Kinh tế 'ngầm' đo lường thế nào?
Theo các chuyên gia kinh tế, khu vực kinh tế chưa quan sát (còn gọi là kinh tế ngầm), rất khó để tính toán thống kê, nhiều khi còn liên quan tới chuyện “bảo kê”, “nhạy cảm” khác và không dễ xử lý. Nhiều thách thức nhưng nếu có giải pháp, chính sách tốt, với sự hỗ trợ của quốc tế, Việt Nam sẽ thống kê, quản lý tốt hơn góp phần cải thiện nền kinh tế.
- 15-02-2019Có nên đưa kinh tế ngầm vào GDP?
- 28-09-2018Chuẩn bị xây dựng đề án thống kê "kinh tế ngầm"
- 20-09-2018Tổng cục Thống kê đang nghiên cứu xác định nội hàm của kinh tế ngầm
Kinh tế ngầm ngày càng tăng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát, nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện phạm vi, quy mô nền kinh tế.
Theo nội dung đề án này, 5 nhóm hoạt động khu vực kinh tế chưa quan sát, gồm: kinh tế ngầm; kinh tế bất hợp pháp; kinh tế phi chính thức; kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong chương trình thu thập dữ liệu thống kê.
Ảnh kho tiền tang vật thu giữ được của Phan Sào Nam tại Quảng Ninh. Ảnh: CAND
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) sẽ là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm nghiên cứu cơ sở lý luận đo lường và xây dựng danh mục các hoạt động kinh tế chưa được quan sát và lựa chọn phương pháp đo lường, đảm bảo không bỏ sót, tính trùng. Cơ quan này cũng chịu trách nhiệm đo lường thử nghiệm từ năm nay (2019), và chính thức từ 2020. Hằng năm, các số liệu trên sẽ được cập nhật vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP) và các chỉ tiêu kinh tế xã hội khác. Số liệu ước tính, sơ bộ, chính thức... sẽ lần lượt được công bố vào quý I, II; 6 tháng; quý III; 9 tháng và cả năm theo Luật Thống kê.
Tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, việc thống kê các hoạt động kinh tế trên vào GDP là cần thiết, dù không dễ. Những năm 90 của thế kỷ trước, cơ quan thống kê đã tính toán, ước tính trị giá kinh tế ngầm khoảng hơn 10% GDP. Cách đây 10 năm cũng có những đánh giá của các cơ quan, tổ chức thực hiện đo lường bằng lượng tiền mặt ngoài lưu thông, cho thấy trị giá kinh tế ngầm tăng 20-40% so với trước.
Đây cũng là lo ngại của TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ông Thành cho rằng, đề án trên, sâu xa là có thể giúp Chính phủ có quyền tăng nợ công vì nợ công được Quốc hội đưa ra dựa trên GDP. Vì vậy nếu mẫu số to lên, tử số cũng được nhích theo. Bên cạnh đó, việc GDP tăng khi được cộng cả khu vực này vào có thể khiến thay đổi một loạt chỉ tiêu vĩ mô như tăng thuế, tăng thu, tăng nợ của cả nền kinh tế nói chung (trong khi khu vực kinh tế ngầm, dù có tính toán được cũng khó lòng thu được thuế). Dường như cả nền kinh tế “thực” sẽ phải gánh nhiều tác động hơn, còn kinh tế ngầm ngoài việc được đưa ra ánh sáng thì cũng không có gì thay đổi.
Ở đâu kinh tế ngầm lớn, tội phạm nảy sinh
Báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã tính toán quy mô nền kinh tế chưa được quan sát tại 158 quốc gia trên thế giới giai đoạn 1991 - 2015. Theo đó, tính trung bình, con số này trên toàn cầu tương đương 31,9% GDP. Cao nhất là Zimbabwe với 60,6%. Thấp nhất là Thụy Sỹ với 7,2%.
Ở Việt Nam, dễ nhận thấy là hoạt động kinh tế phi chính thức xuất hiện khắp mọi nơi, song những thống kê và hiểu biết về khu vực này vẫn còn hạn chế.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Chuyên gia thống kê Bùi Trinh cho rằng, việc khảo sát, lượng hóa nền kinh tế chưa quan sát là cần thiết nhưng để tính thêm vào GDP thì cần cân nhắc thêm. Tính thêm khu vực này vào GDP chỉ có lợi ích duy nhất là làm đẹp thành tích tăng trưởng nhưng lại lợi bất cập hại ở chỗ kéo tỉ lệ bội chi và nợ công nhỏ lại. “Nợ công và bội chi phải nhìn nhận ở con số tuyệt đối, nếu hạ “ảo” để đạt thành tích sẽ khiến các nhà làm chính sách và cả người dân quên đi hiểm họa” - ông Bùi Trinh nói.
“Khu vực kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp không thể tính toán thống kê, vì không một cơ quan, tổ chức nào thừa nhận sự tồn tại của nó. Chưa kể, kinh tế ngầm nhiều khi còn liên quan tới các câu chuyện “bảo kê”, “nhạy cảm” khác và không dễ xử lý. Mặt khác, các hoạt động phi pháp như mại dâm, cờ bạc, cá cược... cũng không thuộc phạm trù sản xuất nên Tổng cục Thống kê cũng không có căn cứ để làm. Do đó, việc lượng hóa khu vực này không hề dễ dàng” - ông Trinh phân tích thêm.
Ủng hộ đề án, song theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc thống kê phải để hỗ trợ thay vì kiểm soát, kiềm tỏa. Cũng cần làm rõ xưa nay, các đối tượng kinh tế ngầm chịu tác động thế nào từ chính sách của Chính phủ, các chính sách nhà nước khuyến khích thế nào cho kinh tế phi chính thức hoạt động, mở rộng ra như thế? Những chính sách nào đang cản trở khu vực kinh tế trở thành chính thức?”.
Đo lường, chỉ mặt đặt tên kinh tế ngầm, theo bà Lan luôn là bài toán khó đối với mọi quốc gia, không riêng ở Việt Nam. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, chúng ta chưa có số liệu thống kê đầy đủ, kỹ thuật thống kê hiện đại và con người làm thống kê chuẩn quốc tế nên thách thức là rất lớn.
“Môi trường kinh doanh tốt nằm ở khía cạnh thiết kế, thực thi chính sách. Chính môi trường tồi, khu vực phi chính thức lớn là chỗ dung dưỡng cho một loạt tham nhũng vặt, nhưng thực tế không vặt chút nào, nuôi bộ máy lớn, những người làm ở đơn vị có thẩm quyền cấp thấp hơn như huyện, phường, xã… Khu vực kinh tế ngầm, nhất là những lĩnh vực phi pháp như cờ bạc, mại dâm… nuôi dưỡng cho tội phạm. Ở đâu kinh tế ngầm lớn, tội phạm nảy sinh. Đó là lực lượng bảo kê cho kinh tế ngầm hoạt động. Với người dân, quá nhiều người tham gia hoạt động, làm công cho khu vực này là sự thiệt thòi lớn cho họ. Làm cho khu vực không đảm bảo tính ổn định, thu nhập khó có thể cao, tạo thành gánh nặng bất hợp lý cho cả xã hội.
Việc Chính phủ xác định mục tiêu và mời Quỹ tiền tệ quốc tế IMF tham gia vào đề án này, theo bà Lan là tín hiệu tốt, cho thấy Chính phủ không ngại vấn đề này và dám đương đầu với nạn tham nhũng vặt đang ảnh hưởng lớn đến bộ máy ở cấp thực thi chính sách.
Về góc độ doanh nghiệp (DN), thời gian qua có rất nhiều hộ gia đình kinh doanh, hợp tác xã... không muốn trưởng thành doanh nghiệp. Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, vấn đề cốt lõi là quyền tài sản của DN được bảo đảm, thực thi nghiêm minh thì họ mới dám lớn. Khu vực phi chính thức duy trì lâu, tồn tại dai dẳng vì người làm kinh doanh không chỉ né tránh nghĩa vụ thuế mà còn muốn tránh nhiều khoản đóng góp vô lý khác. Nếu chúng ta nhìn rõ và giải quyết được vấn đề này, thì họ sẵn sàng ra “ánh sáng” để làm ăn.
Tiền phong