MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế thế giới ra sao 10 năm sau 'thảm họa' Lehman Brothers

15-09-2018 - 15:12 PM | Tài chính quốc tế

Sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu theo sau đó gây chấn động cả nền kinh tế thế giới. Dù một thập kỷ đã trôi qua, nhiều hậu quả vẫn còn tồn tại đến tận bây giờ.

Đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng nhất kể từ Đại suy thoái. Để thoát khỏi thảm cảnh, ngân hàng trung ương các nước phải tung ra loạt chính sách kích thích tiền tệ khổng lồ và phi truyền thống, trong khi chính phủ các nước hoặc nới lỏng chính sách tài khóa hoặc thực hiện chủ trương “thắt lưng buộc bụng”.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới buộc phải hạ lãi suất xuống cận 0, thậm chí thấp hơn, đồng thời bắt đầu mua trái phiếu nhằm kích thích tinh thần của khối doanh nghiệp và người tiêu dùng. Kết quả, bảng cân đối tài chính của các ngân hàng trung ương đã phình to lên mức chưa từng thấy.

Kinh tế thế giới ra sao 10 năm sau thảm họa Lehman Brothers - Ảnh 1.

Việc các ngân hàng trung ương sử dụng “easy money” (tiền dễ kiếm được) để kích thích các thị trường tài chính tái sinh khiến gánh nặng nợ của thế giới ngày càng chồng chất. “Núi” nợ của thế giới liên tục tăng trong suốt hai thập kỷ qua, từ mức 84.000 tỷ USD khi nhân loại vừa bước sang thế kỷ 21, lên 173.000 tỷ USD vào thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2008 bùng nổ, và tiếp tục lên 250.000 tỷ USD đến thời điểm hiện tại.

Kinh tế thế giới ra sao 10 năm sau thảm họa Lehman Brothers - Ảnh 2.

Chính phủ là bên sẽ phải chịu phần lớn trách nhiệm cho sự phát triển “nóng” của thị trường tín dụng.

Đi kèm với chính sách “thắt lưng buộc bụng”, nợ công tại phần lớn quốc gia trên thế giới hiện đều cao hơn năm 2007. Đây rõ ràng là một rủi ro tiềm ẩn đối với các nền kinh tế trong tương lai, nhất là khi các ngân hàng trung ương đang ngày càng thắt chặt chính sách tiền tệ.

Kinh tế thế giới ra sao 10 năm sau thảm họa Lehman Brothers - Ảnh 3.

Lợi dụng thời điểm lãi suất chạm đáy, các công ty phi tài chính tăng đòn bẩy, từ đó kích thích lợi nhuận. Nợ của khối doanh nghiệp này cũng theo đó lên khoảng 27.000 tỷ USD, nghĩa vụ trả nợ giờ đã gần bằng GDP toàn thế giới. Trước đây, khối doanh nghiệp phi tài chính thường ít nợ hơn khối doanh nghiệp tài chính.

Kinh tế thế giới ra sao 10 năm sau thảm họa Lehman Brothers - Ảnh 4.

Nguồn: Bloomberg

Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với phân khúc hộ gia đình. Trên danh nghĩa, nợ hộ gia đình đang giảm tại các quốc gia phát triển như Đức, Nhật Bản và Anh. Ngược lại, hộ gia đình tại Trung Quốc lại nợ tổng 6.500 tỷ USD, cao hơn nhiều mức 757 tỷ USD vào năm 2008.

Kinh tế thế giới ra sao 10 năm sau thảm họa Lehman Brothers - Ảnh 5.

Nguồn: Bloomberg

Tất nhiên, không phải ai cũng “ôm” nợ vào người. Nhờ loạt quy định quản lý được thiết lập sau thời kỳ khủng hoảng, các doanh nghiệp tài chính bắt đầu hoạt động ổn định hơn, cũng như có khả năng chống chọi khủng hoảng tốt hơn. Trong suốt 10 năm qua, nợ của các doanh nghệp tài chính chỉ tăng 3.000 tỷ USD, với hệ số nợ/GDP đang ở mức khá thấp.

Kinh tế thế giới ra sao 10 năm sau thảm họa Lehman Brothers - Ảnh 6.

Nguồn: Bloomberg

Xét chung về nền kinh tế vĩ mô, sự sụp đổ của Lehman Brothers đẩy kinh tế thế giới vào đợt suy thoái sâu nhất kể từ Thế Chiến II. Mặc dù sau đó đã phục hồi, đa phần thế giới đều chỉ ghi nhận tốc độ tăng trưởng trung bình trong phần lớn thời gian của thập kỷ vừa qua.

Kinh tế thế giới ra sao 10 năm sau thảm họa Lehman Brothers - Ảnh 7.

Số người thất nghiệp hiện nay cao hơn khoảng 25 triệu người so với năm 2007, dù tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang giảm dần. Đáng chú ý là tỷ lệ người trẻ thất nghiệp tại một số quốc gia, như Hy Lạp, vẫn loanh quanh 40%.

Kinh tế thế giới ra sao 10 năm sau thảm họa Lehman Brothers - Ảnh 8.

Sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế thế giới được thể hiện rõ nhất ở việc thiếu áp lực tăng lương tại phần lớn quốc gia, dù nhu cầu tuyển dụng ngày càng lớn.

Kinh tế thế giới ra sao 10 năm sau thảm họa Lehman Brothers - Ảnh 9.

Nếu hỏi ai là người chiến thắng trong suốt 10 năm nỗ lực phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thì câu trả lời chính là khối doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đang ở trong thời kỳ dễ kiếm tiền, với giá cổ phiếu tăng mạnh và lợi nhuận cũng bắt đầu phục hồi.

Kinh tế thế giới ra sao 10 năm sau thảm họa Lehman Brothers - Ảnh 10.

Từng là tâm điểm của cuộc khủng hoảng 10 năm trước nhưng thị trường bất động sản giờ đã phục hồi tại hầu hết ngóc ngách của thế giới. Tuy nhiên, đi kèm với đó là khoảng cách giữa người có tài sản và người nghèo ngày càng tăng.

Kinh tế thế giới ra sao 10 năm sau thảm họa Lehman Brothers - Ảnh 11.

10 năm sau sự sụp đổ của Lehman Brother, có vẻ như nhiệm vụ “cứu thế giới” của các ngân hàng trung ương đã hoàn thành. Ví như ở Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đã xuống sát đáy 48 năm, chỉ số S&P 500 gần đây đã lập đỉnh kỷ lục và người tiêu dùng bắt đầu tự tin vào thiên niên kỷ hiện tại. Tuy nhiên, nếu đào sâu hơn, con đường mà thế giới đang đi lại được lát bằng “gạch” nợ nần, và đó lại là đường một chiều.

Theo Phan Vũ (tổng hợp)

Người đồng hành

Trở lên trên