MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh nghiệm giao hàng (ship) cho mua bán trực tuyến thời Covid-19 ở Trung Quốc

26-07-2021 - 21:44 PM | Tài chính quốc tế

Kinh nghiệm giao hàng (ship) cho mua bán trực tuyến thời Covid-19 ở Trung Quốc

Khi Vũ Hán (Trung Quốc) bị phong tỏa và dịch Covid-19 cực kỳ nghiêm trọng, các dịch vụ giao hàng và người giao hàng (còn gọi là shipper) tại đây được xác định là một kênh quan trọng để đảm bảo lưu thông hàng hóa.

Tại Bắc Kinh cũng vậy, dịch bệnh càng nghiêm trọng, công việc của shipper càng nhiều. Tất nhiên, họ phải là những người làm việc trong các công ty chuyển phát nhanh hoặc giao đồ chính thống, hoạt động quy củ và chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước.

Trên thực tế, cũng đã có trường hợp shipper bị mắc Covid-19 ở Trung Quốc, nhưng tỷ lệ không cao. Do diện tiếp xúc rộng, nên họ cũng được đưa vào đối tượng có nguy cơ cao. Hồi tháng 6/2020, Sở Thương mại Bắc Kinh đã yêu cầu những người này phải có kết quả xét nghiệm âm tính mới được làm việc. Sau này, shipper cũng nằm trong nhóm được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19.

Do yêu cầu giãn cách xã hội trong dịch bệnh, dịch vụ “giao hàng không tiếp xúc” được thực hiện ở Trung Quốc khá sớm. Tại Bắc Kinh, dịch vụ này có từ tháng 2/2020, thời điểm dịch bùng phát nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc.

Thời kỳ đầu, các khu nhà, kể cả chung cư và các khu nhà trong phố, chỉ thiết kế kệ để đồ ở cổng. Các nhân viên giao hàng sẽ mang đồ để vào đó rồi gọi điện cho người dân tự xuống nhận. Vào thời kỳ đỉnh dịch, tất cả các khu dân cư ở Bắc Kinh và Trung Quốc, kể cả các ngõ nhỏ cũng đều thiết lập trạm gác, người dân ra vào phải khai báo, đặc biệt là người lạ, do vậy việc thực hiện “giao hàng không tiếp xúc” diễn ra hết sức thuận lợi.

Sau này, để đảm bảo mỹ quan và an toàn, tránh tình trạng lấy nhầm đồ của nhau hoặc hiện tượng lấy cắp đồ của người khác, các công ty chuyển phát nhanh đã thiết kế các tủ đựng đồ tại các khu dân cư, đặc biệt là chung cư. Hàng sẽ được để vào tủ và người dân sẽ nhận được mã để mở tủ lấy hàng hóa. Đến nay, biện pháp này vẫn đang được thực hiện và về cơ bản chưa gây bất tiện cho người sử dụng, cũng như người giao hàng và công ty chuyển phát nhanh.

Không phải bây giờ mô hình tủ đồ chuyển phát nhanh mới có ở Trung Quốc. Do đặc thù sinh viên không phải lúc nào cũng có thể ra lấy đồ khi giao hàng mang đến, nên nhiều trường đại học nước này từ lâu đã có khu riêng dành cho các tủ đồ như vậy. Dịch bùng phát, khiến mô hình này được nhân rộng.

Tất nhiên, có một số yếu tố khiến việc thực hiện “giao hàng không tiếp xúc” ở Trung Quốc diễn ra khá suôn sẻ. Thứ nhất, Trung Quốc có ngành chuyển phát nhanh rất phát đạt và chuyên nghiệp, giá thành khá rẻ. Do đó, thương mại điện tử ở Trung Quốc cực kỳ phát triển. Thứ hai, người Trung Quốc có thói quen thanh toán trực tuyến. Giờ đây, người dân nước này, đặc biệt là giới trẻ thậm chí rất ngại sử dụng tiền mặt. Thứ ba, hệ thống camera ở Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh khá dày đặc. Điều này giúp hạn chế xảy ra tình trạng mất bưu kiện hoặc hàng hóa chuyển phát nhanh.

Cho đến giờ, khi thủ đô Bắc Kinh đã kiểm soát rất tốt dịch Covid-19 thì dịch vụ giao hàng không tiếp xúc vẫn tiếp tục được duy trì. Đây là kinh nghiệm mà chúng ta có thể tham khảo trong quản lý hoạt động giao hàng công nghệ, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa, vừa tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người lao động mà vẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh./.

Theo Bích Thuận

VOV

Trở lên trên