MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Kinh tế số - chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới'

'Kinh tế số - chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới'

20 đại diện lãnh đạo cấp cao đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực đã cùng nhau trao đổi các xu hướng phát triển mới của kinh tế số Việt Nam; làm rõ những cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp webtech trong quá trình chuyển đổi số và đổi mới mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngày 16/9/2021, tại Ban Kinh tế Trung ương diễn ra Tọa đàm cấp cao với chủ đề "Kinh tế số - chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới". Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra định hướng "đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo". 

Bên cạnh đó, Nghị quyết 52-NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" đã xác định phát triển kinh tế số là trụ cột, là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược trong tiến trình phát triển chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo và đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam chiếm 20% GDP, đến năm 2030 chiếm 30% GDP. 

Mặc dù hoạt động kinh tế số tại Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), viễn thông, sản xuất máy tính và đồ điện tử, các dịch vụ CNTT&TT, tuy nhiên thực tế đang đối diện với một số khó khăn, vướng mắc như: môi trường thể chế và pháp lý còn yếu, chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ; xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối dữ liệu; nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt; các hình thức kinh doanh mới phát triển nhanh làm cho các cơ quan quản lý nhà nước tỏ ra khá lúng túng trong quản lý các hoạt động kinh tế số. 

Đây là những rào cản đối với phát triển kinh tế số cần được nhanh chóng tháo gỡ. Ông Hiển cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao chủ trì hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết 52-NQ/TW và phục vụ xây dựng Báo cáo đánh giá 2 năm tình hình triển khai Nghị quyết 52-NQ/TW, Ban Kinh tế Trung ương mong muốn các chuyên gia chia sẻ các kinh nghiệm giúp phát triển kinh tế số, nhất là hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), cũng như chia sẻ những vướng mắc, kiến nghị để thúc đẩy phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam.

Tham dự sự kiện, ông Sandeep Kapoor, Tổng Giám Đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Khối tối ưu Đám mây và webtech, HPE đã trình bày bài tham luận về thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững cho doanh nghiệp với giải pháp đám mây lai. Theo Ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, thương mại điện tử đang có những bước tiến mạnh mẽ không chỉ trong kinh doanh phát triển nên nền tảng số mà tất cả các lĩnh vực dịch vụ khác như giáo dục, y tế, văn hóa xã hội.

Còn theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT, TMĐT trong các năm gần đây tăng trưởng 30-35%/năm và thời gian tới sau đại dịch là một bức tranh hoàn toàn thay đổi. 

"Những gì chúng ta dự đoán không như mong muốn hay tính toán, nhưng hoạt động TMĐT sẽ sang một trang mới. Chúng ta ngồi họp hoàn toàn trực tuyến cũng như phụ huynh cùng con cái học trực tuyến, các bà nội trợ đã biết cách dùng app để đặt hàng, đi chợ hộ, biết thế nào là combo, mua hàng và thanh toán trực tuyến...Đại dịch đã đẩy nhanh quá trình educate (giáo dục) tất cả mọi người tham gia vào lĩnh vực TMĐT", ông Dũng nhận xét.

Theo ông Dũng, thời gian tới sau khi kiểm soát được dịch và có kế hoạch sống chung với dịch, chúng ta sẽ đón nhận làn sóng mới TMĐT. Điều này phụ thuộc vào các hỗ trợ về mặt chính sách cũng như thúc đẩy thị trường TMĐT của Trung ương và địa phương, làm sao hỗ trợ kinh tế số phát triển trong thời gian tới.

Cũng tại buổi Tọa đàm, 20 đại diện lãnh đạo cấp cao đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực thương mại điện tử, giao hàng công nghệ, dịch vụ điện tử và tài chính, truyền thông đa phương tiện, v.v... đã cùng nhau trao đổi các xu hướng phát triển mới của kinh tế số Việt Nam; làm rõ những cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp webtech trong quá trình chuyển đổi số và đổi mới mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước những tình hình thực tế, các đại diện đã đề xuất, khuyến nghị những chính sách cụ thể như: xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số; cải cách và số hóa các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp; khuyến khích và thúc đẩy mạnh việc thanh toán điện tử; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số; đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ, tạo cơ hội thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới.

Kết thúc Tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển cho biết Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp, chắt lọc và tiếp thu các ý kiến của các đại biểu trong buổi Tọa đàm cũng như trong quá trình theo dõi thực hiện Nghị quyết 52. Từ đó, góp phần giúp Ban Kinh tế Trung ương có luận cứ để xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" trình Ban Chấp hành Trung ương vào tháng 10/2022.

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên