MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh doanh "bết bát", một cổ phiếu tăng 14 lần chỉ trong 3 tháng

Kinh doanh "bết bát", một cổ phiếu tăng 14 lần chỉ trong 3 tháng

Tính trong 3 tháng trở lại đây, cổ phiếu SDA đã tăng nóng gấp 14 lần. Theo đó, hồi đầu tháng 8, cổ phiếu SDA còn loanh quanh ở mức 4.485 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên sang đến tháng 11 mã này tăng phi mã khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ. Từ một cổ phiếu gần như không có thanh khoản, hiện khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên của SDA nâng lên mức hàng trăm nghìn đơn vị.

Thời gian gần đây, cổ phiếu SDA của Công ty Cổ phần Simco Sông Đà trở thành tâm điểm chú ý của thị trường với 10 phiên tăng liên tiếp, trong đó có 7 phiên tăng kịch trần. Đóng cửa phiên 12/11, cổ phiếu này tăng lên mức 64.500 đồng/cổ phiếu, gấp đôi so với thời điểm bắt đầu nhịp tăng từ ngày 1/11.

Kinh doanh bết bát, một cổ phiếu tăng 14 lần chỉ trong 3 tháng - Ảnh 1.

Đáng chú ý, tính trong 3 tháng trở lại đây, cổ phiếu SDA đã tăng nóng gấp 14 lần. Theo đó, hồi đầu tháng 8, cổ phiếu SDA còn loanh quanh ở mức 4.485 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên sang đến tháng 11 mã này tăng phi mã khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ. Từ một cổ phiếu gần như không có thanh khoản, hiện khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên của SDA nâng lên mức hàng trăm nghìn đơn vị.

Một thời "leo đỉnh - rớt đáy" của SDA

Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà được thành lập năm 1997, tiền thân là Trung tâm Hợp tác lao động nước ngoài Sông Đà trực thuộc Tổng Công ty Sông Đà. Song đến năm 2015, Tổng Công ty Sông Đà đã thoái toàn bộ vốn khỏi doanh nghiệp này. Hiện, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hồng Ngọc là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 15,28% vốn, tương đương hơn 4 triệu cổ phiếu SDA.

Cuối năm 2006, SDA chào sàn HNX với mức giá 74.500 đồng/cổ phiếu. Lên sàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán bùng nổ, cổ phiếu SDA cũng "thăng hoa" khi tăng gấp 4,2 lần lên mức 314.300 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng 2 tháng. Đỉnh cao của SDA được thiết lập khi chạm mốc 345.000 đồng/cổ phiếu vào phiên 22/5/2007 (giá trước điều chỉnh), tương đương mức tăng 370% kể từ khi chào sàn.

Sức nóng của cổ phiếu SDA khi đó được cho là đến từ "cơn sóng thần" mang tên cổ phiếu "họ" Sông Đà. Thời điểm ấy, tất cả cổ phiếu mang "họ" Sông Đà đều đồng loạt "nổi sóng" bất chấp quy mô và tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Kinh doanh bết bát, một cổ phiếu tăng 14 lần chỉ trong 3 tháng - Ảnh 2.

Tuy nhiên, cú knock-out lịch sử của thị trường chứng khoán vào năm 2008 khiến nhóm cổ phiếu Sông Đà tụt dốc không phanh. Cổ phiếu SDA lao từ đỉnh xuống đáy khi thị giá chỉ còn 7.410 đồng/cổ phiếu (phiên 10/6), tức mất đi gần hết giá trị chỉ trong vòng 1 năm.

Sau đợt điều chỉnh kinh hoàng này, cổ phiếu SDA có những nhịp hồi phục nhẹ, song đến năm 2011 mã này chính thức rớt xuống dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thảm hại nhất là cuối năm 2018, cổ phiếu SDA chỉ chỉ giao dịch ở vùng đáy 2.400 đồng/cổ phiếu.

Thời kỳ huy hoàng chấm dứt, cổ phiếu SDA liên tục bị HNX đưa vào "danh sách đen", thậm chí đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ 3 năm liên tiếp.

Cụ thể, năm 2013 SDA bị đưa vào diện cảnh báo và loại khỏi danh sách các mã được giao dịch ký quỹ (margin) do lợi nhuận năm 2012 âm hơn 550 triệu đồng.

Năm 2017, Công ty tiếp tục bị đưa vào diện cảnh báo và không được giao dịch margin do lợi nhuận năm 2016 âm. Sang đến năm 2018, SDA bị đưa vào diện kiểm soát do lợi nhuận âm trong 2 năm 2016 và 2017, nhung sau đó chuyển sang diện cảnh báo vì lợi nhuận ghi nhận tăng trưởng dương.

Hiện tại, cổ phiếu này vẫn đang trong diện cảnh cáo do lợi nhuận sau thuế liên tục ghi nhận số âm.

Kinh doanh lao dốc

Về tình hình kinh doanh, sau vụ thoái vốn của Tổng Công ty Sông Đà vào năm 2015, SDA liên tục ghi nhận thua lỗ trong nhiều năm.

Thống kê từ năm 2016- 2019, lợi nhuận sau thuế của SDA chưa năm nào ghi nhận con số dương. Năm 2019, doanh nghiệp này ghi nhận khoản lỗ sau thuế đến gần 62 tỷ đồng.

Sở dĩ hoạt động kinh doanh thua lỗ này đến từ những bước đi sai lầm trong chiến lược đầu tư của Công ty. Theo đó, thay vì tập trung vào mảng xuất khẩu lao động – mảng chủ lực mang về nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, SDA lại rót tiền đầu tư khai thác chế biến đá tại mỏ Nayputaung, Myanmar với tổng mức đầu tư 381 tỷ đồng.

Kinh doanh bết bát, một cổ phiếu tăng 14 lần chỉ trong 3 tháng - Ảnh 3.

Tuy nhiên, ngay sau khi đưa vào hoạt động vào năm 2014, dự án đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý và không khả thi. Theo đó, đá khai thác gặp khó tiêu thụ vì doanh nghiệp không phải đơn vị khai thác đá chính nên máy móc, thiết bị không đồng bộ. Trong hoạt động dự án ngưng trệ, SDA vẫn phải chi trả các chi phí vận hành dẫn đến dòng tiền cạn kiệt.

Trong Báo cáo thường niên năm 2020, Ban lãnh đạo Công ty cho biết sẽ tập trung giải quyết những hậu quả từ việc đầu tư tại Myanmar, trong trường hợp không thể tiếp tục sẽ tiến hành thủ tục để đóng cửa dự án.

Bên cạnh đó, Công ty còn kinh doanh bất động sản, nổi bật là dự án đầu tư xây dựng đường Bao phía Tây tại Hã Tĩnh hoàn thành từ năm 2014. Tuy nhiên, dự án này cũng không thực hiện được do gặp nhiều vướng mắc trong khâu thủ tục.

Năm 2020, tình hình kinh doanh của Công ty có khởi sắc hơn khi ghi nhận doanh thu giảm về 27,6 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế đạt 4,6 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ 62 tỷ đồng. Cần nói thêm, khoản lãi này chủ yếu đến từ việc Công ty tăng cường bán các khoản đầu tư.

Kết quả kinh doanh của SDA trong quý 3/2021 cũng không có gì đột biến để hỗ trợ giá cổ phiếu. Trong quý 3/2021, doanh thu SDA đi ngang ở mức 6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp chỉ đạt vỏn vẹn 923 triệu đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào hồi tháng 6/2021, Chủ tịch HĐQT Simco Sông Đà cho biết, năm 2021, Công ty chỉ đặt mục tiêu doanh thu 20 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 100 triệu đồng do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Minh Châu

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên