MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểu giáo dục gia đình có thể nuôi dưỡng những đứa trẻ thành công

28-09-2023 - 10:35 AM | Sống

Nhà sáng lập công ty cung cấp dịch vụ gia sư nổi tiếng đã có câu trả lời khiến nhiều phụ huynh bất ngờ.

Cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ. Tương lai con trẻ phụ thuộc rất lớn vào nền giáo dục gia đình. Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi, kiểu giáo dục gia đình nào có thể nuôi dưỡng những đứa trẻ thành công?

Michael Minhong Yu, nhà sáng lập công ty cung cấp dịch vụ gia sư New Oriental Education của Trung Quốc, đã có những chia sẻ khiến nhiều phụ huynh bất ngờ.

Kiểu giáo dục gia đình nào có thể nuôi dưỡng những đứa trẻ thành công? Câu trả lời làm bạn ngạc nhiên - Ảnh 1.

Michael Minhong Yu, nhà sáng lập công ty cung cấp dịch vụ gia sư New Oriental Education

Ông chia sẻ:

Kể từ khi tôi bắt đầu giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh cho đến khi thành lập New Oriental, có hơn 7 triệu sinh viên tốt nghiệp. Tôi đã thấy nhiều phụ huynh vô cùng hạnh phúc vì sự thành công hay nhiều phụ huynh đau khổ vì sự thất bại của con cái. Tôi đã thấy nhiều gia đình nghèo cuối cùng sống hạnh phúc vì con cái thành đạt. Nhưng tôi cũng từng thấy có gia đình tỷ phú, cuối cùng cha mẹ mắc bệnh trầm cảm vì những vấn đề của con cái.

Nhiều phụ huynh nói với tôi: "Thầy Yu, tôi sẽ đưa hết tiền của mình cho thầy, chỉ cần thầy có thể biến con tôi trở thành những đứa trẻ bình thường và hạnh phúc". Tôi thường nói với họ: "Bây giờ bàn điều này thì đã quá muộn rồi, vì tính cách trẻ em về cơ bản được hình thành từ khi sinh ra cho đến 18 tuổi. Mọi việc phải hoàn thành trước 18 tuổi".

Một số điều người lớn chúng ta làm đôi khi vô tình ảnh hưởng không tốt tới con cái. Điều này tác động lớn đến việc hình thành giá trị thế giới quan và quan điểm sống chúng. Vì vậy, giáo dục con cái không phải là cho chúng tiền bạc mà phải lưu ý những điều này:

1. Giáo dục nhân cách, ưu tiên hàng đầu trong giáo dục gia đình

Nhiều cha mẹ đặt yêu cầu trẻ em phải nằm trong top 5 của lớp, vào được đại học top đầu. Theo tôi, đó là tiêu chuẩn sai.

Tại sao lại sai? Bởi vì có rất nhiều tiêu chuẩn đánh giá sự trưởng thành của trẻ. Chẳng hạn tính cách cao thượng, nhân cách lành mạnh, có sáng tạo và giàu trí tưởng tượng, tinh thần chăm chỉ, siêng năng... Việc bạn có đủ tinh thần dám đứng dậy sau khi thất bại hay không cũng là một tiêu chuẩn.

Tôi là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Trung Quốc với hơn 1.000 doanh nhân. Có chưa đến 20 sinh viên tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa và Đại học Phúc Đán, còn lại đều là sinh viên từ các trường đại học bình thường. Thậm chí một số còn là nông dân, công nhân, sinh viên các trường Cao đẳng, Trung cấp kỹ thuật… nhưng họ đều đã trở thành những doanh nhân thành đạt. Vì vậy, giáo dục hay thành tích chỉ có thể quyết định một phần cuộc sống chứ không phải tất cả.

Cá nhân tôi tự coi mình là người thành công không phải vì tôi có New Oriental hay tôi kiếm được tiền mà vì tôi có nguyên tắc làm người cơ bản. Tôi luôn cho rằng mình là người tử tế, là người có lòng nhân ái, trong lòng không có ác niệm. Từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ làm điều gì tổn hại đến người khác. Tất nhiên, đôi khi tôi có thể vô tình nói ra điều gì đó khiến người khác tổn thương. Tôi có thể xin lỗi họ nhưng chắc chắn tôi chưa làm điều gì có hại.

Tôi nghĩ lý do thứ hai dẫn đến thành công của tôi là tôi rất sẵn lòng giúp đỡ người khác. Bạn cũng có thể giúp đỡ người khác khi chúng ta không có gì. Tôi sẽ cho bạn một ví dụ đơn giản.

Tôi yêu lao động từ khi còn nhỏ, tôi đã làm công việc đồng áng và việc nhà. Năm 14 tuổi, tôi đã giành chức vô địch cấy lúa cấp huyện. Năm 17 tuổi, tôi là một tay lái máy kéo xuất sắc cấp tỉnh. Sự chăm chỉ của bố mẹ đã thúc đẩy sự chăm chỉ của tôi. Tôi đã dọn dẹp lớp học từ năm lớp một. Sau khi đến Đại học Bắc Kinh, tôi hình thành thói quen dọn dẹp ký túc xá hàng ngày trong 4 năm. Ngoài ra, tôi còn mang theo chai nước trong ký túc xá để lấy nước cho các bạn trong lớp hàng ngày, coi đó như một hình thức rèn luyện thể chất. 

Có người nói tôi dại, có người hỏi tôi việc lấy nước như thế này có ích lợi gì. Tôi tin sẽ có ích lợi, nếu làm việc tốt thì phước báu có thể xuất hiện trong năm nay, hoặc 10 năm sau. Nếu làm việc tốt mà trong ngày lại đòi khen thưởng thì chắc chắn bạn là người hợm hĩnh và hẹp hòi. Quả thật, nhiều năm sau, khi thành lập công ty, cần tìm thêm cộng sự, những người bạn cũ đã giúp tôi.

Từ kinh nghiệm của mình, tôi muốn nói với các bậc cha mẹ rằng nếu con bạn không được giáo dục tốt và gây rắc rối bên ngoài, khi người khác chê bai, họ sẽ nói: "Đứa trẻ này không được cha mẹ giáo dục tốt!". Họ sẽ không chê giáo viên hay nhà trường, họ chỉ nói: "Cha mẹ nào, con nấy".

Nếu con bạn không có tương lai thì vấn đề chắc chắn nằm ở việc giáo dục gia đình. Nếu đứa trẻ lớn lên có vấn đề thì chắc chắn nguyên nhân gốc rễ do cha mẹ gieo trồng. Sự thành công của một đứa trẻ liên quan chặt chẽ đến việc giáo dục của gia đình có đúng đắn hay không. 

Việc giáo dục trẻ tốt về nhân cách, đạo đức mới là chìa khóa giúp trẻ thành công trong cuộc sống. Chỉ cần con được kính trọng, cuộc sống sẽ đặc biệt suôn sẻ. 

Nhiều bậc cha mẹ đang vô tình dạy con trở nên nhỏ nhen, lợi dụng người khác, dạy con tìm cách vượt lên trên, giẫm đạp lên người khác. Kết quả cuối cùng là trẻ không biết cách sinh tồn thực sự trong thế giới này. Những gì bạn cho con bây giờ sẽ quyết định chúng sẽ trở thành người như thế nào trong tương lai.

Trình độ học vấn của con gái tôi hiện ở mức trung bình nhưng tôi chưa bao giờ lấy điều này làm tiêu chí để đánh giá con có học hành chăm chỉ hay không. Vợ chồng tôi có triết lý giáo dục trái ngược nhau. Vợ tôi sẽ tức giận nếu con gái không lọt vào top 5 nhưng tôi thì ngược lại, tôi rất vui khi con gái đứng thứ 15. 

Tôi luôn nói với con gái: "Nhìn xem, lớp con có 40 bạn, con đứng thứ 15, vẫn còn nhiều người theo sau con". Không có sự khác biệt khi con học Đại học Bắc Kinh hoặc một trường đại học bình thường. Điều thực sự có thể làm gia tăng khoảng cách giữa những đứa trẻ trong suốt cuộc đời của chúng là những vấn đề về tính cách, liên quan đến cách chúng cư xử.

Việc hình thành nhân cách xuất phát từ sức mạnh của những tấm gương. Những gì chúng ta yêu cầu con cái không thực hiện thì chúng ta cũng không nên làm điều đó. Ví dụ, nếu cha mẹ chơi điện thoại và mắng con không học bài thì tất nhiên trẻ sẽ không muốn học. 

Tôi gặp nhiều vấn đề trong việc làm gương. Công việc của tôi đòi hỏi phải sử dụng máy tính nhưng khi tôi bật máy lên, con gái sẽ tưởng rằng tôi đang giải trí. Mặc dù tôi đã nói rằng tôi đang làm việc nhưng con không tin. Sau này mỗi khi con gái học bài, tôi đều lấy sách đọc bên cạnh.

Khi làm bất cứ điều gì, bạn phải suy nghĩ xem liệu có làm hại người khác hay không. Ví dụ, người lớn chúng ta đôi khi thích nói xấu sau lưng hàng xóm, đồng nghiệp mà không né tránh con cái. Điều này đã xảy ra với gia đình tôi. Chúng tôi nói chuyện về việc một người có tính cách tốt và một người có tính cách xấu, người nào keo kiệt và thoải mái. Kết quả là có lần con gái đi học về và nói với tôi rằng lớp có bạn nào tốt, bạn nào kém, bạn nào keo kiệt, bạn nào hợm hĩnh.

Tôi nói với con gái rằng không nên nói xấu bạn cùng lớp. Bạn hàng ngày ở bên con, nếu họ có khuyết điểm mà con nghĩ đến thì hãy ghi nhớ trong lòng. Điều quan trọng hơn là con nên học hỏi từ những điểm mạnh của bạn. Con gái tôi liền hỏi lại: "Lúc bố ở với mẹ, không phải mẹ đã nói nhiều về các cô chú sao? Tại sao con không được nói xấu các bạn trong lớp?". Câu nói này khiến tôi nghẹn họng. Từ đó trở đi, vợ chồng tôi đã đặt ra quy định là không được nói về khuyết điểm của người khác trước mặt con cái mà phải nói những điều tốt đẹp.

Cha mẹ không chỉ thúc giục con mình tiến bộ trong mọi hoàn cảnh mà còn giữ cho lòng tự trọng của chúng không bị tổn hại. Bạn phải đảm bảo rằng con bạn hạnh phúc và cảm thấy rằng cuộc sống trên thế giới thật tuyệt vời. Nuôi dưỡng cho con tình yêu cuộc sống là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của một người làm cha mẹ.

2. Đưa ra sự khuyến khích thích hợp để kích thích tiềm năng vô hạn 

Nếu con bạn đứng cuối lớp, bạn sẽ đối xử với con như thế nào? Phản ứng của hầu hết các bậc cha mẹ là đánh hoặc la mắng con. 

Tôi mong các bậc cha mẹ và bạn bè hãy suy nghĩ về khoảng cách giữa vị trí đầu tiên và vị trí cuối cùng từ góc độ lâu dài. Có phải con cái không học đại học sẽ không có tương lai? Tuyệt đối không, như tôi vừa nói, chỉ cần con cái được giáo dục tốt thì dù có làm gì cũng thành công. 

Tôi có thể đưa ra ví dụ của riêng tôi. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, tôi trượt năm thứ nhất, trượt năm thứ hai và chỉ đậu vào năm thứ ba. Khi tôi tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, lớp chúng tôi có 50 bạn cùng lớp, tôi đứng thứ năm từ dưới lên, nhưng điểm số không cản trở tôi theo đuổi sự nghiệp của riêng mình. 

Sự phát triển của con người là vấn đề suốt đời và chắc chắn không được quyết định bởi điểm số bạn đạt được ở trường tiểu học hay đại học. Điểm số rất quan trọng đối với trẻ em, nhưng bạn không nên nghĩ rằng trẻ không có tương lai chỉ vì điểm thấp. 

Phụ huynh được yêu cầu thay đổi tiêu chí đánh giá sự thành công. Điểm cao của một đứa trẻ là một trong những tiêu chí thành công nhưng không thể coi đó là tiêu chí tất yếu hay duy nhất. Nếu không con bạn sẽ phải chịu vô số tổn thương, vì kỳ thi nào cũng chỉ có một vị trí đầu tiên. Nếu có 40 học sinh trong một lớp, ngoại trừ em đầu tiên, 39 em còn lại có phải là những đứa thất bại hay không?

Có lần tôi hỏi một người huấn luyện cá heo tại sao con cá heo mà anh ấy huấn luyện có thể nhảy lên khỏi mặt nước và bò qua một vòng tròn cao như vậy. Anh ấy nói rằng thực ra ban đầu cá heo không thể làm được. Đầu tiên anh ấy đặt vòng tròn xuống nước. Những con cá heo sẽ được cho một con cá để ăn nếu vượt qua. Cá heo nhanh chóng tìm ra cách để ăn cá, sau đó phát triển thành phản xạ có điều kiện.

Tất nhiên, động vật chắc chắn không thông minh bằng con người chúng ta. Ví dụ như nếu tôi nói rằng bạn có thể vượt qua vòng tròn này và tôi sẽ cho bạn vào Đại học Bắc Kinh, bạn chắc chắn sẽ vượt qua được, bởi vì bạn biết rằng điều đó tốt cho bạn. Cá heo không biết mối quan hệ lợi ích, nhưng cá heo hiểu một điều, chỉ cần vượt qua được vòng tròn này thì sẽ có cá để ăn, nếu không vượt qua được thì sẽ chết đói.

Sau đó, người huấn luyện nâng vòng tròn lên khỏi mặt nước. Cá heo nhận thấy vòng tròn không còn ở dưới nước và không còn cách nào khác là phải nhảy qua. Dần dần, vòng tròn được nâng lên liên tục, khoảng 10-20 lần. Người huấn luyện mất khoảng một năm để hoàn thành quá trình huấn luyện cá heo nhảy vòng tròn. 

Từ ví dụ cá heo trên, cha mẹ nên hiểu rằng sự khuyến khích rất quan trọng trong quá trình giáo dục trẻ. Mỗi lần con tiến bộ lên một chút, bạn phải động viên. Từng chút một sẽ giúp con từng bước tiến đến đích.

Con gái tôi rất thích chơi đàn piano, cháu bắt đầu chơi đàn từ năm 5 tuổi. Cháu thi đậu từng kỳ thi một, tuần nào cũng phải đến lớp, ngồi một buổi một giờ cố định. Kết quả là con gái ghét học đàn, chỉ học vì bị mẹ ép buộc.

Tôi nói với con gái rằng bố sẽ không ép con học, cũng không cho con đi thi. Điều mà bố tiếc nuối nhất trong đời là không thể chơi được một loại nhạc cụ nào đó. Chơi một loại nhạc cụ có thể giải tỏa được chứng trầm cảm. 

Về nguyên tắc, việc học piano không phải để lấy điểm mà là để giúp con tìm ra kênh thể hiện tâm trạng của mình. Trong tương lai, con chắc chắn sẽ bước vào xã hội. Nếu có thể đệm đàn piano khi bạn bè hát thì con sẽ càng nhận được sự tôn trọng và yêu mến. Nếu không muốn học, liệu con có thể duy trì trình độ hiện tại của mình không? Kể từ đó, con học với giáo viên mỗi tuần một lần và niềm yêu thích học piano ngày càng mãnh liệt.

Cuối cùng, tôi muốn nói với các bậc cha mẹ rằng: Nếu bạn trao tất cả mọi thứ, của cải và địa vị cho con cái, con bạn vẫn có thể không hạnh phúc trong suốt cuộc đời. Nhưng khi bạn dạy con cách trở thành người có nhân cách, dạy con cách theo đuổi mục tiêu của riêng mình và học cách tận hưởng niềm hạnh phúc, sự hài lòng sau khi đạt được mục tiêu thì con bạn sẽ có được hạnh phúc thực sự.

Theo Hiểu Đan

Phụ nữ Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên