MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế cần có phương án cho "hậu Covid-19"

Ngay từ bây giờ, doanh nghiệp cần bám sát diễn biến cung cầu hàng hóa trên thế giới, chuẩn bị tâm thế tốt nhất cùng phương án hợp lý để ứng phó và phục hồi nhanh khi dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng diễn biến theo chiều hướng phức tạp, tin đồn, tin giả xuất hiện và gia tăng đã khiến thị trường tài chính và mua bán hàng hóa nguyên liệu gánh nhiều thiệt hại. Thị trường hàng hóa cũng không tránh khỏi bị "đong đưa" theo số liệu thống kê dịch bệnh và chịu rủi ro không hề nhỏ.

Khó khăn khắp nơi

Ngay sau khi Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch bệnh, đã có khoảng 2.000 cửa hàng thuộc chuỗi cà phê Starbucks và hàng trăm tiệm McDonald’s tại Trung Quốc đóng cửa. Giá cà phê trên sàn kỳ hạn London (Anh) bốc hơi gần 80 USD/tấn chỉ trong một ngày giao dịch. Giá dầu thô đang đà tăng bất ngờ hụt hơi vì dịch bệnh. Bản thân Trung Quốc - công xưởng của thế giới - cũng giảm mạnh nhu cầu, trong đó chỉ riêng một nhà máy lọc dầu lớn nhất của nước này giảm 600.000 thùng/ngày do nhu cầu sản xuất trong nước giảm.

Kinh tế cần có phương án cho hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Ngành vận tải tàu biển quốc tế lẫn Việt Nam đều bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch Covid-19 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ước tính mỗi năm, Trung Quốc có 150 triệu lượt người đi du lịch nước ngoài nhưng nay số này chắc sẽ giảm mạnh. Tại Trung Quốc, nhiều hãng hàng không nội địa và quốc tế đang "xếp cánh". Hãng cung cấp dữ liệu du lịch toàn cầu (Official Aviation Guide of the Airways - OAG tại Anh) cho biết chỉ trong một tuần tính đến hết ngày 5-2 vừa qua, số chuyến bay vào/ra Trung Quốc giảm hơn 25.000 lượt so với 2 tuần trước đó và có đến 30 hãng hàng không ngưng bay. Trong tình huống lạc quan phải đến tháng 4-2020, khi mùa nắng nóng góp phần đẩy lùi dịch Covid-19, tâm lý của khách du lịch trong và ngoài Trung Quốc vẫn còn nhiều ái ngại.

Trong khi đó, ngành vận tải hành khách và du lịch có thể phải mất thêm vài ba tháng nữa để chờ hành khách lấy lại tâm trạng như bình thường. Nhiều hãng vận tải hàng hóa bằng hàng không báo đến nay vẫn chưa thể tìm nguồn hàng từ đâu để bù đắp cho lượng hàng hóa ngừng xuất từ nội địa Trung Quốc từ trước Tết nguyên đán. Tuy vận tải hàng hóa bằng đường hàng không mỗi năm chiếm 1% tổng tải trọng hàng hóa toàn cầu nhưng giá trị lên tới 6.000 tỉ USD - theo dữ liệu của hãng Boeing (Mỹ), nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới.

Vận tải biển cũng chịu cảnh tương tự bởi Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô số 1 thế giới, nay nhiều hãng xưởng tại tâm dịch phải ngừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Chỉ số BDIY (Baltic Exchange Dry Index - Vận tải tàu biển hàng hóa khô như gạo, cà phê) nay nằm ở mức 421 điểm, là mức thấp nhất tính từ tháng 3-2016, sụt mạnh mẽ so với mức 2.530 điểm hồi tháng 9-2019.

Những rủi ro của Việt Nam

Tác động của dịch bệnh đến kinh tế tất yếu không chỉ dừng lại ở Trung Quốc mà ảnh hưởng đến Việt Nam, trong đó nặng nề nhất là khu vực sản xuất và nông dân. Nhiều tỉnh, TP của Trung Quốc bị phong tỏa toàn phần hoặc bán phần dẫn đến hàng hóa nông sản, thủy sản Việt Nam nhiều ngày bị ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc. Nông dân và nhiều nhà kinh doanh một phen điêu đứng.

Trung Quốc còn là thị trường lớn của Việt Nam trong ngành du lịch. Một khi dịch chưa có dấu hiệu được khống chế, chuyện làm ăn kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vẫn còn đầy khó khăn.

Mặt khác, dù là nước xuất khẩu nông sản và nhiều loại hàng hóa đi nhiều hướng khác nhau ngoài Trung Quốc nhưng nỗi lo của các nhà cung cấp ở Việt Nam vẫn không hề nhỏ. Các nhà phân tích thị trường cho rằng giá hàng hóa nguyên liệu nói chung như gạo, cà phê, bông vải, cao su, đậu nành… và kể cả giá cổ phiếu sẽ còn biến động mạnh gây bất lợi cho các nước sản xuất và các nhà đầu tư thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, các loại hàng hóa khác, kể cả dầu thô và nông sản, do nhu cầu tiêu thụ bấp bênh, các ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng do ngại rủi ro… nên thị trường sẽ còn nhiều khó khăn.

Với Hàn Quốc, đây là nhà đầu tư nước ngoài lớn của Việt Nam và là quốc gia có hoạt động giao thương quan trọng với chúng ta. Tình hình dịch bùng phát ở nước này cũng có thể là nguy cơ tác động đến đầu tư, thương mại của Việt Nam và cần đề phòng trước tình huống này.

Chính vì vậy, các DN xuất nhập khẩu nên xem những thông tin về vận tải hàng hóa cũng như nhiều lĩnh vực khác trong những ngày tới là kênh tham khảo quan trọng để tránh được các thông tin không chính xác và quản trị được rủi ro về giá cả. Điều này đặc biệt cần thiết để các nhà kinh doanh chọn hướng đi đúng đắn, hồi phục được nhanh chóng ở thời kỳ "hậu dịch bệnh Covid-19". 

Điều tiết hàng hóa xuất khẩu hợp lý

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Công Thương khuyến cáo các DN thường xuyên cập nhật thông tin để điều tiết lượng hàng hóa lên cửa khẩu, phù hợp với tình hình. Để giảm thiểu những nguy cơ, tác động tiêu cực, Bộ Công Thương đề nghị UBND các địa phương phối hợp, chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn, rà soát, thống kê cụ thể, chi tiết sản lượng từng loại hàng nông sản, trái cây đã, đang và sắp thu hoạch; tiêu chuẩn chất lượng; năng lực cạnh tranh của các loại hàng hóa nêu trên để đánh giá khả năng và xây dựng kế hoạch chuyển hướng tiêu thụ. M.Chiến

Đề nghị được hỗ trợ sau dịch

Theo thông tin từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đang gặp một số vướng mắc liên quan đến cơ chế quản lý, khai thác, đầu tư tài sản khu bay và đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

Trong đó, khu bay là hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không quan trọng nhất, quyết định thị trường kinh doanh cảng hàng không. Các hạng mục khu bay phải được quản lý, khai thác đồng bộ, liên tục bởi một đầu mối khai thác, theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Mặt khác, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng khu bay theo quy hoạch cảng hàng không đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, trong khi nguồn thu từ giá cất hạ cánh không thể bù đắp và nguồn vốn ngân sách hạn chế. ACV đã báo cáo và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng chấp thuận phương án giao tài sản khu bay cho ACV theo hình thức tăng vốn nhà nước tại ACV. Theo đó, tăng vốn điều lệ của ACV trên cơ sở cổ đông nhà nước góp vốn bằng giá trị tài sản khu bay.

Về đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không, ACV gặp vướng mắc ở một số vấn đề pháp lý liên quan tới quy trình, thủ tục đầu tư; quyền đầu tư; giao đất...

Trong khi đó, ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, ACV cho biết qua đánh giá sơ bộ, đến hết năm 2020, tổng sản lượng vận chuyển giảm hơn 35 triệu hành khách, lợi nhuận ước giảm 6.000 tỉ đồng so với kế hoạch năm. Do đó, ACV kiến nghị Chính phủ xem xét, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt với 2 dự án nêu trên để đáp ứng nhu cầu khai thác khi thị trường hồi phục.

Tương tự, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN có văn bản gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam xóa dư nợ lãi đối với các tàu vay mua đóng mới, khoanh nợ gốc... Đồng thời, kiến nghị các ngân hàng thương mại ngoài nên giảm lãi suất cho vay đối với các DN thuộc tổng công ty, khoanh nợ gốc. Đặc biệt, kiến nghị Bộ Công Thương kêu gọi phía Trung Quốc sử dụng dịch vụ vận tải biển của Việt Nam để vận chuyển hàng xuất nhập khẩu trong giai đoạn cửa khẩu đường bộ bị đóng. T.Dương

Theo Nguyễn Quang Bình

Người lao động

Trở lên trên