MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh nghiệm từ những người mua được nhiều nhà và đất: Nhìn 1 điểm trong bảng chi tiêu mà ai cũng nể

06-12-2024 - 13:27 PM | Sống

Trước tình hình bất động sản tăng cao, nhiều người trẻ sống tiết kiệm để mua được nhà và đất của riêng mình.

Giá bất động sản ngày càng tăng cao khiến việc sở hữu nhà và đất trở thành ước mơ xa vời với nhiều người trẻ. Để mua được nhà, có những người đã chấp nhận sống tiết kiệm, không ngại mang nợ nhưng đổi lại là căn nhà hoặc mảnh đất của riêng mình.

Vẫn ở nhà thuê nhưng đã có 3 mảnh đất, 1 chiếc ô tô

Minh Phương (SN 1992) và chồng kết hôn từ năm 2019. Cho đến nay, cả hai vẫn ở nhà thuê, vẫn đi xe máy như hồi mới cưới, nhưng giờ đã có thêm 1 chiếc ô tô và 3 cuốn sổ đỏ.

Mảnh đất đầu tiên mà Minh Phương mua là ở Hải Dương - quê của chồng, với giá gần 800 triệu. Lý do mà cặp đôi chọn mua mảnh đất này là vì chúng nằm gần nhà bố mẹ chồng, vị trí đẹp mà giá không quá đắt đỏ. Khi đó, họ có 680 triệu gồm 580 triệu tiết kiệm từ thời độc thân, cộng thêm một phần tiền mừng cưới và bán vàng cưới. Sau đó, họ vay thêm từ bạn bè gần 100 triệu, đã hoàn thành trả hết nợ trong năm 2018.

Đến năm 2021, vợ chồng Minh Phương tiếp tục mua thêm 1 mảnh đất ở Hưng Yên. Sang năm 2022, vợ chồng cô mua được 1 chiếc ô tô 4 chỗ đã qua sử dụng. Và tháng 9 vừa qua, vợ chồng cô lại mua thêm được 1 mảnh đất ở Bắc Giang.

Để mua được 3 mảnh đất, họ đã làm việc chăm chỉ, khi tích được 1 khoản đủ thì sẽ vay thêm để đủ tiền mua. Minh Phương chia sẻ: “Sau khi trả hết nợ vay mua mảnh đất đầu tiên, chúng mình tiết kiệm lại từ đầu, đến khi hòm hòm thì bàn chuyện mua thêm đất. Tiền tiết kiệm không đủ thì đi vay, xong rồi lại cày cuốc trả nợ. Trả xong nợ, lại tiết kiệm, rồi lại đi vay để mua xe hoặc mua đất tiếp.

Nói chung, lúc nào chúng mình cũng trong cảnh… đang đi vay nợ cả. Ngoài tiền chi tiêu sinh hoạt hàng tháng, vợ chồng mình chỉ có khoảng 10-12 triệu phòng thân thôi, cũng chẳng có sổ tiết kiệm luôn”.

Vì chưa có con nhỏ, nên vợ chồng Minh Phương thấy việc gửi tiền tiết kiệm không thực sự tối ưu dòng tiền, việc giữ nhiều tiền mặt để phòng thân cũng không cần thiết, vì may mắn, cuộc sống của vợ chồng cô cũng ít vấn đề phát sinh. Vậy nên họ vẫn thấy an tâm tài chính dù “cứ hết nợ cũ là lại có nợ mới”.

Kinh nghiệm từ những người mua được nhiều nhà và đất: Nhìn 1 điểm trong bảng chi tiêu mà ai cũng nể- Ảnh 1.

Vừa trả hết nợ, cặp đôi lại tích tiền để mua thêm đất (Ảnh minh họa)

Lương 20 triệu vẫn có nhà và đất

Đó là câu chuyện của Trúc Phương (SN 1985) làm việc trong ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Cô mua căn hộ đầu tiên vào tháng 12/2015, diện tích 50m2 với giá 660 triệu đồng. Thời điểm đó, Trúc Phương mua nhà với lãi suất trả nợ là 5%/năm, thời hạn trả góp là 15 năm. Do nhận thấy những ưu đãi nên cô nhanh chóng quyết định mua nhà để sớm sở hữu bất động sản cho riêng mình.

Đến năm 2021, Trúc Phương mua thêm mảnh đất ở huyện Củ Chi, diện tích 85m2 với giá 850 triệu đồng, lãi suất vay nợ 12,5%. Khi mua đất, Trúc Phương có 40% giá trị miếng đất, 10% còn lại cô mượn từ gia đình không trả lãi, còn lại bao nhiêu thì vay ngân hàng. Sang năm 2022, cô đã xây nhà ở trên mảnh đất này.

Hiện, Trúc Phương đã trả nợ vay mua căn hộ trong 7 năm, còn nợ vay mua đất được gần 4 năm. Cô dự định khoảng 7 năm sau thì sẽ hoàn thành việc trả nợ mua nhà và đất. Trúc Phương nhớ lại, ở thời điểm mua đất, cô đã ước lượng 60-70% thu nhập của bản thân sẽ dùng để trả nợ, còn lại là dùng để chi tiêu sinh hoạt.

Kế hoạch trả nợ của Trúc Phương hiện nay như sau: Hàng tháng, cô nhận tổng thu nhập khoảng 20 triệu đồng, với mức lương văn phòng 14 triệu đồng, 5 triệu đồng đầu tư bất động sản và 1-2 triệu đồng từ công việc làm thêm bên ngoài. Sau đó, cô dành 9,5 triệu đồng để trả nợ mua nhà và đất. Với mức thu nhập còn lại khoảng 10 triệu đồng, Trúc Phương dùng để chi trả các khoản chi tiêu khác trong cuộc sống.

Ngoài ra, cuối năm, cô nhận tiền thưởng 40-50 triệu đồng. Những năm trước đó, số tiền thưởng đều được Trúc Phương dùng để trả nợ vay mua bất động sản từ người thân.

Từ kinh nghiệm cá nhân, Trúc Phương chia sẻ những lời khuyên trong việc chọn mua đất: “Mình mua đất với tiêu chí thứ nhất là có thể cất nhà, cũng như vay ngân hàng để mua được. Mọi người không nên mua nhà không có sổ và vi bằng, không có thổ cư thì sẽ không vay ngân hàng được. Mình chấp nhận mua nhà xa trung tâm, cách chỗ đi làm khoảng 7km nên cũng không xa lắm. Đổi lại, mảnh đất có giấy tờ hợp lệ, không dính quy hoạch, có thổ cư, đất không bị lấn chiếm và xung quanh có an ninh đảm bảo".

Kinh nghiệm từ những người mua được nhiều nhà và đất: Nhìn 1 điểm trong bảng chi tiêu mà ai cũng nể- Ảnh 2.

Từ mảnh đất đã mua, Trúc Phương đã xây căn nhà xinh xắn cho mình (Ảnh: NVCC)

Kinh nghiệm từ những người mua được nhiều nhà và đất: Nhìn 1 điểm trong bảng chi tiêu mà ai cũng nể- Ảnh 3.

Bên trong căn hộ đang được mang đi đầu tư của Trúc Phương (Ảnh: NVCC)

Sống tiết kiệm để mua được nhà và đất

Minh Phương cho hay, hàng tháng vợ chồng cô chỉ tiêu tối đa khoảng 17-19 triệu cho chi phí sinh hoạt, trong khi họ kiếm được tổng thu nhập là 60 triệu. Số tiền còn lại, họ gom để trả nợ mua đất, mà trả hết nợ rồi thì tích dần, để dành mua đất tiếp.

Cặp đôi chia sẻ về bảng chi tiêu hàng tháng: "Vì vợ chồng mình chưa có con, nên chi tiêu thoải mái lắm cũng chỉ hết 17-19 triệu là tối đa. Trong đó:

- Tiền thuê nhà cùng tiền điện nước, phí dịch vụ, phí gửi xe (1 xe máy, 1 ô tô): 7,8 triệu đồng

- Tiền ăn: 5 triệu đồng

- Mua sắm đồ dùng gia đình (dầu gội, sữa tắm, nước giặt,...): 1 triệu đồng

- Tiền tiêu vặt của 2 vợ chồng (chủ yếu là để giao lưu bạn bè): 4 triệu đồng

- Tiền xăng: 1,2 triệu đồng.

Đấy là mình tính xông xênh, chứ thực ra có tháng, 2 đứa còn tiêu không đến 15 triệu. Nói chung là đi làm cũng bận, lại chưa có con nhỏ và cũng không ham mua sắm, nên việc quản lý chi tiêu với chúng mình cũng nhẹ nhàng, không quá áp lực".

Kinh nghiệm từ những người mua được nhiều nhà và đất: Nhìn 1 điểm trong bảng chi tiêu mà ai cũng nể- Ảnh 4.

Dù kiếm được 60 triệu nhưng Trúc Phương chỉ chi khoảng 17-19 triệu/tháng cho chi phí sinh hoạt. Còn lại họ tiết kiệm và trả nợ mua đất (Ảnh minh họa)

Còn về phía Trúc Phương, hiện sau khi trừ đi tiền trả nợ làm nhà và mua đất, cô dành khoảng 10 triệu cho chi phí sinh hoạt - đây là một mức chi tiêu khiêm tốn với nhiều người. Tuy nhiên, Trúc Phương cảm thấy bản thân vẫn sống rất dư dả và thoải mái với cuộc sống của mình.

Trúc Phương sống tiết kiệm, mua sắm đơn giản và không chạy theo những trào lưu công nghệ. Bên cạnh đó, cô còn giữ thói quen mua vàng hàng tháng từ 5 phân - 1 chỉ để tích lũy tài sản. Cô cho rằng, cứ mua vàng để dành thì không bao giờ lo lỗ, đến khi cần đến thì bán đi mới thấy chúng đáng giá.

“Nếu lương tầm 8-10 triệu đồng/người mà ở ngoại thành ăn uống đơn giản, không mất tiền thuê nhà thì mình nghĩ thừa sức mua bất động sản. Mình không thể làm nhà cao cửa rộng thì cũng đủ che nắng, che mưa. Nếu bạn hiện không cần phải ở trọ thì chắc chắn làm được.

Một điều quan trọng là giữ lương ổn định lâu dài. Vì khi mua đất và nhà thì cũng giống như bạn đi xin visa các nước. Nếu bạn muốn vay ngân hàng thì người ta sẽ xét yếu tố lương bạn có ổn định không, bạn có đủ khả năng chi trả hay không. Sau đó, họ mới dám cho bạn vay tiền mua bất động sản", Trúc Phương nhắn nhủ.

Theo Vân Anh

Thanh niên Việt

Trở lên trên