Kinh tế số: Động lực mới cho phát triển kinh tế và tăng năng suất lao động
Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã lựa chọn phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Ủy ban trong năm 2024. Kinh tế số trở thành một động lực mới cho phát triển kinh tế và tăng năng suất lao động.
- 09-02-2024Thủ đoạn giả danh Cơ quan Công an hướng dẫn cài đặt VneID giả mạo để lừa đảo
- 09-02-2024TikToker, KOL hốt bạc nhờ livestream bán hàng Tết
- 09-02-2024Bước tiến đầu tiên của Apple vào lĩnh vực AI tạo sinh: chỉnh sửa ảnh bằng ngôn ngữ đời thường thay vì phần mềm
Tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ việc phát triển kinh tế số với 4 trụ cột Công nghiệp công nghệ thông tin, Số hóa các ngành kinh tế, Quản trị số, Dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Không chỉ chỉ rõ phát triển kinh tế số với bốn trụ cột, mà Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã lựa chọn phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Ủy ban trong năm 2024. Kinh tế số trở thành một động lực mới cho phát triển kinh tế và tăng năng suất lao động.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Cơ quan thường trực của Ủy ban đang xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế số năm 2024 tập trung vào các nội dung lớn.
Thứ nhất , với trụ cột Công nghiệp công nghệ thông tin, trọng tâm là phát triển và thương mại hóa 5G. Mục tiêu đến hết năm 2025, phổ cập thương mại hóa 5G trên phạm vi toàn quốc.
Thứ hai , đối với trụ cột số hóa các ngành kinh tế, Bộ xác định kinh tế số ngành, lĩnh vực là không gian mới, tiềm năng để phát triển kinh tế số. Cần phải đưa công nghệ số, dữ liệu số thẩm thấu vào từng ngành, lĩnh vực, từ đó nâng cao hiệu quả sức lao động và sức cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế.
Mục tiêu là như vậy, nhưng với nguồn lực có hạn, cần có cách tiếp cận phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay đã xác định tập trung vào thúc đẩy chuyển đổi số trong 05 ngành, lĩnh vực trọng điểm mà Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển, gồm: Nông nghiệp, Du lịch, Dệt may, Logistics và Công nghiệp chế biến, chế tạo.
Mỗi một ngành, lĩnh vực cần tìm ra các điểm nghẽn, các bài toán ở tầm quốc gia để từ đó đưa công nghệ số vào giải quyết, từ đó thúc đẩy kinh tế số phát triển.
Mỗi bộ, ngành phụ trách ngành, lĩnh vực cần phát huy vai trò chủ trì, dẫn dắt trong việc số hóa kinh tế ngành, lĩnh vực. Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết đồng hành, hỗ trợ.
Thứ ba , về quản trị số. Kinh tế số phát triển dựa trên công nghệ, phát sinh những quan hệ sản xuất mới, mô hình kinh doanh mới. Do vậy, Chính phủ cần phát triển năng lực quản trị số, hướng tới phát triển kinh tế số một cách lành mạnh, bền vững. Trong đó, cần chú trọng tới các vấn đề xây dựng tiêu chuẩn, kỹ thuật kết nối các nền tảng; giám sát trực tuyến, tự động các hoạt động trong nền kinh tế số để phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm pháp luật…
Một nội hàm quan trọng nữa của quản trị số là đo lường kinh tế số. Có đo lường mới phát triển được. Việc đo lường kinh tế số cần phải có cách tiếp cận “dựa trên công nghệ” để đo lường chính xác (một cách tương đối), với độ trễ thấp so với cách đo lường dựa trên thống kê như hiện nay.
Thứ tư , về dữ liệu số. Dữ liệu được coi là một loại tài sản mới, là yếu tố đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Vì vậy, cần có cơ chế, hành lang pháp lý để định giá dữ liệu, và thúc đẩy trao đổi, mua bán dữ liệu như một loại tài sản để cơ quan tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận được với các tập dữ liệu có chất lượng, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đây là vấn đề mới không chỉ tại Việt Nam, mà còn trên thế giới. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số giao Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm 2024 nghiên cứu, xây dựng và triển khai thử nghiệm sàn giao dịch dữ liệu. Trước mắt nghiên cứu thử nghiệm, đánh giá hiệu quả trên các tập dữ liệu có nhu cầu lớn như dữ liệu xuất, nhập khẩu của Việt Nam và thị trường các quốc gia trên thế giới mà doanh nghiệp Việt Nam quan tâm.
Thứ năm , để triển khai nhanh, đồng bộ, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu trong năm 2024 là phổ cập các yếu tố cơ bản để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số. Các yếu tố cơ bản này gồm có: mỗi người dân một tài khoản thanh toán số, mỗi người dân một tài khoản định danh số; mỗi người dân một chứ ký số, mỗi người dân một tài khoản dịch vụ công trực tuyến. Với các doanh nghiệp, đó sẽ là phổ cập hóa đơn điện tử và hợp đồng điện tử.
Và cuối cùng là ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các nền tảng số, tự động hóa quy trình và tăng năng suất lao động.
Vnmedia