MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiki trên chiếc xe sang Maserati

31-12-2020 - 13:30 PM | Thị trường

Kiki trên chiếc xe sang Maserati

Với trợ lý ảo Kiki – một sản phẩm do người Việt tạo ra và dùng ngôn ngữ tiếng Việt, cuộc sống của người Việt sẽ đón nhận nhiều thay đổi.

Trên chiếc Maserati Levante, người đàn ông ngồi một mình, vừa điều khiển vô lăng, vừa cất tiếng: "Kiki ơi, hôm nay âm lịch là ngày mấy?"

Một giọng nói phát ra từ chiếc loa: "Ngày mồng 7 tháng 11 năm 2020 âm lịch".

Người đàn ông hỏi tiếp: "Còn mấy ngày nữa là Tết?"

Vẫn giọng nói đó trả lời: "Còn 54 ngày nữa là đến Tết".

Những ai đã quen với giọng nói vô cảm của "chị" Google mỗi khi chỉ đường cho các tài xế chắc chắn sẽ cảm thấy yêu mến người bạn Kiki này vì chất giọng Việt Nam tự nhiên, cảm xúc và vốn từ phong phú như một người Việt thứ thiệt. Kiki được tạo ra bởi Zalo với khát vọng tự tay xây dựng một trợ lý ảo "do người Việt làm ra, dành cho người Việt".

Từ nỗi sợ của con số 0 đến giấc mơ thay đổi cuộc sống người Việt

Tại Zalo AI Summit 2020, ông Vương Quang Khải tiết lộ Zalo bắt đầu bước chân vào lĩnh vực AI với khởi đầu từ số 0, đi cùng với một nỗi sợ là các nền tảng công nghệ, xu hướng công nghệ thay đổi rất nhanh, nếu chúng tôi lỡ chuyến tàu công nghệ ấy thì sẽ tụt hậu phía sau.

Tuy nhiên thực tế đã chứng minh các bộ não của Việt Nam đều nhanh chóng làm chủ được những công nghệ mới nhất. Chính vì vậy, cùng với nỗi sợ thì Zalo AI tin tưởng có thể làm được "điều gì đó" với trí tuệ nhân tạo.

Sau 3 năm, Zalo đã xây dựng được một cơ sở hạ tầng tương đối lớn cho trí tuệ nhân tạo, một hệ thống lưu trữ dữ liệu cùng một đội ngũ kỹ thuật 80 người làm AI và Big Data. Và sản phẩm cụ thể "ra lò" hôm nay chính là trợ lý ảo giọng nói Việt Kiki mang theo khát vọng rằng công nghệ sẽ thay đổi cuộc sống con người Việt Nam.

Kiki trên chiếc xe sang Maserati - Ảnh 1.

Ông Vương Quang Khải chia sẻ mở màn tại Zalo AI Summit 2020 về chặng đường 3 năm theo đuổi giấc mơ trợ lý ảo Tiếng Việt

Trên thế giới, nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu đã cho ra thị trường những nền tảng trợ lý ảo của mình. Tuy nhiên, Zalo vẫn đầu tư và kiên trì cho ra đời Kiki bởi vì các trợ lý ảo nói trên có sự hạn chế về ngữ pháp và ngữ nghĩa về tiếng Việt khiến cho hàng trăm câu hỏi rơi vào tình trạng "Tôi không hiểu câu hỏi của bạn".

Với trợ lý ảo Kiki – cuộc sống của người Việt sẽ đón nhận nhiều thay đổi. Người già hay trẻ nhỏ vốn là những người hạn chế trong việc sử dụng công nghệ, khó có thể gõ phím hay dùng chuột máy tính, nhưng đều có thể giao tiếp với máy móc bằng giọng nói, giúp mọi người có thể đón nhận những tiện ích mới và cơ hội mới.

Dự án Kiki được giao cho ông Phạm Kim Long- người được biết đến là cha đẻ của phần mềm gõ tiếng Việt Unikey và Laban key. Ông là một kỹ sư công nghệ sống với tinh thần cống hiến vì cộng đồng hơn là mưu cầu lợi ích cho bản thân. "Toan tính" duy nhất của anh lúc tạo ra những phần mềm "quốc dân" nói trên chỉ là để phục vụ miễn phí cho người Việt Nam.

"Hoa nở không mèo" và bài toán từ phòng code ra thực tế

"Khoảnh khắc có thể gọi "Kiki ơi" để hỏi một câu hỏi, team phấn khởi và xúc động muốn khóc vì sản phẩm dành thời gian phát triển trong suốt 2 năm cuối cùng cũng thành hình hài" – Duy Nguyễn – một trong thành viên viết những dòng code đầu tiên cho Kiki chia sẻ.

Kể về quá trình phát triển Kiki, Duy Nguyễn – Product Lead cho biết, đội ngũ phải đối diện với rất nhiều thử thách vì bài toán trợ lý ảo mới nổi lên trong 10 năm nay và vốn chỉ có các công ty lớn như Google, Apple hay Amazon mới dám thực hiện.

Khó khăn nhất ở việc, tiếng Việt vốn là thứ ngôn ngữ phong ba bão táp. Cùng một nội dung, có rất nhiều cách thức diễn đạt khác nhau và "khoai" hơn cả là những chất giọng, từ ngữ địa phương khác nhau với cách phát âm chệch "âm gốc".

Kiki trên chiếc xe sang Maserati - Ảnh 2.

Kiki tích hợp trên loa thông minh vừa được ra mắt tại Zalo AI Summit ngày 20/12 vừa qua

Năm trước, khi đưa Kiki ra thử nghiệm, đội ngũ dự đoán người dùng sẽ đặt các câu hỏi cụ thể như "Mở nhạc Sơn Tùng". Nhưng thực tế thì câu hỏi thu về là "Anh thật sự ngu ngốc".

Đó chỉ là một câu trong bài hát tiếng Việt có tựa đề "Anh không sai, chúng ta sai". Tức là, người dùng không nhớ tên bài hát, chỉ nhớ một câu nào đó trong bài hát. Hoặc một người nào đó lại yêu cầu Kiki mở "Hoa nở không mèo" (không màu) bởi vì họ nói giọng của một vùng miền Tây hoặc miền Nam.

Phải làm thế nào để từ câu ngẫu nhiên đó, Kiki nhận diện được điều mà người dùng mong muốn? Duy Nguyễn cho biết, họ phải giải quyết thêm 2 bài toán là Lyrics detection (Phát hiện lời bài hát) và nearly match song name (Tên bài hát gần khớp), nhằm đem đến trải nghiệm tốt nhất từ lần "ra lệnh" đầu tiên.

Đến thời điểm hiện nay, Kiki là trợ lý ảo duy nhất của Việt Nam được giới thiệu đến tập người dùng lớn khi có thể sử dụng trên các thiết bị phần cứng như trên ô tô, loa thông minh và chạy trên ứng dụng nghe nhạc Zing MP3.

Không chỉ vậy, Kiki ra đời còn thể hiện khát vọng và trình độ của các kỹ sư Việt Nam không hề thua kém bạn bè thế giới, góp phần cổ vũ các nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI ở Việt Nam.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên