cũng hứa sẽ giải quyết nhưng vẫn còn chậm lắm” - ông Nguyễn Quốc Anh chia sẻ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, theo quy định Luật Quản lý thuế 2019, với trường hợp DN thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau, thời gian hoàn thuế là sáu ngày làm việc. Với DN thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau, thời gian hoàn thuế tối đa là 40 ngày. Luật thuế cũng quy định DN xuất khẩu đáp ứng ba điều kiện sau sẽ được hoàn thuế VAT: có hợp đồng xuất khẩu, có tờ khai hải quan, thanh toán qua ngân hàng. Như vậy, nếu DN xuất khẩu đủ điều kiện thì cơ quan thuế phải thực hiện hoàn thuế VAT. Ngoài ra, luật sư Hậu cũng cho rằng, nếu việc chậm ban hành quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn trả, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn trả.

Ngày 14/4, PV Tiền Phong liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM để tìm hiểu nguyên nhân chậm hoàn thuế và những giải pháp khắc phục. Ông Dũng cho biết, thông tin liên quan đến việc hoàn thuế VAT đối với các DN gỗ, cao su…đã được Tổng cục Thuế đề cập, nên... hẹn sẽ trả lời sau về vấn đề này.


Theo Uyên Phương

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên