MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư sách điện tử: Người ham hố, kẻ hững hờ

08-04-2013 - 21:35 PM |

Có rất nhiều lý do khác nhau khiến việc đầu tư vào lĩnh vực sách điện tử của nhiều doanh nghiệp trong nước có thể trở thành một bước đi mạo hiểm.

Là một trong những người đi tiên phong trong việc đưa sách điện tử (ebook) có bản quyền ra thị trường Việt Nam, ông Trần Trọng Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Vinapo luôn hi vọng ebook có thể phát triển mạnh mẽ. Ước mơ, hi vọng là vậy, nhưng đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ này quả thực là một nước cờ mạo hiểm.

Người hối hả, kẻ hững hờ

Theo Juniper Research, doanh số ebook bán ra trên thế giới ước đạt gần 10 tỉ USD vào năm 2016

Ông Thành cho biết, tổng doanh số của ebook tại thị trường Việt Nam so với sách giấy hiện chưa được 1% vì không phải cuốn sách nào cũng có phiên bản điện tử. Với những ebook xuất bản song song với sách giấy, doanh số có thể chiếm 5% so với bản cứng, cá biệt có những cuốn có thể cao hơn chút ít. Giá sách điện tử chỉ bằng khoảng 30-50%, sách mới xuất bản có giá bán ra bằng 70% so với sách giấy. 

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu doanh nghiệp đưa vào kinh doanh khoảng 1.000 đầu sách, bán ra với giá 5-10.000 đồng/bản, mỗi đầu sách có khoảng 1.000 lượt mua thì đã có thể thu về 5-10 tỷ đồng. Đây quả thực là một con số hấp dẫn, khiến cho số doanh nghiệp tham gia vào sân chơi này ngày càng nhiều. Ngoài Alezaa - trang bán sách trực tuyến được xem là lớn nhất thị trường trong nước hiện nay do Vinapo đầu tư, thì những cái tên như Lạc Việt, Công ty TNHH sách điện tử Trẻ (Ybook), Viettel… cũng đã khiến cho thị trường trở nên sôi động hơn.

Để thu hút khách hàng, mỗi đơn vị đều lựa chọn cho mình những chiến lược marketing khác biệt. Là nhà đầu tư của Alezaa, ông Thành cho biết, trong thời gian tới sẽ hướng tới đối tượng khách hàng là sinh viên và khối làm việc trong văn phòng, bởi họ là những người tiên phong, có thiết bị (laptop, PC, máy tính bảng, smart phone…) và có thói quen thanh toán trực tuyến. Nếu như ở thời điểm cuối năm 2011, lượng sách trên Alezaa mới khoảng 800 cuốn thì đến năm 2012 đã lên tới con số 3.000 với đủ thể loại từ văn học, khoa học cho tới tài liệu, văn bản luật hay giáo trình.

Trong khi đó, với thế mạnh của một công ty công nghệ, Lạc Việt đã số hóa khoảng 5.000 đầu sách, đồng thời tự phát triển định dạng sách điện tử riêng và bộ đọc LacViet-reader nhằm tránh sao chép… Để thu hút khách hàng, công ty này còn đưa ra hình thức gói đọc sách trực tuyến, từ mức nạp 10.000 đồng được đọc trong vòng 10 ngày, đến mức 50.000 đồng để đọc thoải mái toàn bộ kho sách trong vòng ba tháng. 

Viettel thì lại sẵn sàng áp dụng chính sách khuyến mãi cho khách hàng như mỗi đầu sách tại Anybook có giá chỉ từ 2.000 đồng đến 15.000 đồng, thấp hơn hẳn so với các nhà phân phối sách điện tử khác trên thị trường. Hơn nữa, chi phí thanh toán cho các đầu sách được trừ trực tiếp vào tài khoản di động mà không yêu cầu khách hàng phải có tài khoản ngân hàng, tài khoản Master/Visa hoặc ví điện tử.

Trong khi các công ty công nghệ đang hối hả và hi vọng có thể tạo ra được một sức bật trên thị trường thì những người làm kinh doanh của các nhà xuất bản, công ty phát hành sách lại tỏ ra dè dặt hơn nhiều. Khi được hỏi về việc một nhà xuất bản lớn như Alphabook kinh doanh ebook như thế nào, ông Trần Hồng Giang, Giám đốc dự án Công ty cổ phần Alpha không ngần ngại tiết lộ: "Trong năm nay, chúng tôi vẫn chưa quyết định đầu tư vào việc phát triển kinh doanh dịch vụ ebook mà mới chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm đối tác để hợp tác cung cấp nội dung cho họ. (Alpha Books cung cấp nội dung, đối tác sẽ số hóa nội dung và bán hàng - TG)". 

"Doanh số thu về là từ 40-70% tổng doanh số ebook bán ra. Tuy nhiên, tổng doanh số thực tế mà Alpha Books thu được về trong hai năm vừa qua là một con số rất nhỏ, không đáng kể. Thời gian sắp tới chúng tôi vẫn tiếp tục quan tâm tới ebook, nhưng chỉ ở mức độ hợp tác chứ chưa đầu tư". Theo ông Giang, Alphabook có thế mạnh về bản quyền sách, nhưng lại có điểm yếu về công nghệ nên khi tham gia sân chơi này sẽ có nhiều bất lợi.

Khó thay đổi thói quen

Thói quen đọc miễn phí chính là rào cản lớn nhất cho sự phát triển của ebook

Lo ngại của Alphabook là hoàn toàn có cơ sở khi thói quen thích đọc sách giấy của người Việt vẫn khó mà thay đổi. Bằng chứng là tại hội chợ sách quốc tế Việt Nam lần thứ 4 diễn ra cách đây ít lâu gian hàng của Alezaa bị lọt thỏm giữa các quầy sách giấy khác. Lý do không phải là do gian hàng này không được trang trí đẹp hay nhà đầu tư không chú trọng công tác quảng bá mà bởi lẽ, bạn đọc vẫn không quen với việc sách được lưu giữ trong hệ thống máy tính và đọc nó trên các thiết bị cầm tay.

Ngoài nguyên nhân chính trên, một chuyên gia phụ trách ebook của Lạc Việt còn viện dẫn một số lý do khiến ebook tại Việt Nam chưa thể phát triển. Chẳng hạn, không công ty Việt Nam nào dám phát triển ebook trên các máy đọc sách chuyên dụng dùng loại màn hình e-link (Amazon Kindle hay Nook) do lo ngại về mất cắp bản quyền. Hiện tại tất cả các công ty ebook ở Việt Nam chỉ cho đọc trên các smartphone, Tablet, PC màn hình màu thông thường. "Thói quen đọc chính là rào cản lớn nhất. Nhiều người cũng thích đọc sách điện tử, nhưng họ thích đọc "chùa" mà không muốn bỏ tiền ra mua ebook", ông Trần Trọng Thành nhấn mạnh.

Thêm vào đó, một lượng ebook không có bản quyền khổng lồ được phát tán tràn lan trên các trang mạng khiến cho việc kinh doanh sách đã khó lại càng khó hơn. Ngay cả những nhà sách có tiếng cũng phải chịu ngậm bồ hòn làm ngọt khi phát hiện ra sách của mình được đưa lên thành sách điện tử hoặc cho không hoặc được bán với giá bèo bọt. Để tháo gỡ tình trạng trên, trước mắt những công ty kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn đang nỗ lực tìm kiếm, nâng cấp hệ thống công nghệ để ngăn chặn tình trạng "ăn cắp bản quyền". Nhưng phải thừa nhận rằng, việc này phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người đọc.

Rõ ràng khó khăn trước mắt của những người làm kinh doanh ebook vẫn còn rất nhiều. Tuy thế, khi được hỏi, liệu có đủ sức để theo đuổi một cuộc chơi đầy tính mạo hiểm như thế này, ông Thành vẫn tỏ ra hết sức lạc quan khi cho rằng, ebook "sẽ bùng nổ trong năm tới", khi bạn đọc bắt đầu nhận ra sự tiện lợi của việc đọc sách điện tử, cũng như số lượng sách được số hóa tăng lên ngày một nhiều hơn.
 
Theo Nguyễn Ngọc
Ảnh: T.L

tanhoa

Doanh nhân

Trở lên trên