Kinh tế suy thoái, Saudi Arabia thông qua ngân sách kỷ lục
Quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái do giá dầu giảm sâu mấy năm qua...
- 24-11-2017Saudi Arabia bắt đầu cấp visa du lịch cho khách quốc tế từ năm 2018
- 08-11-2017Saudi Arabia đóng băng hơn 1.200 tài khoản liên quan tới bê bối tham nhũng
- 23-08-2017Quốc vương Saudi Arabia chi 100 triệu USD cho kỳ nghỉ xa xỉ nhất thế giới
Saudi Arabia vừa thông qua kế hoạch ngân sách lớn chưa từng có dành cho tài khóa 2018, trong bối cảnh nền kinh tế của quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái do giá dầu giảm sâu mấy năm qua.
Theo trang CNN Money, cùng với việc tăng ngân sách, Saudi Arabia hoãn mục tiêu đưa ngân sách trở lại mức cân bằng. Theo đó, thay vì mục tiêu cân bằng thu-chi công vào năm 2020, Saudi Arabia lùi thời hạn này đến năm 2023.
Kế hoạch được Bộ Tài chính Saudi Arabia công bố cho thấy chi tiêu công của nước này sẽ tăng lên mức 978 tỷ Riyal, tương đương 261 tỷ USD, trong tài khóa tới, tăng 6% so với tài khóa hiện tại.
Việc tăng ngân sách này diễn ra trong bối cảnh thái tử Mohammed bin Salman khởi động một chiến lược tham vọng nhằm giảm sự phụ thuộc của Saudi Arabia vào dầu lửa. Mang tên Tầm nhìn 2030, chiến lược của vị thái tử 32 tuổi bao gồm nhiều cải cách xã hội và kinh tế như cho phép mở rạp chiếu phim, dỡ lệnh cấm phụ nữ lái xe…
Tuy nhiên, các biện pháp cắt giảm trợ cấp trong chiến lược này đã gây sức ép đối với tăng trưởng kinh tế Saudi Arabia. Chưa kể, việc giá dầu sụt giảm mạnh từ mùa hè năm 2014 cũng khiến nền kinh tế Saudi Arabia gặp khó. Năm nay, nước này đã rơi vào suy thoái, với mức giảm 0,5%.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi Riyadh nới các biện pháp thắt lưng buộc bụng để tăng trưởng có thể phục hồi.
"Chính phủ Saudi Arabia đang tăng chi tiêu nhằm kích thích tăng trưởng và khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào các hoạt động đầu tư", ông John Sfakianakis, Giám đốc nghiên cứu kinh tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu vùng Vịnh ở Riyadh, nhận định.
"Việc hoãn mục tiêu cân bằng ngân sách có ý nghĩa lớn, bởi thắt chặt chi tiêu thái quá có thể khiến nền kinh tế sớm chịu thêm nhiều tác động tiêu cực", vị chuyên gia phát biểu.
Việc tăng chi tiêu rất có thể sẽ khiến thâm hụt ngân sách tăng, nhưng Saudi Arabia đã đạt được một số bước tiến về giảm thâm hụt ngân sách.
Chính phủ Saudi Arabia dự báo thâm hụt ngân sách giảm 15% trong tài khóa tới, lên mức 195 tỷ Riyal, tương đương 52 tỷ USD. Năm 2015, thâm hụt ngân sách của nước này lên tới 366 tỷ Riyal, tương đương 100 tỷ USD, khi giá dầu sụt mạnh khiến nguồn thu lao dốc.
Trong vòng chưa đầy 1 năm, Saudi Arabia đã phải phát hành trái phiếu quốc tế 3 lần, vay nhiều tỷ USD để bù đắp cho thâm thủng ngân sách.
Bộ Tài chính Saudi Arabia dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể phục hồi về mức 2,7% trong năm tới. Ngoài ra, tăng chi tiêu công cũng có thể giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp của nước này. Hiện tại, gần 13% người Saudi Arabia dưới 30 tuổi không có công ăn việc làm.
Việc giá dầu hồi phục được xem là cơ hội tốt để Saudi Arabia tăng chi tiêu nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Dầu Brent, loại dầu mang mức giá tham chiếu cho hơn một nửa thị trường dầu toàn cầu, đã tăng khoảng 12% trong năm nay, sau khi tăng 52% trong năm ngoái.
VnEconomy