Kinh doanh bến bãi – miếng bánh màu mỡ không phải ai cũng có phần
Một số ông lớn ngành vận tải đang nhăm nhe nhảy vào lĩnh vực kinh doanh bến bãi. Còn những doanh nghiệp trong ngành cũng không giấu tham vọng mở rộng quy mô và thâu tóm các bến xe khác. Phải chăng đây là mảng kinh doanh béo bở?
- 01-06-2016Hà Nội quy hoạch bến xe ưu tiên phát triển ngoài vành đai 4
- 08-03-20164.000 tỷ đồng xây mới Bến xe Miền Đông
- 29-10-2015Hà Nội: Lạ kỳ bến xe có “lốt” nhưng… không có xe nào chạy
- 09-10-2015Bến xe Hà Nội đưa 9,5 triệu cổ phiếu lên sàn UPCoM
Vốn ít, lời nhiều
Kinh doanh bến bãi là một lĩnh vực "vốn ít, lời nhiều". Điều này được chứng tỏ qua kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bến xe. Doanh thu của các doanh nghiệp này đến từ thu phí dịch vụ xe ra vào, phí thuê địa điểm, trông giữ xe. Qua các năm, số lượt khách và số lượt xe ra vào bến đều tăng trưởng giúp cho doanh thu cũng tăng trưởng theo.
Trên sàn giao dịch chứng khoán, CTCP bến xe miền Tây (WCS) luôn nổi tiếng là doanh nghiệp có mức lợi nhuận trên một cổ phần (EPS) thuộc hạng nhất nhì. Năm 2015, EPS của WCS đạt hơn 19.000 đồng.
Với vốn điều lệ chỉ 25 tỷ đồng, lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp này trong nhiều năm qua luôn lớn hơn vốn điều lệ, thậm chí lớn gấp đôi.
Tương tự như vậy là CTCP bến xe Nghệ An (mã: NBS đang giao dịch trên Upcom), doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khá đều đặn và với vốn điều lệ chỉ hơn 31 tỷ đồng, mức lợi nhuận hàng năm của công ty luôn đạt trên 20 tỷ đồng. EPS từ 7.000 – 8.000 đồng.
Bến xe lớn nổi tiếng cả nước là bến xe Miền Đông mới là bến xe đứng đầu về doanh thu. Năm 2015, Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông đạt 172 tỷ đồng doanh thu thuần. Tính đến cuối năm 2015, công ty có vốn điều lệ 72 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ 141 tỷ đồng nhưng lợi nhuận gần 97 tỷ đồng. Năm trước, doanh nghiệp cũng đạt tới 92,5 tỷ đồng LNST.
Một DN bến xe mới IPO gần đây là bến tàu Quảng Ninh cũng ghi nhận doanh thu tăng đều và ổn định. Năm 2014, doanh thu đạt 34 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. ROE ở mức 7,4% - 10,6%.
Không phải ai cũng được chia phần
Một lãnh đạo của doanh nghiệp kinh doanh bến bãi nhận định, tiềm năng của lĩnh vực này rất lớn. Kinh tế phát triển đã thúc đẩy giao lưu thương mại và nhu cầu đi lại giữa các địa phương. Đặc biệt, hệ thống đường cao tốc được đầu tư xây dựng đã rút ngắn thời gian đi lại rất nhiều.
Các bến xe lớn tại Việt Nam như bến xe miền Đông tại Tp.Hồ Chí Minh, bến xe Mỹ Đình và Giáp Bát tại Hà Nội có số lượng khách hàng nghìn xe/ngày. Với tốc độ tăng trưởng của nhu cầu đi lại ngày càng lớn, phần lớn các bến xe lớn đều đã hoạt động hết công suất và đều có kế hoạch di dời để nâng cao quy mô, công suất phục vụ.
Điều này không chỉ xảy ra tại các thành phố lớn là đầu mối kinh tế mà tại các địa phương xung quanh, ví dụ như Thái Bình, Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Ninh … cũng bắt đầu quá tải.
Theo số liệu thống kê của Đại học Giao thông vận tải, số hành trình đi lại trung bình của mỗi người dân tại các đô thị lớn của Việt Nam dao động từ 2,7 – 3 chuyến đi/ngày/người. Với 90 triệu dân, nhu cầu đi lại và nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ ngày càng cao. Lĩnh vực kinh doanh vận tải và bến bãi theo đó mà ngày càng “phất”, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng bước chân được vào lĩnh vực này.
Trên sàn giao dịch, ngoài WCS, NBS, DL1 thì CTCP Hoàng Hà (HHG) – một công ty kinh doanh vận tải hành khách cũng kinh doanh bến tại bến xe khách Hoàng Hà tại Thái Bình. Được biết, một lợi thế rất lớn của DN này là tại bến Hoàng Hà, DN không phải chi tiền lệ phí bến bãi, tiết kiệm được 6,2 tỷ đồng/năm. Với dân số gần 2 triệu người, nhu cầu đi lại của người dân Thái Bình rất lớn. Hiện tại mỗi ngày có có gần 350 lượt xe khách ra vào bến xe của HHG.
Ngoài ra, Công ty này cũng góp 34,67% vốn tại CTCP bến xe khách trung tâm Cẩm Phả tại Quảng Ninh –một bến xe có doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng/năm.
Nếu như công ty bến xe miền Tây quyết định tận dụng lợi thế bến bãi để mở rộng sang lĩnh vực vận tải thì Hoàng Hà cũng không giấu tham vọng sẽ thâu tóm thêm một số bến xe khác ở miền Bắc nếu có cơ hội.
Đây đều là các lĩnh vực có tỷ suất sinh lời cao, song không phải ai cũng có thể nhảy vào lĩnh vực này. Tiền thân là các đơn vị độc lập trực thuộc Sở Giao thông vận tải của Thành phố, các doanh nghiệp kinh doanh bến xe chủ yếu là DN nhà nước, sau đó được cổ phần hóa và có sự tham gia của các nhà đầu tư khác. Đặc thù của ngành là vị trí kinh doanh phải phụ thuộc vào quy hoạch của thành phố. Và nếu không may sở hữu những bến xe có vị trí không thuận lợi thì kết quả kinh doanh không hẳn sẽ khả quan như các DN nói trên.
Trí Thức Trẻ