Doanh nhân Võ Trường Thành: Người vượt bão
“Mỗi lần khủng hoảng qua đi, thêm một cách nhìn khác về thế giới và khả năng thích nghi lại lớn lên”.
Thành danh từ bờ phá sản
Sau hơn 7 năm miệt mài với xưởng gỗ, ông được tín nhiệm bầu vào vị trí Giám đốc Xí nghiệp Khai thác và Chế biến lâm sản TNXP. Niềm đam mê với gỗ đã thúc đẩy vị giám đốc “ra riêng” với số vốn vay mượn 50 triệu đồng để thành lập xưởng sơ chế gỗ tại Đắk Lắk vào năm 1990. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, dồn cùng thời điểm Chính phủ ra chỉ thị cấm xuất khẩu gỗ, tưởng như xóa sổ niềm đam mê của ông.
Ông Thành nhớ lại, cuối năm 1997, quyết định cấm xuất khẩu đồ gỗ đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất gỗ tinh chế. “7 ngày liên tiếp sau chỉ thị này, chúng tôi “đóng đô” ở công ty, mong tìm được một chiến lược vẹn toàn để thoát khỏi cảnh giải thể. Bài toán đã được giải nhờ chiến lược ‘ta tắm ao ta’”, ông kể.
Sau 3 tháng đóng cửa nhà máy (năm 1998), doanh nghiệp sản xuất trở lại với cường độ thấp, tăng dần khi thị trường trong nước vào mùa mua sắm cuối năm.
“Kế hoãn binh này chỉ dùng được khi quy mô doanh nghiệp lúc đó còn nhỏ, tiêu thụ khoảng 10 container/tháng. Với công suất 400 – 500 container/tháng hiện nay, cách này không còn phù hợp”, ông nói.
Tuy nhiên, kinh nghiệm mà ông muốn chia sẻ, đó là bình tĩnh trước mọi khó khăn, giải quyết tới cùng mọi vấn đề và luôn có cái nhìn lạc quan. Trong khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành không đợi được đến khi lệnh cấm được tháo bỏ vào năm 1999, Trường Thành đã tồn tại, thậm chí ghi dấn ấn lớn. Ngay năm 1999, Công ty mua lại Công ty VINAPRIMART, mở rộng hoạt động đến Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Sau 2 tháng kể từ thương vụ này, Trường Thành đã xuất khẩu 5 container hàng đầu tiên sang châu Âu...
Áp lực trên đỉnh
Những người biết về ông thường nói, ông không thích ai hỏi về chuyện nợ nần hay khó khăn, nhất là khi sóng gió lại đang nổi lên trong ngành gỗ. Nhưng tin đồn về năng lực tài chính của Trường Thanh chắc ông khó né tránh.
Thử đặt câu hỏi rằng, ông nghĩ sao khi gỗ Trường Thành không còn ở đỉnh cao; tuyên bố trở thành “doanh nhân Top 3 ASEAN” trở nên xa vời. Mới đây, các công ty chứng khoán lại nhận định cổ phiếu TTF rủi ro vì số nợ trên 1.000 tỷ đồng…
Ông chủ gỗ khá thẳng thắn khi thừa nhận những phân tích này khá chuẩn xác. “Nhưng sẽ không công bằng vì chưa ai tiên liệu về năng lực mở rộng của chúng tôi trong khủng hoảng. Hơn thế, trong khủng hoảng, công ty nào sử dụng đòn bẩy nợ lớn sẽ có nhiều rủi ro. Chúng tôi đang gánh rủi ro đó”, ông Thành tâm sự.
Năm 2010, tiền lãi vay ngân hàng đã lên đến 171 tỷ đồng. Kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu, nhằm giảm sức ép lãi vay không khả thi...
“Những vị trí cấp cao của Trường Thành vẫn đang gắn bó với Công ty để vượt bão, tiến hành phân khúc thị trường, gia tăng đơn hàng giá trung bình, thấp bằng cách sử dụng các loại gỗ có chi phí sản xuất vừa phải. Đồng thời, tổ chức huấn luyện công nhân cách tạo ra những sản phẩm có giá thành cạnh tranh”, ông Thành chia sẻ mục tiêu chủ yếu của ông là ổn định được sản xuất và lao động.
Thị trường rồi sẽ hồi phục, khi đó, lợi thế nguồn nhân lực được đào tạo bài bản sẵn có, Trường Thành sẽ tiếp cuộc đua marathon không mệt mỏi, để đạt được điều mà ông chủ gỗ Trường Thành vẫn mong muốn là đưa Trường Thành vào Top 3 các nhà sản xuất đồ gỗ khu vực ASEAN.
Theo Hàn Nguyên
Báo Đầu tư