MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Đà Nẵng sa sút

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 6,21%, xếp thứ ba trong 5 tỉnh trọng điểm miền Trung.

Một trong những nguyên nhân được ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, chỉ ra là giai đoạn đầu năm 2019, TP phải vật lộn, khắc phục những vướng mắc xung quanh Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ về đất đai dẫn đến nhiều dự án đóng băng.

Vật lộn với sai phạm đất đai

Báo cáo tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng vừa qua, UBND TP Đà Nẵng cho hay tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn TP 6 tháng đầu năm 2019 ước tăng 6,21%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (7,24%). Trong đó, dịch vụ tăng 7,69%; công nghiệp - xây dựng tăng 4,94%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,9% và thuế sản phẩm tăng 2,31%.

Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng, thừa nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP đạt thấp so với kế hoạch. Thời gian qua, TP Đà Nẵng đã quyết liệt trong việc thực hiện Kết luận 2852 về sai phạm đất đai của Thanh tra Chính phủ. Việc khắc phục vướng mắc, sai phạm còn kéo dài do liên quan tới thủ tục pháp lý. Bên cạnh đó, công tác điều tra các sai phạm vẫn đang diễn ra nên đã ảnh hưởng đến tâm lý của một bộ phận công chức. "Quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục liên quan đến giao đất, thực hiện nghĩa vụ quy hoạch tài chính còn tồn đọng khá nhiều đã làm giảm mức đóng góp của tăng trưởng kinh tế từ nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư" - ông Sơn lý giải.

Cũng theo ông Trần Phước Sơn, 6 tháng đầu năm 2019, TP Đà Nẵng tập trung vào phát triển y tế, giáo dục, môi trường..., những lĩnh vực này không đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, TP đầu tư 7.000 tỉ đồng cho môi trường, 3.000 tỉ đồng cho y tế, 2.895 tỉ đồng cho giáo dục và 3.000 tỉ đồng cho văn hóa - thể thao.

Kinh tế Đà Nẵng sa sút - Ảnh 1.

Khu đô thị quốc tế Đa Phước được kỳ vọng sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế của TP Đà Nẵng nhưng đang bị ách tắc

Chấp nhận chậm để phát triển bền vững

Theo ông Trần Phước Sơn, các ngành giảm hoặc tăng trưởng chậm chiếm tỉ trọng lớn nằm trong cơ cấu ngành công nghiệp (gần 57%). Trong đó, các ngành sản xuất chủ lực như sản xuất sắt, thép giảm 35,7%, chủ yếu do 2 nhà máy Dana - Ý, Dana - Úc dừng hoạt động; dệt giảm 29,1% do Công ty CP Vinatex quốc tế tại Đà Nẵng dừng hoạt động phân xưởng dệt vải; sản xuất phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe giảm 20,4%... Hàng loạt ngành khác như điện tử, chế biến thủy sản, sản xuất hóa chất cũng giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chủ quan, theo ông Sơn, do TP Đà Nẵng đang định hướng phát triển theo chiều sâu, mang tính bền vững theo Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị cùng với các chủ trương của Thành ủy, HĐND… Trong đó, lãnh đạo TP đã rà soát điều chỉnh quy hoạch một số khu vực ven sông, ven biển và rà soát, khắc phục những bất cập; tạm dừng sản xuất đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

"Việc rà soát này trước mắt ảnh hưởng nhất định đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lợi ích của doanh nghiệp. Về lâu dài, TP luôn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, phục vụ tốt hơn cho cộng đồng và hài hòa lợi ích giữa cộng đồng, doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của TP" - ông Sơn phân tích.

Nói thêm về vấn đề này, ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng có 2 yếu tố chính ảnh hưởng đến nhịp độ phát triển kinh tế của Đà Nẵng. Đó là tăng trưởng của sản xuất công nghiệp và xây dựng chưa tới 5%, chỉ số phát triển công nghiệp chỉ 4% (dự kiến là 7,2%).

Ông Thơ cho rằng việc này chủ yếu do TP đang trong quá trình điều chỉnh chính sách công nghiệp, thu hẹp ngành sản xuất gây ô nhiễm. "Do ý chí của mình. Đang điều chỉnh, chỉnh trang lại nên phải chấp nhận sụt giảm. Không thể cùng một lúc đạt được tất cả mọi thứ mà chấp nhận để bảo đảm phát triển bền vững" - ông Thơ nhấn mạnh.

Ưu tiên các dự án nhà ở

Về giải pháp, ông Trần Phước Sơn cho rằng TP và các sở - ngành cần tập trung rà soát chủ trương để điều chỉnh, khắc phục những bất cập hiện tại nhưng phải nhất quán với mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp; rà soát quỹ đất ở các khu công nghiệp để thu hồi, tạo quỹ đất bố trí cho các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất…

Ông Sơn cũng đề ra các giải pháp như chú trọng tăng trưởng ngành dịch vụ du lịch; chống thất thu thuế...; đề nghị Sở Xây dựng, Văn phòng Đăng ký đất đai các quận, huyện ưu tiên rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đất đai, giấy phép xây dựng để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, cá nhân triển khai dự án và các công trình nhà ở vì đây là nguồn lực đóng góp trực tiếp vào giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp và xây dựng.

Hàng loạt dự án bị kẹt

Ông Lê Xuân Hòa, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng, cho biết tính đến nay, TP đã thực hiện xong 3/5 nội dung của Kết luận 2852; thu 44% tiền về ngân sách, điều chỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp không đúng thời hạn đạt 25%. TP Đà Nẵng đã điều chỉnh 153/978 trường hợp tương tự về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Còn theo ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, nhiều dự án của TP đang bị ách lại bởi nằm trong quá trình điều tra, thanh tra của Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ, gồm: Các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà, dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước, khu đất nhà hàng và bến du thuyền khu vực phía Nam cảng sông Hàn.

Theo BÍCH VÂN

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên