Kinh tế Đức rơi vào suy thoái: Cú sốc năng lượng và làn sóng xe điện đã góp phần 'quật ngã' nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu như thế nào?
Kinh tế Đức đang đứng trước nguy cơ trượt dài và điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ châu Âu.
- 25-05-2023Kinh tế Đức chính thức rơi vào suy thoái
- 12-05-2023Canh bạc tỷ USD của Đức cho cuộc đua chip điện tử
- 10-05-2023Sau Mỹ, tới lượt hệ thống ngân hàng Đức gặp chuyện?
Chính thức rơi vào suy thoái
Nhiều thập kỷ nay, Đức vẫn luôn đóng vai trò là cỗ máy chính, đầu tàu kinh tế kéo “lục địa già” thoát khỏi nhiều cuộc suy thoái. Tuy nhiên, giờ đây sự kiên cường đó đã bị phá vỡ. Và theo Bloomberg, đó là một điều rất nguy hiểm đối với kinh tế châu Âu.
Sự thịnh thượng của nước Đức đang bị đe dọa nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Nguyên nhân đến từ cả phía chủ quan và khách quan: từ mấy chục năm sai lầm trong chính sách năng lượng cho đến sự thoái trào của những chiếc xe hơi sử dụng động cơ đốt trong và sự chậm chạp khiến nước Đức không thích nghi được với làn sóng công nghệ mới. Sức cạnh tranh của nền kinh tế Đức đã bị suy giảm đáng kể.
Trong khi Berlin đã vững vàng vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng trong quá khứ, câu hỏi quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại là liệu Đức có thể theo đuổi 1 chiến lược phát triển bền vững hơn hay không trong bối cảnh bất lợi như hiện tại. Ngay tại nội bộ Chính phủ của Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz đang xuất hiện nhiều bất đồng về mọi vấn đề, từ nợ, năng lượng đến chi tiêu hay các quy định về hạn chế tốc độ.
Hồi tháng 1, Thủ tướng Scholz tự tin khẳng định Đức sẽ vượt qua được cú sốc năng lượng mà không rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, với số liệu được công bố hôm qua, kinh tế Đức đã chính thức rơi vào suy thoái.
Các chuyên gia kinh tế nhận định tăng trưởng GDP của Đức sẽ tiếp tục tụt hậu so với khu vực trong nhiều năm nữa. Quỹ tiền tệ quốc tế dự báo năm 2023 Đức sẽ là nền kinh tế tệ nhất trong nhóm G7.
Nhưng những số liệu mới nhất chưa phải là vấn đề. Đáng lo ngại hơn là những dấu hiệu chỉ báo điều gì sẽ diễn ra trong thời gian sắp tới.
Nền kinh tế Đức hiện đang quá phụ thuộc vào những ngành công nghiệp truyền thống mà thiếu đi quyết tâm chuyển sang những lĩnh vực tăng trưởng đột phá hơn. Ngoài ra, việc cắt đi nguồn cung khí đốt từ Nga đã khiến Đức rơi vào cảnh không thể đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của các ngành công nghiệp.
Những thế mạnh dần biến mất
Lâu nay, sức mạnh của kinh tế Đức đến từ những đặc điểm riêng biệt. Sát cánh cùng những tập đoàn lâu đời như Volkswagen, Siemens hay Bayer là hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa được biết đến với cái tên Mittelstand. Và truyền thống thắt lưng buộc bụng giúp Đức có ngân sách khỏe mạnh hơn so với các nước khác để có thể thực hiện những cải cách lớn. Tuy nhiên, Đức còn rất ít thời gian.
Hiện áp lực lớn nhất là Đức phải chuyển đổi năng lượng thành công. Giá điện ở mức phải chăng là yếu tố chủ chốt tạo nên sức cạnh tranh của 1 nền công nghiệp. Thế nhưng kể cả trước khi nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt đứt, Đức đã là nước có giá điện cao nhất ở châu Âu. Nếu Đức không giải quyết nhanh vấn đề này, các nhà sản xuất sẽ dịch chuyển tới nơi khác.
Để đối phó, Berlin đã áp mức trần giá điện đến năm 2030 cho một số ngành tiêu thụ nhiều năng lượng như hóa chất. Dự tính kế hoạch này sẽ tiêu tốn của người nộp thuế khoảng 30 tỷ euro (tương đương 32 tỷ USD). Tuy nhiên, đây có lẽ chỉ là biện pháp tình thế và cho thấy Đức đang thiếu hụt nguồn cung năng lượng như thế nào.
Sau khi đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng vào mùa xuân năm nay và đẩy mạnh kế hoạch loại bỏ hoàn toàn than đá trước năm 2020, Đức đã xoay xở để có thêm khoảng 10 gigawatt điện gió và điện mặt trời trong năm ngoái. Nhưng để đạt được các mục tiêu về khí hậu thì con số phải lớn gấp đôi.
Và không chỉ các ngành công nghiệp nặng, còn rất nhiều nơi có nhu cầu năng lượng sạch do làn sóng điện khí hóa mọi thứ từ hệ thống sưởi ấm cho đến phương tiện giao thông.
Khả năng sản xuất năng lượng tái tạo của Đức rất hạn chế khi nước này có đường bờ biển không lớn và thiếu ánh nắng mặt trời. Để bù đắp, Đức có kế hoạch tăng cường cơ sở hạ tầng để nhập khẩu hydrogen từ Australia, Canada và Saudi Arabia, đặt niềm tin vào những công nghệ chưa từng được thử nghiệm trên quy mô lớn đến vậy. Cùng lúc đó, Đức sẽ phải đẩy nhanh tốc độ xây dựng lưới điện công suất cao kết nối các trang trại điện gió ở ngoài khơi phía Bắc đến những nhà máy và thành phố “khát điện” ở phía Nam.
Chậm đổi mới
Nhìn bề ngoài, nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu có đủ tiềm lự cả về tài chính và năng lực để đi đầu. Lượng vốn đầu tư cho R&D của Đức cao thứ 4 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Khoảng 1/3 bằng sáng chế ở châu Âu đến từ Đức.
Tuy nhiên, phần lớn năng lực đổi mới lại tập trung ở những công ty lớn (như Siemens, Volkswagen) và những ngành truyền thống. Mặc dù các doanh nghiệp nhỏ vẫn sống tốt, số lượng startup mới đang sụt giảm ở Đức, trái ngược với đà tăng ở các nền kinh tế phát triển khác theo OECD.
Khó khăn nằm ở những rào cản về thủ tục và văn hóa ngại rủi ro ở Đức. Tài chính cũng là 1 vấn đề. Lượng vốn đầu tư mạo hiểm ở Đức chỉ đạt 11,7 tỷ USD trong năm 2022, so với mức 234,5 tỷ USD ở Mỹ. Đức cũng không có trường đại học nào lọt top 25 trường hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng mới nhất của Times Higher Education.
Trong khi những thương hiệu như Porsche và BMW đã định hình thời đại động cơ đốt trong, Đức lại hụt hơi trong cuộc đua xe điện. BYD đã vượt mặt Volkswagen trở thành thương hiệu ô tô bán chạy nhất ở Trung Quốc trong quý vừa qua. Thứ giúp BYD tăng tốc là mẫu xe điện mới chỉ có giá bằng 1/3 so với mẫu ID3 của VW nhưng đi được xa hơn và có thể kết nối với các ứng dụng của bên thứ 3.
Phần lớn của cải và trật tự xã hội của nước Đức phụ thuộc vào ngành chế tạo hùng mạnh với những việc làm thuộc dạng chân tay nhưng được trả lương cao. Nhưng điều này lại dẫn đến Đức phụ thuộc 1 cách nguy hiểm vào những thị trường nước ngoài cả về đơn đặt hàng và nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là Trung Quốc. Trong bối cảnh địa chính trị thay đổi như hiện nay, Berlin đang cố gắng giảm phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng điều đó không hề dễ.
Có 2 lĩnh vực chủ chốt mà Đức nên tập trung cải thiện để tăng sức mạnh cho nền kinh tế: tài chính và công nghệ.
Phần lớn tiền của người Đức được gửi tại mạng lưới gồm 360 ngân hàng tiết kiệm quốc doanh được gọi chung là Sparkassen. Những định chế này được kiểm soát bởi chính quyền địa phương và có nguy cơ gây xung đột lợi ích cũng như thiếu sự minh bạch.
Trong khi đó 2 ngân hàng niêm yết lớn nhất là Deutsche Bank và Commerzbank từ nhiều năm nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Chúng cũng lép vế so với các đối thủ trên phố Wall với tổng giá trị vốn hóa còn chưa bằng 1/10 so với ngân hàng lớn nhất nước Mỹ là JPMorgan Chase.
Trong lĩnh vực công nghệ, cái tên đáng chú ý nhất lại là SAP SE, công ty ra đời từ những năm 1970 cung cấp các phần mềm phức tạp giúp các công ty vận hành. Trong những lĩnh vực mới chưa xuất hiện bất cứ cái tên sáng giá nào. Đức từng có công ty thanh toán kỹ thuật số nổi tiếng Wirecard nhưng công ty này đã sụp đổ vì dính vào bê bối gian lận kế toán.
Trong báo cáo mới đây, OCED đã đưa ra những nhận định khá bi quan cho nước Đức: “Không có nước công nghiệp lớn nào mà sức cạnh tranh và độ bền bỉ đang bị thách thức bởi những áp lực rất lớn trên mọi khía cạnh như Đức hiện nay”.
Giáo sư Dana Allin, người đang công tác tại SAIS Europe thì nhận xét: “Sức khỏe của kinh tế Đức có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế cũng như sự đoàn kết và vững mạnh của châu Âu”.
Tham khảo Bloomberg
Nhịp sống thị trường