Kim ngạch xuất khẩu cao su giảm đáng kể, triển vọng kém tươi sáng
Cao su tổng hợp là chủng loại đạt lượng xuất khẩu cao nhất trong quý I/2018 với 127,3 nghìn tấn, trị giá 186,9 triệu USD.
- 26-04-2018Giá trị xuất khẩu cao su giảm mạnh
- 13-04-2018Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc giảm mạnh
- 11-04-2018Nhu cầu lốp xe và giá dầu thô cao sẽ giúp thị trường cao su "nóng" trở lại
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, giá cao su nguyên liệu tại Đồng Nai trong tháng 4/2018 tăng 500 đ/kg so với tháng trước đó, lên mức 13.000 đ/kg. Thị trường cao su Bình Phước tháng 4/2018 trầm lắng do cây cao su trong thời kỳ rụng lá, hoạt động khai thác mủ tạm dừng.
Theo ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam tháng 4/2018 ước đạt 70 nghìn tấn, trị giá 100 triệu USD, giảm 8% về lượng và giảm 12,2% về trị giá so với tháng 3/2018, nhưng tăng 35,5% về lượng và tăng 2,8% về trị giá so với tháng 4/2017. Tính đến hết tháng 4/2018, xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 331 nghìn tấn, trị giá 486 triệu USD, tăng 10% về lượng, nhưng giảm gần 20% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, quý I/2018, xuất khẩu cao su tổng hợp giảm, trong khi xuất khẩu nhiều chủng loại cao su tự nhiên tăng. Cao su tổng hợp là chủng loại đạt lượng xuất khẩu cao nhất trong quý I/2018 với 127,3 nghìn tấn, trị giá 186,9 triệu USD, giảm 5,1% về lượng và giảm 33,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Cao su SVR 3L là chủng loại có lượng xuất khẩu lớn thứ 2, đạt 37,6 nghìn tấn, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2017. Lượng xuất khẩu cao su SVR 10 đạt 29,3 nghìn tấn, tăng 51%...
Trong 3 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu cao su các loại giảm từ 25% - 30% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, cao su RSS 3 có giá xuất khẩu bình quân giảm mạnh nhất, giảm 29,7%, giá cao su tổng hợp giảm 22,4%, SVR 3L giảm 27,6%, SVR 10 giảm 26,9%, SVR CV50 giảm 28,2%...
Trên thị trường thế giới, tháng 4/2018, giá cao su ở mức thấp trong bối cảnh tồn kho cao, nhu cầu tiêu thụ yếu.
Giới chuyên gia cho rằng, thời gian tới giá cao su trên thị trường có khả năng được hỗ trợ bởi giá dầu mỏ ở mức cao khiến giá cao su tổng hợp tăng, kéo giá cao su tự nhiên tăng theo. Tuy nhiên việc giá cao su giảm kéo dài sẽ không khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng cao su, dẫn tới nguồn cung có thể giảm.
Tuy nhiên, thị trường cao su vẫn còn nhiều bất lợi do nguồn cung cao su vẫn ở mức cao do tồn kho cao su tại các nước nhập khẩu cũng như nhiều nước sản xuất lớn vẫn ở mức cao. Sau tháng 4/2018 có thể các nước sản xuất cao su chính gồm Thái Lan, Malaysia và Indinesia tăng xuất khẩu sau khi thỏa thuận cắt giảm lượng xuất khẩu kết thúc. Bên cạnh đó, thời kỳ thay lá của cây cao su kết thúc, mùa khai thác mủ cao su sẽ bắt đầu khiến nguồn cung cao su tăng…
Nhịp sống kinh tế