Kim loại được xem là thước đo độ ổn định của nền kinh tế toàn cầu giảm một cách đáng báo động - suy thoái đã hiển hiện trước mắt?
Giá đồng đã giảm xuống mức thấp kỉ lục trong vòng 16 tháng qua được coi như một hồi chuông báo động về suy thoái kinh tế đang hiện hữu. Kim loại này vốn được coi là một thước đo kinh tế khi giá cả mặt hàng này được các chuyên gia sử dụng để phản ánh sự tăng trưởng của nền kinh tế.
- 27-06-2022Nguy cơ suy thoái có phải 'thảm họa' cho thị trường dầu?
- 26-06-2022Các nhà máy thép Trung Quốc chao đảo - triển vọng ngành thép ra sao?
- 25-06-2022Làn sóng lạm phát dâng cao trên toàn cầu, những ông lớn nào trong ngành bán lẻ đang có nguy cơ phá sản?
Thước đo nền kinh tế - kim loại đồng
Trên thị trường năng lượng, một số nhà đầu tư xem giá đồng như là một yếu tố hỗ trợ cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên gần đây các chuyên gia đã cảm thấy lo lắng về suy thoái kinh tế khi giá kim loại này liên tục suy giảm mạnh.
Giá đồng đã chạm mức thấp nhất trong vòng 16 tháng vào phiên giao dịch ngày 23/6, với mức 8.757 USD/tấn khi các thương nhân liên tục bán phá giá kim loại này, giá đã giảm hơn 11% trong hai tuần qua và giảm 14% tính từ đầu năm đến nay.
Ông Daniel Ghali, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại TD Securities cho rằng giá đồng lao dốc đang phản ánh thực tế tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
Kim loại này thường được sử dụng trong nhiều vật liệu xây dựng, bao gồm cả dây diện và ống nước. Điều đó có nghĩa kim loại này là một thước đo của nền kinh tế bởi nó sẽ nóng lên khi kinh tế phát triển mạnh và hạ nhiệt khi nền kinh tế bị thu hẹp. Giới giao dịch gọi kim loại này với cái tên "Tiến sĩ" vì khả năng tiên tri về nền kinh tế của nó.
Phát biểu trước Uỷ ban ngân hàng của Thượng viện, Chủ tịch Fed Jay Powell thừa nhận rằng kế hoạch tăng lãi suất trong năm nay có thể khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái. Thông điệp đó cũng đè nặng lên giá các kim loại khác. Nhôm giảm 2,67%, nikel mất 1,7% và thiếc giảm 9% vào phiên giao dịch ngày 23/6.
Diễn biến giá đồng trong 6 tháng đầu năm. Nguồn: Tradingeconomics.com
Vào đầu năm nay sau khi Nga bắt đầu chiến sự tại Ukraine, giá đồng đã tăng vọt cùng với một số kim loại khác. Theo số liệu từ S&P Global, Nga chiếm 4% sản lượng đồng trên toàn cầu và gần 7% sản lượng nikel. Các nhà giao dịch lo lắng rằng nguồn cung có thể bị thiếu hụt ngay khi sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 đang gia tăng và họ bắt đầu tích trữ một cách tích cực. Tuy nhiên khi lo ngại về suy thoái tiếp tục được giữ vững, giá đồng lại đang đi theo hướng ngược lại.
Dữ liệu được công bố đã làm tăng thêm dấu hiệu suy thoái, với một cuộc khảo sát hoạt động kinh doanh cho thấy Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã bị mất đà mạnh vào cuối quý thứ hai.
Ông Ghali cho rằng: "Một khi xung lực tích trữ đó chấm dứt, nhu cầu hàng hóa toàn cầu bắt đầu kết nối trở lại với tăng trưởng toàn cầu." Điều này đang ngầm chỉ ra rằng hoạt động kinh tế đang đi xuống mức thấp hơn khi giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao.
Giá kim loại giảm mạnh cũng tràn sang lĩnh vực khai thác mỏ, với cổ phiếu của một số nhà sản xuất lớn nhất thế giới giảm mạnh trong tháng này. Rio Tinto được niêm yết tại London đã giảm gần 13% và Anglo American giảm hơn 18%.
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng do S&P Global công bố hôm thứ Năm cho thấy sản lượng của khu vực tư nhân tại Mỹ tăng trưởng chậm trong tháng này.
Williamson, nhà kinh tế trưởng kinh doanh tại S&P Global Market Intelligence cho biết sự bùng nổ từ việc người tiêu dùng quay trở lại sau khi nới lỏng các hạn chế về đại dịch, nhiều công ty dịch vụ đang chứng kiến các hộ gia đình ngày càng phải vật lộn với chi phí sinh hoạt tăng cao, trong khi các nhà sản xuất hàng hóa không thiết yếu cũng giảm đơn đặt hàng tương tự.
Các doanh nghiệp cũng trở nên căng thẳng hơn nhiều về các triển vọng khi Cục Dự trữ Liên bang mạnh tay tăng lãi suất trong một nỗ lực kìm hãm đã tăng giá.
Williamson nói: "Niềm tin vào kinh doanh đang ở mức báo động, điều này thường báo trước một cuộc suy thoái kinh tế đang ở ngay trước mắt, làm tăng thêm nguy cơ suy thoái".
Tại châu Âu, chỉ số PMI (chỉ số sử dụng cho 19 quốc gia sử dụng đồng euro) đang chỉ ra tăng trưởng trong tháng 6 giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng.
Trung Quốc vốn là động lực quan trọng của tăng trưởng toàn cầu vẫn đang phải vật lộn với dịch Covid-19 và ảnh hưởng những tác động nặng nề trong sự sụt giảm lĩnh vực bất động sản. Nền kinh tế của họ có những dấu hiệu cải thiện trong tháng 5, tuy nhiên doanh số bán lẻ đã giảm tháng thứ ba liên tiếp.
Bởi vậy các chuyên gia lo ngại rằng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc dự kiến sẽ tăng vào cuối năm nay và giá đồng cùng với giá các mặt hàng cơ bản khác sẽ phục hồi vào thời điểm đó. Ông Darwei, Giám đốc danh mục hàng hóa tại DWS cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng chưa rõ chính xác khi nào khoảnh khắc đó sẽ đến.
Trong khi đó, giá đồng còn có thể sẽ giảm hơn nữa khi lo lắng về nền kinh tế vẫn còn.
Ghali cho biết: "Trong trung hạn, giá đồng có nhiều khả năng giảm mạnh hơn, đặc biệt là khi chúng ta đang thấy cuộc suy thoái kinh tế đang ngày càng hiện hữu."
Liệu sẽ xảy ra "hiệu ứng Lehman"?
Hiệu ứng Lehman hay khoảnh khắc Lehman là thuật ngữ dùng để ám chỉ về một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra giống như sự phá sản của Lehman Brothers đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008.
Trên thực tế hiện nay đang có rất nhiều mối lo ngại trong thị trường năng lượng có thể dẫn tới cuộc khủng hoảng. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang lo ngại rằng Nga cắt giảm khả năng tiếp cận khí đốt tự nhiên của họ.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck mới đây đã cảnh báo rằng việc duy trì các công ty trong lĩnh vực năng lượng bất chấp chi phí tăng cao là điều cần thiết để ngăn chặn sự suy thoái của thị trường.
"Nếu các công ty bắt đầu gặp khó khăn trước áp lực của giá cả tăng vọt, toàn bộ thị trường sẽ có nguy cơ sụp đổ vào một thời điểm nào đó. Vì vậy, một hiệu ứng Lehman Brothers trong hệ thống năng lượng có thể sẽ xảy ra."
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đứng trước cuộc khủng hoảng để bảo tồn nguồn cung khí đốt khi Nga đang nỗ lực cắt giảm. Công ty khí đốt Gazprom của Nga đã cắt giảm 60% dòng chảy qua đường ống Nord Stream 1 đến Đức vào tuần trước, động thái này như một phần đáp trả về những lệnh trừng phạt của phương Tây.
Đức đã tiến gần hơn một bước tới việc làm sao để phân bổ nguồn cung khí đốt hạn hẹp cho các doanh nghiệp - một động thái sẽ giáng một đòn mạnh vào trung tâm sản xuất của nền kinh tế nước này.
Tham khảo: FT, CNN