MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Kinh tế số làm cho thế giới nhỏ lại nhưng giúp các doanh nghiệp nhỏ lớn lên"

21-04-2022 - 09:30 AM | Kinh tế số

Nền kinh tế số của Việt Nam dự báo đạt quy mô 57 tỷ USD vào năm 2025

Nền kinh tế số của Việt Nam dự báo đạt quy mô 57 tỷ USD vào năm 2025

Ông Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định trong kinh tế số thì những lợi thế về quy mô không còn quá lớn, thay vào đó là sự năng động và chất lượng

Từ chợ thật đến chợ “ảo”

Phát biểu khai mạc Tọa đàm "Vai trò của nền tảng số trong phục hồi kinh tế sau đại dịch”, Phó Tổng biên tập Phụ trách Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, Việt Nam hướng tới trở thành quốc gia số hàng đầu khu vực, ổn định và thịnh vượng; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Mục tiêu cụ thể là đưa kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và Việt Nam thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử.

Bà Huyền cũng trích dẫn thêm báo cáo của Google, nền kinh tế số của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỉ USD và dự kiến đạt 57 tỉ USD năm 2025, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng khoảng 29% một năm.

Đánh giá về kinh tế nền tảng và các nền tảng số hiện nay tại Việt Nam, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Kinh tế (Viện Nhà nước và Pháp Luật) cho biết kinh tế nền tảng đã tồn tại từ rất lâu đời với nhiều hình thức khác nhau, từ "chợ" thật cho đến những "chợ" ảo. Tại đó, người bán, người mua có thể gặp nhau để có thể trao đổi thông tin và đưa đến quyết định là mua hay không mua, giao dịch hay không giao dịch.

“Ví dụ như “chợ người” Giảng Võ là một nền tảng cực kỳ điển hình. Với sự phát triển của công nghệ thì nền tảng vật lý dần dần mất đi và thay vào đó là những nền tảng số như Amazon, eBay, Facebook…”, ông Dương lấy ví dụ.

Nhấn mạnh thêm về sự phát triển của chợ “ảo”, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết đối với chợ truyền thống, chúng ta chỉ có khoảng 100 người nhưng ở trên thương mại điện tử, chúng ta có đến từ 300.000 - 400.000 đến hơn 1 triệu hoặc đến vài triệu người bán.

Kinh tế số làm cho thế giới nhỏ lại nhưng giúp các doanh nghiệp nhỏ lớn lên - Ảnh 1.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương)

Bà Lại Việt Anh cho biết 2 năm dịch COVID-19 hoành hành là một thảm họa cho nền kinh tế thế giới và gây khó khăn rất lớn cho phát triển kinh tế của Việt Nam. Nhưng đối với lĩnh vực thương mại điện tử thì đây là “cú hích” để thương mại điện tử cũng như nền tảng số phát triển.

Trong 2 năm qua tại Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến gia nhập thị trường. Trong đó 55% đến từ các khu vực ngoài những thành phố lớn và 99%. Những người dùng cho biết họ sẽ tiếp tục và tăng tần suất sử dụng các nền tảng trực tuyến.

Cuộc chơi công bằng hơn

Trong một góc nhìn khác, ông Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng kinh tế số nói chung hay các nền tảng số nói riêng là cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.

Ông Lộc đánh giá khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng các nền tảng dùng chung thì lập tức ngang hàng với các doanh nghiệp lớn trong việc tham gia vào kinh tế số. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn có thể bình đẳng với các doanh nghiệp lớn trong việc tiếp cận thị trường cũng như công nghệ.

Ông lấy ví dụ một tiệm cơm bình dân có thể lên các app như Grab để bán hàng chỉ trong 1-2 ngày, thay vì mất hàng tháng trời và chi phí để tự làm web đặt hàng, mà chưa chắc chắn đã có khách nào biết để ghé thăm.

“Kinh tế số làm cho thế giới nhỏ lại, giúp các doanh nghiệp nhỏ lớn lên. Không còn lợi thế về quy mô quá nhiều như trước đây, điểm quan trọng hiện tại là chất lượng và sự năng động”, ông Vũ Tiến Lộc đánh giá.

Kinh tế số làm cho thế giới nhỏ lại nhưng giúp các doanh nghiệp nhỏ lớn lên - Ảnh 2.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng trong nền kinh tế số cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ trở nên công bằng hơn

Theo ông Lộc, các nền tảng số hiện nay đã được xây dựng hoàn chỉnh và hoạt động hiệu quả, tiếp cận nhiều khách hàng, khả năng xử lý giao dịch tốt, tính an toàn - bảo mật cao và được tích hợp nhiều hệ thống, giải pháp hỗ trợ giao dịch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể ngay lập tức tham gia giao dịch trực tuyến với chi phí và thời gian tối thiểu.

Không chỉ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Lộc cho rằng với cộng đồng doanh nghiệp nói chung thông qua nền tảng số có thể tiếp cận khách hàng rộng khắp hơn. Ví dụ nhiều doanh nghiệp lần đầu có thể xuất khẩu nhờ các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Bên cạnh đó, giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số và tăng năng suất hoạt động, nhờ có cơ chế và hạ tầng kết nối giao dịch hiệu quả của các nền tảng công nghệ kết nối, hệ thống điều phối nguồn lực, hỗ trợ thanh toán trực tuyến.

Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý

Về các giải pháp phát triển trong dài hạn, ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá nền kinh tế số tại Việt Nam đã có những kết quả khả quan như Việt Nam đứng thứ 22/60 quốc gia, tăng trưởng tăng 16% so với năm 2020, quy mô kinh tế số đạt 20% GDP.

Theo ông Nam, đây là những kết quả rất đang khích lệ như bức tranh kinh tế số cần hoàn thiện khung pháp lý, sớm có chiến lược tổng thể quốc gia về kinh tế số; quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, an toàn an ninh mạng…

“Cần phát triển khung pháp lý về các sản phẩm mới, mô hình kinh tế mới và có khung pháp lý về chia sẻ dữ liệu, tập trung hóa dữ liệu để tăng hiệu quả. Đặc biệt, cần hoàn thiện khung pháp lý giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại điện tử như Grab, Uber về giao thông vận tải. Các khung pháp lý cần bảo đảm trật tự quốc phòng an ninh trên không gian mạng theo các chuẩn mực quốc tế và cam kết quốc tế. Ngoài ra cần các chiến lược quy hoạch tầm quốc gia về chuyển đổi số và kinh tế số”, ông Nam đề xuất.

Kinh tế số làm cho thế giới nhỏ lại nhưng giúp các doanh nghiệp nhỏ lớn lên - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Trong khi đó, bà Lại Việt Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề thể chế. Bà cho biết trong 2 năm dịch COVID-19 vừa rồi, các doanh nghiệp muốn triển khai các dịch vụ để kết nối cung cầu, lưu thông hàng hóa để đến tay người tiêu dùng nhưng gặp rất nhiều vướng mắc.

“Nếu thể chế được khơi thông sẽ có tác dụng cho doanh nghiệp hơn rất nhiều so với những hình thức hỗ trợ tài chính”, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhận định.

Theo Thuỳ An

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên