MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế học cổ điển lý giải ra sao về sự dao động 'khôn lường' của giá cổ phiếu trên TTCK?

Kinh tế học cổ điển lý giải ra sao về sự dao động 'khôn lường' của giá cổ phiếu trên TTCK?

Theo quy tắc về trạng thái cân bằng của kỳ vọng hợp lý, khi dự đoán giá trị của thị trường chứng khoán trong tương lai, những yếu tố chúng ta cần quan tâm chính là các quy luật thị trường, như công nghệ, thị hiếu của người dân, hoặc các loại thuế có thể được áp dụng sắp tới.

Một số nhà kinh tế tin rằng, sự chênh lệch rõ rệt của tỷ lệ lạm phát trước và sau năm 1979 đến từ những chính sách mới được FED thi hành khi Paul Volcker trở thành chủ tịch mới của tổ chức này năm 1979. Trước thời điểm năm 1979, FED không quyết liệt trong việc tăng lãi suất nhằm đối phó với tình trạng lạm phát như thời điểm sau năm 1979.

Nhờ sự quyết liệt này, tăng trưởng kinh tế, lãi suất ngân hàng và lạm phát đều thấp và ít biến động trong thời kỳ sau năm 1979 so với thời kỳ trước đó. Các nhà kinh tế gọi sự thay đổi này bằng cái tên "Thời kỳ ôn hòa vĩ đại" (The Great Moderation).

Một số nhà kinh tế cho rằng, Thời kỳ ôn hòa vĩ đại chính là kết quả của những cải cách trong chính sách tiền tệ. Một số người khác lại cho rằng, FED chỉ là gặp may khi những cú sốc của nền kinh tế trong giai đoạn sau đơn giản là bớt trầm trọng hơn giai đoạn trước.

Để phân xử cuộc tranh luận này, các nhà kinh tế đã dẫn tới kết quả từ công trình thực nghiệm của John Taylor, giáo sư Đại học Stanford.

Vị giáo sư chỉ ra rằng, trong giai đoạn hậu chiến, các động thái của FED có thể được mô phỏng lại bằng một nguyên tắc cơ học đơn giản. Thực tế, FED luôn luôn nâng lãi suất ngân hàng để đối phó với lạm phát và giảm tỷ lệ này để đối phó với tình trạng thất nghiệp. Tuy nhiên, đặc tính cơ bản của nguyên tắc này đã thay đổi vào năm 1979.

Sau năm 1979, khi Paul Volcker trở thành Chủ tịch của FED, các chính sách tiền tệ trở nên quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất ngân hàng trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế so với các giai đoạn trước đó.

Trong khi đó, 3 nhà kinh tế Richard Clarida của Đại học Columbia, Jordi Galí của Đại học Pompeu Fabra tại Barcleona và Mark Gertler của Đại học New York đã sử dụng lý thuyết kinh tế hậu Keynes để chứng minh những sự thay đổi trong chính sách của FED đã đem lại những hệ quả tốt đẹp cho nền kinh tế.

Christopher Sims của Đại học Princeton và Tao Zha của Cục Dự trữ liên bang tại Atlanta lại sử dụng kinh tế lượng để phản bác lại rằng, FED đơn giản là gặp may vì những cú sốc kinh tế thời kỳ sau năm 1979 là ít biến động hơn thời kỳ trước đó.

Song đến năm 2008, khi nền kinh tế đứng trên bờ vực của khủng hoảng, những câu chuyện ca ngợi sự thành công của các chính sách tiền tệ lại trở nên vô cùng lạc lõng. Thực ra, lập luận cho rằng Thời kỳ ôn hòa vĩ đại có được là nhờ công của FED phần lớn là chính xác.

Kinh tế học cổ điển lý giải ra sao về sự dao động khôn lường của giá cổ phiếu trên TTCK? - Ảnh 1.

Tăng trưởng GDP thực tế hàng năm của Hoa Kỳ từ năm 1950 đến năm 2016.

Nhưng, lập luận này bỏ qua một mảnh ghép quan trọng. Đúng là FED đã học được cách thay đổi lãi suất để ngăn ngừa lạm phát một cách hiệu quả hơn, tuy nhiên, điều đó cũng xảy ra nhờ may mắn.

Khoảng thời gian từ năm 1979 đến năm 2006 là giai đoạn có rất ít cú sốc xảy ra với nền kinh tế. Mặc dù các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã trải qua một cú sốc lớn từ sự sụp đổ của thị trường này vào năm 1987, nhưng nền kinh tế đã nhanh chóng phục hồi nhờ vào hành động kịp thời của Alan Greenspan.

Vị cựu Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ này đã gửi đi một thông điệp tới những người đứng đầu các ngân hàng đầu tư lớn tại phố Wall, rằng FED đảm bảo cung cấp mọi khoản tiền mà các ngân hàng này cần cho đến khi khủng hoảng được chặn đứng, và nền kinh tế được phục hồi.

Như vậy, những động thái của FED có thể giúp phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán năm 1987 một nửa là do các quyết định đúng, nhưng một nửa cũng là do may mắn. Nếu niềm tin của các nhà đầu tư không được phục hồi, hậu quả gây ra với nền kinh tế năm 1987 có lẽ sẽ không khác mấy so với cuộc đại khủng hoảng năm 1929 và 2008.

Chính sách của FED năm 1987 đã giúp các nhà đầu tư tin tưởng trở lại, và tiếp tục đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Các nhà kinh tế theo trường phái cổ điển hiện đại cho rằng, chỉ với niềm tin của nhà đầu tư thì không thể ảnh hưởng được tới nền kinh tế. Nền kinh tế đáng lẽ chỉ có thể bị tác động bởi các quy luật thị trường, theo quy tắc mà Robert Lucas gọi là trạng thái cân bằng của kỳ vọng hợp lý.

Điều này nghĩa là, khi chúng ta dự đoán xem giá trị của thị trường chứng khoán trong tương lai là bao nhiêu, những yếu tố chúng ta cần quan tâm chính là các quy luật thị trường, như công nghệ, thị hiếu của người dân, hoặc các loại thuế có thể được chính phủ áp dụng trong tương lai.

Những yếu tố cảm tính tác động đến tâm lý của nhà sản xuất và người tiêu dùng chắc chắn sẽ bị loại bỏ. Song, với suy nghĩ rằng chỉ có những yếu tố quy luật thị trường là quan trọng, chúng ta sẽ rất khó có thể giải thích được sự dao động khôn lường của giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, như chúng ta đã chứng kiến.

Thực tế, các thay đổi trong tương lai của yếu tố quy luật thị trường không thể gây nên tình trạng thay đổi khủng khiếp như vậy của các cổ phiếu được.

Như vậy, để hoàn toàn nắm được bản chất của những biến động từ thị trường chứng khoán, cần phải hiểu rằng mọi sự biến thiên trên thị trường dù lớn đến đâu, cũng đều được tạo thành bởi hành động lý trí từ mỗi cá nhân, mặc dù với xã hội những hành động đó chắc chắn là phi lý trí.

Đặng Hùng

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên